Bố mẹ yên tâm để tôi rời khỏi vòng tay

Chia sẻ

26 tuổi và đang mang căn bệnh khiến mình “mất đi” một nửa gương mặt, Hà Bích Hảo nói về con đường mình đi và những dự định một cách say mê. Khiếm khuyết – chắc hẳn ai cũng có, về một thứ gì đó. Nhưng để nghị lực và dồi dào năng lượng cho các hoạt động xã hội như cô gái này – thì không phải ai cũng làm được.

“Tôi vẫn rất yêu cuộc sống này”

Hảo có một khuôn mặt khác biệt, cô bị bỏng laser từ khi 6 tháng tuổi do tai biến của một lần điều trị cục u máu trên mặt. Nửa khuôn mặt bên phải là những lớp da kéo chằng chịt, biến dạng. Mắt và tai phải hỏng hoàn toàn, khuôn miệng bị kéo lệch không thể ngậm kín. Cô lớn lên bằng nước cơm của bà cho đến năm 3 tuổi. Đi học, cô gái bị bạn bè xa lánh và sợ hãi. Dần dần, Hảo trở nên chai lì và phản kháng bằng những trận ẩu đả với bạn sau những lần bị xúc phạm hoặc bắt nạt vô lý.

Nhưng mọi thứ vẫn rất tồi tệ, khiến cô muốn bỏ học. Giáo viên chủ nhiệm mời bố mẹ lên thuyết phục con gái trở lại trường. Tối hôm đó, mẹ bỏ cơm, vào phòng vuốt lên phần mặt biến dạng của Hảo, nước mắt giàn giụa: “Nếu phải đánh đổi tính mạng để con có khuôn mặt bình thường, mẹ cũng cam lòng”. Nghe mẹ nói, Hảo quyết tâm: “Con sẽ không thế nữa, con sẽ cố sống khác”.

Từ hôm sau Hảo lên lớp và vùi đầu vào học. Trong những năm cấp 3, cô luôn đứng trong top 5 của lớp và trở thành sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục đặc biệt, nuôi ước mơ làm cô giáo của những em nhỏ không may mắc chứng tự kỷ.

Hà Bích Hảo trở thành khách mời danh dự tại Gala kỷ niệm 20 năm phát sóng chương trình Đường lên đỉnh Olympia - Tuổi 20 đáng sốngHà Bích Hảo trở thành khách mời danh dự tại Gala kỷ niệm 20 năm phát sóng chương trình Đường lên đỉnh Olympia - Tuổi 20 đáng sống

Những biến cố đã trải qua có lẽ đau đớn hơn nhiều so với vài dòng kể lại kia. Nhưng Hảo nói, cô bây giờ không có đủ thời gian để kể lể những đau buồn. Lên Đại học, dù có lạc quan và mạnh mẽ sống đến mấy, vẫn có lúc cô nản lòng, chỉ lầm lũi đi học rồi về nhà. “Nhưng những tấm gương về vượt lên nghịch cảnh của nhiều người trên khắp thế giới đã làm mình bừng tỉnh, nhận ra rằng, sao mình lại không tiếp tục cho người khác biết về mình như vốn dĩ vẫn làm trước đây, sao lại từ bỏ một cuộc đời vốn đang rất đẹp và thênh thang như thế? Vậy là mình tự nhủ, phải năng động hơn, nỗ lực là con người trước đây mình mơ ước”.

Cô gái được biết đến chỉ có nửa khuôn mặt, nửa nụ cười - lại dành trọn tình yêu cho các hoạt động tình nguyện, xã hộiCô gái được biết đến chỉ có nửa khuôn mặt, nửa nụ cười - lại dành trọn tình yêu cho các hoạt động tình nguyện, xã hội

Vậy là, Hảo tham gia vào các hoạt động tình nguyện, ở khắp nơi, về khắp các lĩnh vực. Nhưng cô nhớ mãi sự kiện đầu tiên mình tham gia, là giúp đỡ một đoàn thanh niên khuyết tật từ Đà Nẵng tham quan Hà Nội. “Mình phụ trách đẩy xe lăn cho các bạn ấy, trở thành đôi chân để các bạn ấy được đi và ngắm Thủ đô. Khi hoàn thành, các bạn nhắn nhủ rằng, mình có nụ cười rất đẹp, hành động mình làm khiến các bạn rất cảm động. Đó là lúc mình nhận ra, rằng cuộc sống này vẫn cần đến mình, càng thôi thúc mình tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn nữa”.

