Những “mẹ kế” biết thương con chồng

Chia sẻ

Dù không phải sinh thành, nhưng những người mang danh “mẹ kế” trong các câu chuyện dưới đây lại có công dưỡng dục các con riêng của chồng nên người. Với họ, tình yêu thương là “chìa khóa” của hạnh phúc gia đình.

1

Bà Thành (SN 1949, quận Tây Hồ, Hà Nội) không chỉ là một người năng nổ trong các hoạt động xã hội, là người có biệt tài “hóa giải xung đột” cho các cặp vợ chồng mà còn là tấm gương sáng trong ứng xử khéo léo, tế nhị và yêu thương chồng con, trong đó có các con riêng của chồng.

Bà Thành kết hôn khi đã bước qua tuổi 30. Bà lấy một “anh bộ đội”, chính là chồng bà bây giờ. Vợ mất để lại bốn đứa con thơ. Lúc ấy, ông những tưởng sẽ phải phục viên sớm để chăm sóc, nuôi dạy các con, nhưng bà Thành đã chấp nhận hi sinh, tự nguyện về chung một nhà để chăm sóc các con nhỏ cho ông yên tâm công tác.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hơn ba mươi năm chung sống, các thành viên trong gia đình bà chưa một lời nặng nề với nhau. Bà coi các con riêng của chồng như con đẻ để yêu thương, bao bọc. Các con chồng vì thế rất kính trọng, hiếu nghĩa với mẹ. Bà mỉm cười: “Với tôi, như vậy là hạnh phúc rồi”.

Ông là bộ đội, thường xuyên vắng nhà, một mình bà nuôi dạy các con chu đáo, không một lời kêu ca, than vãn. Bà nhớ lại hồi ấy, các con còn nhỏ, có lúc ốm sốt, sài đẹn, bà cũng âm thầm chăm lo, không báo cho chồng vì sợ ông lo lắng. Rồi các con đi học, các khoản chi tiêu, có lúc thiếu thốn, bà lại nhận thêm việc về làm đêm… Bà bật mí: “Thế mà tôi cũng dành dụm được một khoản để khi các con kết hôn, tôi tặng cho các cháu một chút làm quà”.

Bà nhớ nhất là lúc con trai kết hôn, ông nhất mực phản đối vì chưa “môn đăng hộ đối”, nhưng chính bà là người động viên, khuyên ông hãy tin vào sự lựa chọn của con. Hôm tổ chức đám cưới, con trai ông nắm lấy tay bà, xúc động nghẹn ngào cảm ơn mẹ đã hết lòng tin tưởng và yêu thương anh. Khi con dâu mang bầu, sức khỏe yếu phải nằm viện để giữ thai, mẹ đẻ ở xa, bà là người chăm sóc cho con dâu trong những ngày nằm viện. Các cháu nội, cháu ngoại, bà đều ân cần chăm nom, đỡ đần các con lúc bận rộn hay có công việc đột xuất.

Đối với chồng, bà cũng hết lòng yêu thương, tận tụy chăm nom. Khi ông mất, thấy bà ở một mình buồn, các con lại chia nhau mỗi tuần sẽ có một người đưa gia đình về chơi, cùng ăn cơm với mẹ. Bà cười: “Tôi hạnh phúc bởi có những đứa con tuyệt vời, dù đó không phải là do mình sinh ra”.

2

Trong CLB Mẹ chồng – nàng dâu phường Ngã Tư Sở, ai cũng ngưỡng mộ bà Hợp trong ứng xử với con trai và con dâu của chồng. Chia sẻ về bí quyết, bà bảo: “Tôi sống mẫu mực trong cuộc sống, sinh hoạt, ứng xử thì không cần nói, người ta cũng cảm nhận được tấm chân thành đó”.

Năm 42 tuổi, bà Hợp mới lấy chồng. Chồng bà – ông Chính là một cán bộ về hưu, đã hơn 50 tuổi, vợ mất. Khi các con gái đã yên bề gia thất, ông vẫn một mình chăm sóc, nuôi dạy con trai út vừa tròn 15 tuổi. Hai bố con đều là đàn ông con trai, việc bếp núc, vun vén nhà cửa trở nên vụng về, khó khăn. Thấu hiểu và thương cảm cho hoàn cảnh của người đàn ông góa vợ, bà Hợp tình nguyện làm người “nâng khăn, sửa túi” cho ông.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về làm dâu, bà Hợp đối mặt với một thử thách mới: Làm mẹ của các con chồng. Nhưng từ ngày có bàn tay “mẹ kế”, mọi thứ trở về với quỹ đạo. Cuối tuần gặp mặt con cái, mọi người quây quần bên mâm cơm, bà thống nhất với các con chồng về một số vấn đề để gia đình hòa thuận hơn như bỏ qua xích mích nhỏ, có gì thì góp ý trực tiếp…

