Rác cũng chờ... xe buýt

Chia sẻ

Nhiều điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên các tuyến đường chính trên địa bàn nội thành Hà Nội đang phải đứng cạnh xe rác và điểm tập kết rác. Đặc biệt, tại các điểm có đông người sử dụng dịch vụ xe buýt như bệnh viện, trường học lại có tình trạng hành khách muốn lên xe thì phải ngửi mùi xú uế bốc lên từ rác trong khi chờ.

Tại nhà chờ xe buýt trước Đại học Công đoàn có điểm tập kết rác bên cạnhTại nhà chờ xe buýt trước Đại học Công đoàn có điểm tập kết rác bên cạnh

Theo ghi nhận của phóng viên, trên một số tuyến phố trong khu vực nội thành Hà Nội có những điểm dừng, nhà chờ xe buýt đang có những xe rác bên cạnh khiến vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đối với hành khách đi xe buýt.

Tại điểm cổng bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, cổng số 12 đường Chu Văn An, phường Điện Biên, quận Ba Đình, có một xe rác mở nắp đang đứng tựa vào cây xà cừ to ngay cạnh nhà chờ xe buýt. Quan sát tại điểm chờ này, phóng viên nhận thấy có người già, người trẻ và người đi khám chữa bệnh từ trong bệnh viện ra đón xe. Những vị khách này đều phải ngửi mùi rác thải trong thời gian chờ xe tới. Một phụ nữ từ trong bệnh viện ra, trong khi chờ xe buýt số 02 về bến xe Yên Nghĩa cho biết: “Tôi đi thăm người nhà ốm, chờ xe trong thời tiết oi nóng lại có mùi rác bốc lên rất khó chịu nhưng biết làm sao, nếu đi điểm khác đón thì xa nên chỉ còn biết mong xe mau tới”.

Tại nhà chờ xe buýt gần cổng trường đại học Công đoàn và điểm lên xuống đường đi bộ trên cao, gần ngõ 167 Tây Sơn (đường Tây Sơn, quận Đống Đa) có tới 4 xe rác xếp đứng bên cạnh, xe nào xe đó chứa đầy rác thải có ngọn và không nắp đậy.

Theo quan sát của phóng viên, điểm này có đông sinh viên từ trong trường đại học Công đoàn ra chờ xe và có người già ở các ngả đường đến. Đây là điểm gần ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà và Tây Sơn nên lưu lượng xe cộ qua lại rất đông, nhất là giờ cao điểm vào buổi sáng và chiều thường xuyên có tình trạng ùn nghẽn các phương tiện tham gia giao thông. Tại điểm dừng xe buýt này có đến 5 tuyến xe (Tuyến số 01: Yên Nghĩa - Gia Lâm; tuyến 02: Yên Nghĩa - Bắc Cổ; tuyến 09B: Mỹ Đình - Bờ Hồ; Tuyến 44: Mỹ Đình - Trần Khánh Dư; tuyến 23 Nguyễn Công Trứ).

Trong khi đó, các xe rác được tập kết, án ngữ ở đây thường xuyên trong tình trạng có rác và nhiều bọc rác thải sinh hoạt bung ra. Trong tiết trời nắng nóng, phóng viên và những người đứng chờ xe đều phải ngửi mùi xú uế bốc lên rất khó chịu. Hơn nữa, dưới lề đường vẫn còn nước đọng màu đen của nước thải.

Một sinh viên chờ tuyến xe buýt số 01 về Gia Lâm cho biết: “Ngày nào em cũng chờ xe buýt ở đây, phải ngửi mùi rác rất khó chịu trong khi người lên xuống rất đông; có hôm em còn giẫm phải túi rác nằm vương vãi và nước bẩn bắn lên giày, chân. Vì vậy, hôm nào tắc đường, biết là phải chờ lâu là em đi bộ lên điểm trên để tránh không phải ngửi mùi rác ở đây”.

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có 3.775 điểm dừng xe buýt, trong đó có 361 điểm có nhà chờ, chiếm tỷ lệ gần 10%. Ở khu vực 12 quận nội thành có 1.329 điểm, trong đó 340 điểm có nhà chờ, tỷ lệ hơn 25%, khu vực ngoại thành gồm 2.446 điểm dừng chỉ có 21 điểm có nhà chờ, tỉ lệ dưới 1%.

Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trên một số tuyến phố trong khu vực nội thành, những điểm dừng xe buýt có xe rác kế bên hoặc đứng cùng như: Điểm cạnh ngõ 121 Thái Hà; số 221B Khâm Thiên…

Rõ ràng tình trạng để xe rác, hay điểm tập kết rác ngay cạnh hoặc cùng với điểm chờ xe buýt là không hợp lý, vừa gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến sức khỏe người đi xe buýt lại ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của xe buýt.

Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý môi trường và chính quyền sở tại sớm giải quyết để trả lại cho các điểm chờ, nhà chờ xe buýt có được không gian, môi trường sạch sẽ hơn.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.