Các trường đại học “vơ” thí sinh

Chia sẻ

Trượt đại học theo phương thức xét tuyển kết hợp có thể chuyển sang xét kết quả tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT. Không đỗ theo điểm thi tốt nghiệp THPT thì xoay qua xét theo học bạ... Ghi nhận từ mùa tuyển sinh đại học năm nay cho thấy, chưa bao giờ, việc trúng tuyển đại học lại dễ dàng đến vậy.

Nhiều thí sinh đã biết mình trúng tuyển vào đại học trước cả khi tốt nghiệp THPT(ảnh minh họa)Nhiều thí sinh đã biết mình trúng tuyển vào đại học trước cả khi tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa)

Cơ hội vào đại học như… cho không

Mặc dù vừa trải qua một năm học đầy biến động do dịch Covid-19, thí sinh V.H.P, trường THPT Việt Đức vẫn bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm trạng khá thoải mái. Về lý thuyết, kỳ thi nhằm hai mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy điểm xét tuyển vào đại học. Tuy nhiên, thực tế, P đã biết mình trúng tuyển vào ít nhất hai trường đại học bằng phương thức xét học bạ mà không cần sử dụng tới kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giống như P, năm nay, nhiều thí sinh cũng đã biết mình trúng tuyển không chỉ một mà nhiều trường đại học trước cả khi tốt nghiệp THPT. Trước thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 1 tháng, trường đại học Giao thông Vận tải đã công bố thí sinh trúng tuyển nhờ học bạ. Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng dành khoảng 2.400 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và mới đầu tháng 7 đã kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Một PHHS có con học tại trường THPT Marie Curie cho biết, vừa kết thúc học kỳ 1 năm học 2019-2020, khi các trường phổ thông còn đang nghỉ để tránh dịch, chị đã nhận được điện thoại của nhiều trường đại học gọi tới như đại học FPT… mời nộp hồ sơ tuyển sinh. Nhân viên tư vấn đại học FPT cho biết, phương thức xét tuyển của trường khá đa dạng, bao gồm: Xét tuyển học bạ; Xét kết quả kỳ thi sơ tuyển đại học FPT; Ưu tiên xét tuyển và Xét điểm thi THPT. Vì thế, thí sinh có rất nhiều cơ hội trúng tuyển và càng nộp hồ sơ sớm thì khả năng đậu… càng cao.

Cơ hội vào đại học còn tự tìm đến với thí sinh theo kiểu “cho không, biếu không”. Chuyện hi hữu này xảy ra với gần 200 thí sinh lớp 12 của trường THPT An Thới, Kiên Giang khi các em đồng loạt nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của trường đại học quốc tế Hồng Bàng. Hóa ra, trường đại học này có “nhờ” trường THPT An Thới phát phiếu đăng ký xét tuyển đại học tới học sinh. Nhiều em điền phiếu xong là quên mà không biết chỉ cần như vậy là đã trúng tuyển đại học.

Vài năm gần đây, yêu cầu về điểm chuẩn đầu vào theo phương thức xét học bạ của nhiều trường đại học cũng rất khiêm tốn. Vì thế, trừ số ít học sinh quá kém mới bị trượt, còn lại, chỉ cần có học lực từ trung bình khá trở lên là thí sinh có thể đường hoàng vào đại học. Lý do là Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định điểm sàn chung cho các trường đại học mà chỉ quy định điểm sàn đối với khối ngành sức khỏe và sư phạm. Vì thế, các trường đại học được tự đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Để có thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đại học đã hạ ngưỡng điểm chuẩn ở mức thấp tối đa.

Chẳng hạn, đối với phương thức xét tuyển điểm xét tốt nghiệp THPT mà đại học Nha Trang vừa công bố, điểm chuẩn ngành thấp nhất là 5,7 tính theo thang điểm 10. Một số ngành của trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội năm nay cũng có điểm chuẩn xét học bạ tính theo tổ hợp 3 môn chỉ từ 18 điểm. Trường đại học Hùng Vương cũng vừa thông báo điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ (điểm trung bình học kỳ 1 hoặc cả năm học lớp 12) từ 5 điểm trở lên với tất cả ngành. Hiện tượng lấy điểm đầu vào thấp, không chỉ xảy ra trong mùa tuyển sinh năm 2020 mà đã xuất hiện từ các năm trước. Đại học Hải Phòng, năm 2019 có mức điểm chuẩn đầu vào đa số các ngành là 16,5. Như vậy có thể thấy, thí sinh chỉ cần đạt điểm trung bình từ 5-6 điểm/môn là có thể vào được đại học.

Có nên “phá rào” tuyển sinh đại học?

Theo thống kê, cả nước hiện có 240 trường đại học tuyển sinh gần 650.000 thí sinh/tổng số hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Với việc Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 trao quyền tự chủ tuyển sinh, các trường đại học đã có rất nhiều phương thức xét tuyển đầu vào, tạo cơ hội vào đại học rộng mở chưa từng có cho thí sinh. Vì thế, hiện nay đối tượng là thí sinh bị trượt đại học năm trước thi lại đại học gần như không có.

GS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội từng chia sẻ, có mối quan hệ nhất định giữa điểm đầu vào và năng lực của sinh viên. Chất lượng sinh viên ra trường phụ thuộc vào sự nỗ lực, rèn luyện của sinh viên, chương trình học, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Song, thật khó biến những lứa sinh viên có chất lượng thấp ở đầu vào thành chất lượng cao ở đầu ra.

Ông Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, trong tuyển sinh đại học có tình trạng các trường tranh giành thí sinh, thậm chí sẵn sàng sử dụng cả các chiêu thức không lành mạnh để “vơ” thí sinh về trường mình. Hiện tượng này cũng vừa xảy ra trong mùa tuyển sinh năm nay, khi nhiều học sinh ở Đà Nẵng bỗng nhận được thư nặc danh của một trường đại học nói xấu các trường đại học ở Đà Nẵng nhằm mục đích ngăn cản các thí sinh nhập học vào các trường này.

“Ở nước ngoài, đầu vào đại học rất rộng mở. Người có nhu cầu chỉ cần ghi danh là được theo học. Tuy nhiên, quá trình đào tạo được quản lý rất chặt chẽ, có sự sàng lọc nên đầu ra vẫn đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, các trường đại học của Việt Nam hiện mới “rộng đầu vào” nhưng chưa làm tốt khâu quản lý đầu ra”. Theo ông Khuyến, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học là đúng. Các trường có quyền đưa ra các phương thức tuyển chọn thí sinh phù hợp với nhu cầu, khả năng đào tạo của mình. Tuy nhiên, việc mở rộng đầu vào đại học cũng cần đi kèm điều kiện là các trường phải có sự cam kết về chất lượng cử nhân đầu ra.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…