Được “thừa nhận” năng lực, Hảo thấy cuộc sống thêm ý nghĩa hơn, yêu bản thân nhiều hơn. Bố mẹ cô yên tâm hơn, nhưng vẫn lo con gái không đủ sức khỏe, mải làm tình nguyện mà bỏ bê việc học. “Thật kỳ lạ, nhà có ba chị em, nhưng đứa không bình thường và cần che chở nhất là mình thì lại có tính cách hướng ngoại duy nhất trong nhà. Mẹ mình từng bảo, không ai sống được bằng nghề tình nguyện. Mình đã kiên định mà trả lời mẹ rằng, tình nguyện là bước đệm, là đam mê để con đi tiếp những quãng đường tương lai của mình”. Hảo cho biết, người có ảnh hưởng tới cô nhất là chị gái. Chính chị gái đã luôn “đứng giữa” cô và bố mẹ, giải vây cho những lựa chọn của Hảo. Và nhờ vậy, bố mẹ cô đã chấp nhận để đứa con gái bé bỏng được rời khỏi vòng tay mình và tung cánh, “cuộc sống của con, bố mẹ sẽ để cho con quyết định”!

“Mẹ ơi, con đã làm thủ tục hiến tạng được 2 năm rồi”

Hảo nói điều đó với mẹ vào dịp Tết năm ngoái. Mẹ có buồn, nhưng vẫn chấp nhận và ủng hộ quyết định của cô. Còn bố Hảo thì nhẹ nhàng: “Đó là chuyện của sau này, quan trọng là bây giờ, con hãy vẫn sống thật tốt đi nhé!”. Hảo thấy mình vẫn còn rất may mắn, vì gia đình luôn là điểm tựa ấm áp để cô bước đi.

Hà Bích Hảo của ngày hôm nay, tự tin và tràn đầy năng lượng sau những biến cố của cuộc sống.Hà Bích Hảo của ngày hôm nay, tự tin và tràn đầy năng lượng sau những biến cố của cuộc sống.

Ra trường, Hảo làm giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại một trường mầm non chuyên biệt của Hà Nội. Công việc là đam mê, nên Hảo đi làm cả ngày nghỉ. Dù vẫn cháy ngọn lửa tình nguyện, nhưng cô buộc phải san sẻ thời gian để có thể làm được nhiều nhất. Hảo đến và trò chuyện với các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, kêu gọi hỗ trợ tài chính cho họ, và có những người – cô ở bên tới khi họ về với đất mẹ. Hảo kêu gọi quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Cô đã lập ra Quỹ học bổng “Mầm và những người bạn” được hơn 1 năm nay, bảo trợ giáo dục cho các em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn sự giúp đỡ của mình sẽ phần nào để mỗi gia đình nỗ lực hơn cho con em họ được đến trường. “Quỹ đang bắt đầu lớn”, Hảo vui lắm. Có lẽ tất cả những điều này đã tiếp thêm sức mạnh để Hảo vượt qua những rào cản trong công việc và cuộc sống.

Hiện, Hảo đang học tiếp lên thạc sỹ, nuôi ước mơ trở thành một nhà hoạt động xã hội cho những người yếu thế. Cô gái bé nhỏ vẫn tha thiết về mong muốn hiến tạng sau này của mình: “Để biết đâu, y học phát hiện ra điều gì đó ý nghĩa, giúp nhiều người tránh được căn bệnh như mình gặp phải. Cuộc sống sẽ đẹp tươi  hơn”…

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.