Bức vẽ đầy máu của đứa trẻ 6 tuổi

Chia sẻ

Nhìn bức vẽ của con cùng những lời mô tả, chị Hương không sao tin nổi, con mới 6 tuổi mà đã bị game ám ảnh đến mức hóa thân vào nhân vật để chém, giết, đổ máu như một game thủ. Sau hoang mang, lo lắng, chị Hương hiểu rằng chính bố mẹ đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ những hình ảnh xấu độc từ game online.

Vợ chồng chị Hương đưa con đầu lòng đến làm bài khảo sát trước khi vào lớp 1 tại một trường tư thục. Cậu bé LTM luôn chân luôn tay sờ đồ vật, chạy và hỏi bất cứ thứ gì cậu nhìn thấy. Sau khi tham quan trường, lớp về cậu bé được cô giáo hướng dẫn làm bài khảo sát. Ngay khi cô gợi ý con vẽ một bức tranh về gia đình, ông bà, bố mẹ, bạn bè, ngôi nhà… LTM đã cầm bút vẽ rất nhanh, chân cậu cho lên ghế ngồi xổm, người xoay ngang, xoay chéo, vừa vẽ miệng nói ríu vào nhau miêu tả. Bức vẽ hoàn thành với hai màu: đỏ và đen. Khi được hỏi bức tranh con vẽ gì, LTM mô tả: “Con lợn, chém, giết, phải giết chết. Thanh gươm này, giết, thanh này nữa. Máu này, nhiều máu…”. Gương mặt cậu bé rất nhập tâm vào vai sát thủ trong game.

- Ở nhà con hay xem game gì?

- Bắn, bắn nó cho chảy máu. Đây là máu. Chỗ này cũng máu. Không được chạy.

Cậu bé trả lời cô giáo như vậy rồi chạy ra ngoài, miệng vẫn nói không ngớt. Cô giáo trao đổi với mẹ về bức vẽ và phần kiểm tra tâm lý của con.

Chị Hương nghe và nhìn cô giáo với ánh mắt đầy hồ nghi.

- Con em làm sao mà biết chém giết gì chứ. Cô có nhầm lẫn gì không?

- Mẹ nhìn bức vẽ này của con ạ.

Nhìn bức vẽ, chị Hương nhận ra điều gì đó. Sau khi trao đổi với cả bố của LTM, anh thừa nhận có cho con chơi game, trong game cũng có một vài hình ảnh đuổi đánh chém giết.

- Nhưng em chỉ cho con xem rất ít – bố cậu bé LTM thanh minh.

Bên cạnh bức vẽ, con còn làm bài tô các hình, trả lời một vài câu hỏi của cô giáo. Cô nhận thấy LMT không tập trung, không trả lời trọng tâm câu hỏi. Thậm chí, có lúc không tương tác với cô. Cụ thể, qua ánh mắt, chỉ khi cô yêu cầu LMT nhìn vào mắt cô thì con mới nhìn thoáng qua.

Bức vẽ đầy máu của đứa trẻ 6 tuổi - ảnh 1

Trước đó, khi mới đến, chị Hương tự tin con trai mình nhận biết tốt, sức khỏe thể lực và trí lực tốt... Sau cuộc trò chuyện với cô giáo, chị Hương nhận ra điều bất thường đã xảy ra với con mình. Mà nguyên nhân chính từ chiếc điện thoại mà bố thi thoảng cho chơi game, mẹ thi thoảng cho xem hoạt hình…

Chị Khanh cũng có con trai 6 tuổi nhận ra con “có vấn đề” khi liên tục phát hiện con nói dối. “Hôm nay em muốn khóc vì con trai, cháu rất ngoan, chăm học nhưng mỗi tội hay nói dối”. Trong lòng chị Khanh rối bời khi phát hiện con nói dối giống y như thật. Với cách nói rất ngây thơ, lắm khi chị nghĩ con mình ngờ nghệch. Nhưng khi chị phối hợp cùng cô chủ nhiệm thì phát hiện hóa ra con nói dối rất điêu luyện.

“Em sốc thật sự vì nghĩ con còn quá nhỏ mà như vậy thì em biết phải làm sao?”.

Chị Khanh phát hiện HM nói dối khi bố cho tiền để ủng hộ một bạn bị ung thư, nhưng con chỉ đưa cô giáo một nửa. Sau khi bị phát hiện, con chống chế: “Lúc vào lớp, trời nóng quá con mang ra quạt nên bay mất”. Từ chuyện đó, mẹ và cô giáo phát hiện ra nhiều lần con đã nói dối. Nhất là chuyện liên quan đến tiền. Sau khi tìm hiểu, chị Khanh mới biết nguyên nhân là do con chơi game, nghiện game nên cần tiền để chơi.

Lý giải về việc này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, hiện chưa có báo cáo chính thức về tình trạng trẻ nghiện game. Tuy nhiên, số trẻ đến khám tại các bệnh viện sức khỏe tâm thần liên quan đến nghiện game có gia tăng. Có trường hợp trẻ nghiện game, mỗi khi cha mẹ cất máy tính bảng là cháu đòi giết cha mẹ, phụ huynh đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý để chữa trong một thời gian dài. Cũng đã có tình trạng trẻ học theo các trò chơi trên mạng.

Bác sỹ An cho biết thêm về những biểu hiện của trẻ nghiện game tương tự các tình trạng nghiện khác như: xao nhãng học tập, nói dối, nói khéo, có biểu hiện bất thường… Đối với trẻ ở tuổi dậy là lứa tuổi các cháu rất dễ bị lôi cuốn, dễ trở nên lệch lạc.

Với những tác hại nhãn tiền như vậy, mỗi người làm cha mẹ hãy tự nhận thức lại vấn đề sử dụng điện thoại, tivi, laptop… cần điều chỉnh lại hành vi của chính mình để không phải thốt lên “giá mà, biết thế”, đặc biệt không phải khắc phục hậu quả của “chuyện đã rồi” như hai bé trai mới 6 tuổi đã nghiện game trên đây. Trẻ nhỏ đang trong vòng tay của bố mẹ nên trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục nhân cách, hành vi chính là ở bố mẹ.

Vân Nga

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.