Không sinh thêm con chung với chồng, bà dành tình yêu thương cho chồng và con chồng, giữ lửa trong cuộc sống gia đình. Được chồng thấu hiểu, động viên, bà cố gắng làm tròn nghĩa vụ. Dần dần, các con cũng hiểu mẹ kế hơn. Nhưng điều mà bà Hợp lo lắng nhất là cậu con trai út của chồng đang ở tuổi vị thành niên - cái tuổi phát triển mạnh về thể chất và tâm hồn nên bướng bỉnh, tâm tính thay đổi nhiều. Bà đọc thêm sách, tìm hiểu và nắm bắt tâm lý, cố gắng gần gũi con trai chồng ở mức độ hợp lý nhất. Bà Hợp lo lắng, sắm sửa cho con trai từ đôi giày, cái áo, đến bộ sách học. Cậu hay kêu đau đầu, bà mua thuốc, bảo con đi khám… Có hôm, cậu đi chơi về muộn, bà gọi ra nhắc nhở. Cậu không cãi lại nhưng tỏ ý không vừa lòng. Dần dần, thấy mẹ nói đúng, cậu cũng thay đổi thói quen, không còn về quá khuya…

Từ khi có thêm mẹ kế, cuộc sống gia đình có nhiều biến chuyển. Có người chăm sóc, ông Chính khỏe mạnh, hồng hào trông thấy. Căn nhà được bài trí đẹp đẽ, khoa học, gọn gàng hơn. Những mâm cơm đủ chất dinh dưỡng với nhiều món ngon đều đặn xuất hiện. Trước đây đám giỗ, các con phải chia nhau nhà một việc, một thứ đồ mang đến, chuẩn bị rất vất vả. Bà Hợp về, lo tổ chức đám giỗ chu đáo. Tết nhất, lễ lạt đã có mẹ kế lo toan.

Có lần, con gái cả của ông bị bệnh thấp khớp, trong khi các cháu bận đi học, bà vừa cơm nước cho chồng con bên nhà, rồi chạy sang nhà con gái cả của ông để chăm sóc, lo từng bữa cơm, thìa cháo. Cậu con trai vẫn thường khoe với bạn bè về người mẹ kế tuyệt vời của mình, kể cả khi lấy vợ.

Học xong đại học, con trai đi làm rồi lấy vợ, bà làm tròn trách nhiệm của một người mẹ. Sau khi cưới, con dâu, con trai ở chung với bố mẹ chồng. Ngày con dâu về nhà chồng, bà cố gắng để con dâu hiểu về thói quen sinh hoạt của gia đình mình. Hai vợ chồng đi làm tối muộn mới về, bà đưa đón con cái rồi lo cho cháu ngủ. Nhưng đi đâu, làm gì, bà vẫn nhắc các con coi trọng bữa cơm gia đình bởi đó là nơi tụ họp, tình cảm gia đình, mỗi người gắp một miếng cho nhau, cảm giác ấm cúng hơn. Hôm gặp mặt gia đình, các con hỏi: “Cuộc sống hằng ngày, chúng con có điều gì không phải, mẹ cứ nói để chúng con sửa chữa. Chúng con cảm ơn mẹ đã chăm sóc bố và các em”. Bà Hợp cảm động rơi nước mắt: “Mẹ may mắn được các con đón nhận và yêu thương mẹ như mẹ đẻ của mình”.

3

Xưa nay, vấn đề mẹ kế con chồng vẫn luôn được coi là phức tạp. Đến nỗi, cha ông ta còn đúc kết câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Thế nhưng, đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về mẹ kế đối xử tốt với con riêng của chồng và ngược lại, trở thành những tấm gương đẹp về tình yêu thương và đạo hiếu trong gia đình hiện nay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo các chuyên gia tâm lý, để gắn kết các thành viên trong gia đình có mối quan hệ phức tạp theo hình tam giác: vợ - chồng, chồng – con ruột, vợ - con riêng, phụ nữ cần chuẩn bị tâm lý, đồng thời ứng xử khéo léo, linh hoạt để không khí gia đình hòa thuận nhất. Đối với các con riêng của chồng, người mẹ kế hãy luôn thể hiện sự yêu thương và quan tâm chân thành, ở mức độ vừa phải, không quá chiều chuộng cũng không quá nghiêm khắc, không phải chuyện gì cũng kể cho chồng nghe mà có thể cùng con chồng giải quyết… Dần dần, các con của chồng cũng sẽ cảm nhận được tình yêu thương đó. Khi tình yêu thương được “đâm chồi nảy lộc” thì mối quan hệ mẹ kế - con chồng cũng sẽ không còn khoảng cách nữa.

Quỳnh Như

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.