Đau khổ đến thế, bạn còn luyến tiếc điều gì?

Chia sẻ

Người phụ nữ chừng 40 tuổi, chở theo sau một phụ nữ trẻ, chừng ba mấy là cùng, cả hai đều bịt mặt, đeo khẩu trang, đeo kính, đội mũ bảo hiểm, không ai nhận ra ai là ai.

Bước vào cửa, người phụ nữ lớn tuổi hơn nói: “Em chào các bác. Em ở mãi bên Long Biên sang đây ạ. Đây là em gái em, nó lấy chồng ở quê, nhưng mấy năm nay nó sống khổ quá. Chị em ruột mà nhiều lúc nói cô ấy không nghe, nên em bắt cô ấy lên nhà em chơi, rồi đưa cô ấy đến đây để được các bác tư vấn, chỉ bảo…”. Xong rồi, người phụ nữ ấy nói với cô em gái: “Cô cứ ở đây nói hết cho các bác ấy biết, người ta tư vấn cho. Bao giờ xong, cô nháy điện thoại, tôi sẽ đến đón, tôi ra quán cà phê ngồi chứ ngồi cùng, cô khó nói chuyện”.

Khi bà chị đi rồi, chúng tôi mới mời cô em ngồi, uống nước và hỏi han vài câu xung quanh cuộc sống hàng ngày, mục đích cho cô em gái đỡ bối rối và bình tĩnh hơn. Khi chúng tôi nói rằng câu chuyện như thế nào, cứ chia sẻ càng kỹ càng tốt, để chúng tôi hiểu, để có thể cùng cô tìm ra hướng đi tốt hơn cho cô. Cô gái trẻ ngập ngừng, lấy từ túi áo ra một xấp giấy, nói rằng ở nhà, cô sợ khi gặp tư vấn, rối trí quá, trình bày không hết câu chuyện, nên cả tối hôm trước đã ngồi viết ra giấy, bây giờ muốn cán bộ tư vấn tự đọc, có gì muốn hỏi thêm thì hỏi thôi, chứ cô không trình bày từ đầu nữa. Đã đến tận văn phòng, xin tư vấn trực tiếp mà còn phải trình bày bằng văn bản, nhưng đây là vấn đề của khách hàng, nên chúng tôi cũng chiều theo ý cô gái. Dưới đây có thể gọi là “bản tường trình câu chuyện” của vị khách trẻ này.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“… Em là người phụ nữ không may mắn. Bằng tuổi em, các bạn gái đã lấy chồng từ lúc 20, 21 tuổi, riêng em đến mãi 27 mới có người đến hỏi. Gia đình anh ấy có truyền thống gia trưởng, anh em hay mất đoàn kết, gây gổ với bà con làng xóm. Bản thân anh ấy cũng hư, trước kia ra thành phố làm việc, nhưng suốt mấy năm trời lại trở về với hai bàn tay trắng, chẳng tích góp được đồng tiền nào. Về quê rồi, nhưng anh ấy vẫn giữ cái nếp sinh hoạt tự do ngày trước, đi làm thuê bữa đực bữa cái, nhưng lại hay lên phố huyện ăn uống, nhậu nhẹt đến say xỉn, có hôm bạn bè phải đưa về. Biết hoàn cảnh gia đình và của anh ấy thế, nhưng vì là người cùng làng, em lại cũng nhiều tuổi, nên bố mẹ em đồng ý gả em cho anh ấy. Cả hai bên gia đình và em hy vọng anh có vợ con sẽ tu chí làm ăn, gặp khó khăn gì đôi bên bố mẹ đều ở gần, có thể hỗ trợ được phần nào. Nhưng cuộc đời em từ khi lấy đến nay toàn có nỗi khổ chồng nỗi khổ, em chưa một ngày cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc…

Ngay đêm đầu tiên làm vợ, em đã bị ăn đòn vì anh ấy nói em là ngu, không chịu học hỏi, nên không biết cách làm chồng sung sướng. Rồi anh ấy khoe đã từng quan hệ với bao nhiêu cô gái, cô nào cũng làm anh ấy thích, thế mà em là vợ, lại không bằng “gái đứng đường”. Em tủi thân, ngồi khóc, anh ấy bảo im đi, không được khóc, anh ấy nói thế để em biết đường mà học hỏi kinh nghiệm của chị em khác, phục vụ chồng cho tốt hơn.

