Cự Đà và những rặng rào 100 năm tuổi

Chia sẻ

Nằm cách Hà Nội 20km về hướng Tây, làng cổ Cự Đà là ngôi làng hiếm hoi tại Thủ Đô nói riêng và miền Bắc nói chung còn giữ được những rặng rào hàng trăm năm tuổi như rặng ô- dô nhà bác Hiếu; rặng duối cổ thụ nhà bác Đoàn.

Theo các tài liệu cổ, làng Cự Đà, thuộc Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội đã có hàng ngàn năm tuổi. Chùa Cự Đà đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Quốc Gia. Tại ngôi làng xinh xắn, đáng yêu nằm ven bờ sông Nhuệ uốn lượn nên thơ vẫn còn những ngôi nhà thờ họ mấy trăm năm tuổi nằm dưới những tán cây cổ thụ xum xuê cành lá. Thú vị hơn, khi những rặng rào tại miền Bắc Việt Nam dần đi vào quên lãng thì tại Thủ đô, trong ngôi làng cổ kính này vẫn có những rặng duối xanh rì, thân to như cột nhà, có tuổi đời hàng 100 năm hay rặng ô-dô to gần bằng vòng tay người ôm cũng hơn một thế kỉ.

Cự Đà và những rặng rào 100 năm tuổi - ảnh 1

Trò chuyện với phóng viên bên cạnh rặng ô-dô vây quanh nhà như bức tường kiên cố, đẹp mắt bác nói: “Từ khi tôi về làm dâu rặng ô- dô đã cao lớn lắm rồi. Nhà chồng bác Hiếu nói rặng ô-dô này tính ra đến nay đã qua mấy đời người và có tuổi đời hơn một thế kỉ rồi đấy. Bây giờ, nhiều nhà trong làng đã xây tường bao quanh cho sạch và thoáng nhưng vì nhà bác hướng tây mà rặng ô-dô này đẹp, đều đặn, được trồng như bức tường vuông góc, tạo một khoảng không xanh mát cho cả ngôi nhà nên không ai muốn thay thế”.

Cách nhà bác Hiếu không xa, dọc theo con đường trục chính về phía làng Phú Diễn là nhà bác Đoàn, tại đây, chúng tôi đã bắt gặp những cây duối to hơn cả trụ đình làng, sum xuê cành lá và được tạo thành một vòm cong từ những cành lá làm vòm cổng vào thật dễ thương. Điều thú vị là rặng duối cổ thụ này nằm trong một không gian nhà xưa như mô hình nhà Bắc bộ cách đây hơn 50 năm về trước: sân nền chạt xi-măng, nhà mái ngói ba gian, vườn cây, vại nước, cầu ao (chỉ có điều ao thì đã bị thu hẹp lại do đất cát xung quanh xây dựng theo mưa tràn xuống, cạn nước).

Chia sẻ với chúng tôi, bác Đoàn kể, rặng duối này được gia đình bác trồng từ lâu lắm rồi, thời ông bà mình cơ. Từ bé lớn lên bác đã thấy những cây duối cao lớn ở đây, rồi cây to đẻ ra cây nhỏ, nhưng gia đình bác tỉa đi, chỉ để lại một hàng làm rào chắn như bức tường ngăn giữa khu đất gia đình với con đường làng.

Cự Đà và những rặng rào 100 năm tuổi - ảnh 2

Nhà bác Đoàn vẫn còn lưu lại những đồ vật mà cách đây 30 năm về trước khá phổ biến ở các ngôi làng thuộc đồng bằng Bắc bộ như nhà mái ngói ba gian, những tấm phên tre đan làm rào ngăn gà, vịt khỏi chạy ra ngoài, khu vườn um tùm cây cối, giàn mướp tươi xinh trổ hoa vàng ươm, cóng đựng nước đặt ở ngoài vườn nhà, lối đi mìn mịn đất ẩm…

Những cây duối trước đây rất thân thuộc với người dân đồng bằng Bắc bộ, hầu như nhà nào cũng có hàng rào ngăn cách nhà mình với nhà hàng xóm và ở những rặng rào đó hoặc là tự nhiên có cây duối mọc lên hoặc do ông, bà trồng làm rào. Giờ đây, ở cả những ngôi làng, hàng rào đã dần trở nên xa lạ vì được thay bằng bức tường gạch quét vôi hoặc sơn trắng, có các họa tiết trang trí thành ra cây duối đối với giới trẻ Việt Nam cũng lạ lẫm.

Những rặng rào hàng 100 năm tuổi, những cây duối cổ thụ, những cây ô- dô thân to như cột nhà là một trong những nét riêng độc đáo của làng cổ Cự Đà mà hiếm có ngôi làng nào tại Hà Nội còn giữ được. Không những thế trong ngôi làng yên tĩnh và thơ mộng này còn có những ngôi chùa cổ hơn ngàn năm, những khu nhà thờ họ mấy trăm năm tuổi, những vòm cổ thụ cao vút xanh tươi. Nếu chúng ta không sớm có biện pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn cổ, e rằng, với tốc độ hiện đại hóa như hiện nay, một ngày nào đó không xa nét cổ xưa đẹp đẽ của ngôi làng sẽ không còn lưu giữ được.

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.