Khó quản học sinh dùng điện thoại trong lớp

Chia sẻ

Bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là một trong những điểm mới của Điều lệ trường THCS, THPT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Theo đó, học sinh được dùng điện thoại để phục vụ việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên. Quy định này khiến học sinh mừng, nhưng phụ huynh không khỏi lo lắng.

Khó quản học sinh dùng điện thoại trong lớp - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Bởi khi đã cho phép rồi thì nhà trường, cô giáo sẽ “quản” việc sử dụng điện thoại của học sinh thế nào, khi mà những mối nguy cơ, hệ lụy từ chiếc điện thoại thông minh không hề nhỏ.

Một thống kê của mạng lưới VnNetwork Việt Nam gần đây cho thấy, tính đến tháng 1/2020,Việt Nam có tới hơn 145,8 triệu kết nối mạng dữ liệu di động (lượng kết nối di động tăng tới 2,7 triệu lượt, tính từ tháng 1/2019). Trước đó, tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) đưa ra một kết quả khảo sát rằng, học sinh THPT tại Việt Nam dành 1-7 giờ/ngày để gọi và nghe điện thoại, gửi 20-50 tin nhắn điện thoại/ngày và dành 1-4 giờ/ngày chơi game.

Tình trạng "nghiện" sử dụng điện thoại trong giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh, sinh viên là lý do khiến nhiều người lo ngại rằng: Khi quy định về việc học sinh THCS, THPT có thể được sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi được giáo viên cho phép và nhằm mục đích học tập (quy định tại Thông tư 32/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 1/11/2020, chưa biết chừng "lợi ít, hại nhiều".

Không thể phủ nhận vai trò của việc sử dụng điện thoại để tra cứu, kết nối thông tin... phục vụ mục đích học tập của các em học sinh trong thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, và "thế giới phẳng" như hiện nay. Khi được thầy cô linh hoạt cho phép sử dụng điện thoại trong giờ, nhiều học sinh đã tận dụng để: chụp bài, xem đề trên điện thoại, quay lại bài giảng của thầy cô, tra cứu tài liệu tham khảo... giúp các em tiết kiệm nhiều thời gian và đẩy nhanh hiệu quả học tập. Thay vì duy trì những tiết học đơn thuần thầy - trò làm việc với bảng đen, phấn trắng, vở ghi, học sinh được gợi mở nhiều cảm xúc, sự thích thú, hào hứng từ chính việc sử dụng điện thoại trong giờ học.

Tuy nhiên, cái hại tiềm ẩn từ chiếc điện thoại mà học sinh sử dụng cũng không hề nhỏ. Không ít học sinh thừa nhận việc sử dụng điện thoại trong giờ có thể dẫn tới phân tâm, mải nhắn tin cho nhau gây sao nhãng việc nghe giảng… Đó là chưa kể học sinh có thể dùng nhiều cách để "qua mặt" giáo viên, lợi dụng điện thoại xem các thông tin nhảm nhí, không tốt trên mạng, ảnh hưởng đến học tập. Tình trạng trẻ bị xâm hại khi dùng điện thoại cũng là vấn đề cần cảnh báo. Trong khi, giáo viên không thể theo sát từng học sinh để quản lý việc sử dụng điện thoại của các em.

Bên cạnh đó, chuyện phân biệt giàu - nghèo từ chiếc điện thoại cũng được dấy lên, khi các em học sinh có sự so sánh điện thoại của bạn này với bạn kia, và có sự đồi hỏi trở lại đối với bố mẹ. Để xóa câu chuyện giàu, nghèo trong trường học, các nhà trường đã dùng đến giải pháp đồng phục. Nhiều phụ huynh lo lắng liệu sắp tới có chuyện “đồng phục điện thoại” trong trường học hay không. Đó là chưa kể không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua điện thoại thông minh cho con sử dụng trên lớp.

Thực tế, bài toán có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là vấn đề gây tranh cãi ở không chỉ ở Việt Nam. Một số quốc gia cấm triệt để hoặc siết chặt việc dùng điện thoại trên lớp học như: Anh, Hàn Quốc, Singapore, Pháp… bởi nhận thấy: Học sinh có kết quả học tập cao hơn khi trường học cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Ước chừng, hiệu quả của việc không sử dụng điện thoại ngang với việc học sinh giành thêm một tuần đi học trong mỗi năm học, với việc điểm thi tăng khoảng 6,4% so với khi sử dụng điện thoại trong giờ học; đồng thời giúp giảm thiểu nạn “bắt nạt” trên mạng và khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn.

Tại Việt Nam, với tỷ lệ người sử dụng điện thoại gia tăng hàng năm, nhất là trong giới trẻ, bản thân các em còn thiếu kiến thức về nguy cơ có thể gặp phải từ điện thoại di động hay internet, theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), để đưa công nghệ điện thoại thông minh vào trường học, cần có các chính sách giáo dục cấp quốc gia. Việc “nới lỏng” cho dùng điện thoại phục vụ học tập trên lớp cần cân nhắc khi có sự chuẩn bị kỹ càng cả từ phía người dạy (kỹ năng quản trị công nghệ), người học (kỹ năng sử dụng mạng an toàn) và phụ huynh (năng lực công dân số).

HẠ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.