Cưới nhau 8 tháng, 9 tháng, rồi một năm, mà em không có thai gì cả. Anh ấy đay nghiến em là không biết đẻ. Gia đình chồng thì nói em là “hỏng rồi”, mẹ chồng em còn bảo em là loại “vô phúc, không sinh con được cho chồng thì cũng chỉ là đồ bỏ đi”. Chồng còn nói chắc em chơi bời, nên đã từng có thai, phải nạo thai, nên giờ mới bị ảnh hưởng, không có con được nữa. Em chịu khó đọc báo, lại hỏi mấy chị trong xóm, họ bảo biết đâu nguyên nhân em chưa có con là do chồng em, chứ đâu phải chỉ tại phụ nữ. Em về nói với chồng, bảo đi khám cùng em trên bệnh viện đa khoa huyện. Thế thôi mà anh ấy đấm em, đạp em ngã dúi dụi. Anh ấy chửi em, bảo rằng anh ấy to khỏe, tuần nào chẳng “làm mấy lần”, ai dám bảo anh ấy là không có con? Em âm thầm đi khám, bác sĩ kết luận em bình thường, có khả năng sinh con bình thường. Từ đấy em tự tin, em nghĩ là tại chồng em, nhưng thôi kệ, bao giờ “trời cho thì nhận, không thì cũng do cái số nó vậy, chấp nhận chứ làm sao”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng đời em, chưa hết nỗi buồn này, nỗi buồn khác lại ập đến. Cách đây 2 năm, chồng em bị tai nạn giao thông do uống rượu say, nên gẫy mấy đốt sống lưng. Từ đó, anh ấy nằm bất động, ăn được, nói được, chỉ không đi lại hay làm gì được thôi. Người chăm sóc anh ấy hàng ngày là em. Ban ngày đi làm, về đến nhà là cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, rồi lôi chồng ra tắm, rửa. Những hôm anh ấy nằm trên giường cá nhân, em lấy nước ấm, lau mặt mũi, thay quần áo cho anh ấy, mà anh ấy không được một lời cảm ơn, lại còn chửi mắng em. Anh ấy cho rằng bây giờ nằm một chỗ, không làm ăn gì được nữa, chắc em thèm trai lắm. Anh ấy dọa, nếu có đi với trai thì phải kin kín, chứ anh mà biết, hoặc để mọi người nói đến tai anh ấy thì giết chết em. Em thề, từ ngày chồng bị nạn, em lại càng giữ gìn, ý tứ hơn, chỉ có đi làm, không dám đứng đâu, ngồi đâu lâu hay trò chuyện với ai, sợ mọi người trong gia đình anh ấy nhìn thấy, lại có suy diễn không hay.

Vậy mà em có sống yên ổn được đâu. Bố chồng bảo em không biết nhắc nhở, giáo dục chồng, để anh ấy đi nhậu nhẹt, nên mới bị tai nạn. Mẹ chồng nói em là loại “gái sát chồng”, từ ngày lấy em, toàn gặp những điều xui xẻo. Bố chồng em bảo, chồng giờ nó thế, ở thì ở, không ở được thì cút, nhà này không cần nữa. Mẹ chồng thì bảo, rồi cũng có ngày em mang bụng về đẻ con, nhà anh ấy sẽ phải “nuôi ong tay áo”, “tò vò nuôi con nhện”, chứ bà ấy không tin là em chung thủy, giữ gìn đâu.

Em đau khổ, không thể nói chuyện với ai, ngoài mấy chị gái em. Cả hai chị gái, chị dâu em đều bảo em ly hôn, chứ sống thế sao dài lâu được. Nhưng em thấy nếu ly hôn, mọi người sẽ nghĩ em thấy chồng bị nạn, nên bỏ mặc… Em cũng không biết nên làm gì nữa?”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đọc xong lá “đơn trình bày” của cô gái, tôi thực sự thấy vừa thương, vừa giận. Thương vì còn trẻ mà gặp bao nhiêu trắc trở, éo le trong cuộc sống. Giận vì thấy cô thực sự thiếu hiểu biết, sống cam chịu, không biết thương bản thân mình. Tôi đặt lá đơn xuống, quay ra hỏi:

- Em cố sống, cố duy trì cuộc hôn nhân này là vì điều gì? Đúng là có người vợ đã chấp nhận sống cả đời bên người đàn ông không có con, nhưng anh ấy thật sự xứng đáng, thương yêu vợ hết mực, cố gắng làm mọi điều để bù đắp thiệt thòi cho vợ. Cũng có người phụ nữ khi chồng bị nạn, đã hết lòng chăm sóc, thương yêu, ở bên cạnh đến hết cuộc đời, nhưng gia đình anh ấy tử tế, anh ấy biết điều và người vợ cũng có đứa con làm niềm an ủi rồi. Còn em, em còn trẻ, cuộc hôn nhân vốn đã không vui từ ngày đầu tiên, chồng không tình cảm, gia đình chồng cay nghiệt, con cái không có, kinh tế không có, chồng nằm bất động, em chịu đựng cuộc sống như vậy được đến khi nào? Hiện nay, tất cả mọi người đều khổ, sao không nghĩ cách giải thoát cho mình? Mọi sự cố gắng của em, anh ấy và gia đình có trân trọng đâu? Em có biết, chỉ vì thương em, muốn giải thoát cho em, nên chị gái em mới bảo em là ngu, dại? Thật ra, đến lúc này, người thương em chỉ có bố mẹ, anh chị em ruột. Hãy suy nghĩ kỹ về những lời góp ý của họ, họ chỉ muốn tốt cho em. Chúng tôi ủng hộ ý kiến của các chị gái em, bởi mỗi người chỉ có một cuộc đời, không nên lãng phí. Mục đích của mọi cuộc hôn nhân là mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho hai vợ chồng. Khi cuộc sống hôn nhân không đạt được mục đích, mọi cố gắng đều vô ích, thì duy trì cuộc hôn nhân “lay lắt” này chỉ là tự làm khổ mình…

Khi ra về, cô gái trẻ “vâng vâng, dạ dạ”, nói rằng sẽ suy nghĩ kỹ và sớm có quyết định cho tương lai sắp tới của mình. Chúng tôi cũng hy vọng cô ấy tự cởi trói cho mình và gặp may mắn trong cuộc sống trong tương lai.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.