Đừng để yêu râu xanh có cửa “hành nghề”

Chia sẻ

Sự thương cảm của xã hội không thể xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân bị xâm hại tình dục (XHTD) và gia đình của các em. Điều họ cần nhiều hơn là những giải pháp cụ thể và sự chung tay của xã hội để phòng ngừa và đẩy lùi tệ nạn này, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ.

Những em nhỏ không có tuổi thơ

Ngày 15/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” đối với bị can Phạm Văn Chung (SN 1963, trú tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Ngồi trầm ngâm trước tòa, chị P - mẹ cháu H cho biết, nếu như không có Hội Phụ nữ vào cuộc, giúp chị tố giác tội phạm, cùng với sự hỗ trợ của công an, tổ chức CSAGA thì có lẽ, vụ việc vẫn mãi chìm vào bóng tối.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị P kể, cháu H là con thứ hai của chị, vừa mới sinh đã có sức khỏe yếu. Năm 3 tuổi, cháu sốt cao, do không được chữa trị kịp thời nên bị tật nửa người bên phải, không cử động tốt như bình thường. Học hết lớp 1, cháu H đã phải nghỉ học vì không thể theo kịp bạn bè. 15 tuổi nhưng cháu nhận thức chỉ như trẻ 8 tuổi. UBND Thị trấn Tây Đằng chứng nhận cháu là trẻ khuyết tật trí tuệ, có trợ cấp hàng tháng.

Hằng ngày, chị P đi làm thuê cho một trang trại chăn nuôi, cách nhà gần 10 cây số. Chị chỉ kịp về nhà ăn tối rồi sáng mai lại đi làm sớm, mọi việc ở nhà đều do người mẹ già đã gần 80 tuổi của chị trông nom. Bà đi cắt cỏ, trồng rau mỗi ngày, để cháu H tự chơi một mình ở nhà. Đến một ngày giữa tháng 6/2020, chị thấy con gái có vẻ uể oải, mệt mỏi nên đã đưa đi khám thì mới tá hỏa phát hiện ra con có bầu. Hốt hoảng, lo sợ, chị gặng hỏi thì con bảo: “Chỉ có ôm Chung thôi”. Vừa thương con, lại sợ bị đàm tiếu, chị âm thầm đưa con gái đi phá thai.

Người mẹ đau khổ lúc đó chỉ nghĩ rằng, nếu giữ thai thì sức khỏe của H sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Tôi không hiểu luật, không quen biết ai để đòi công lý cho con. Mãi đến khi cán bộ Hội Phụ nữ biết chuyện và khuyên tố giác tội phạm, tôi mới vội vã làm đơn gửi công an” – chị P nghẹn ngào.

Bản cáo trạng luận tội: Chung là hàng xóm, thường xuyên đi chăn bò ngang qua nhà cháu H (SN 2004, là người chậm phát triển, con chị N.T.P) và cháu N.L (SN 2008, hàng xóm). Do thấy bố mẹ các cháu không có nhà, xung quanh lại vắng người nên trong tháng 4/2019, Chung đã nhiều lần sử dụng vũ lực để thực hiện hành vi giao cấu với 2 cháu. Cụ thể, Chung đã 2 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu H tại nhà mình và 1 lần ở nhà cháu H, trước sự chứng kiến của cháu N.L. Sau khi xâm hại cháu H, Chung tiếp tục xâm hại cháu N.L nhưng không thành.

Mặc dù bị cáo Chung vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, song các tài liệu điều tra cho thấy, lời khai của cháu H, cháu N.L và cháu V.V.H (hàng xóm) đều trùng khớp nhau về số lần, địa điểm, hành vi và đặc điểm sinh học trên cơ thể Chung. Cháu H có vết rách màng trinh cũ, kiểu gen của xác tinh trùng trên vỏ chăn thu giữ tại nhà cháu H trùng khớp với kiểu gen từ mẫu tóc thu của Phạm Văn Chung. Từ đó, xác định, bị can Chung đã có hành vi xâm hại tình dục cháu H và cháu N.L. Bị cáo Chung bị HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt 16 năm tù với tội danh truy tố.

Trước đó, ngày 6/9, cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối tượng Lê Xuân Tùng (SN 1976; trú tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) để điều tra về hành vi Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo đó, tối ngày 23/8, cháu L (12 tuổi, trú tại Gia Lâm) cùng cháu M.A (11 tuổi, trú tại quận Long Biên) đi xe đạp sang xã Dương Quang, huyện Gia Lâm chơi. Đến 19h10 cùng ngày, hai cháu quay về đến gần cầu Bình Trù (xã Dương Quang) thì bị Tùng đứng chặn xe, khống chế cháu L, còn cháu M.A hoảng sợ và bỏ chạy. Sau đó, tên yêu râu xanh đưa cháu L vào vườn chuối ven đường để thực hiện hành vi hiếp dâm cháu bé rồi bỏ đi. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Gia Lâm đã nhanh chóng truy vết, bắt giữ đối tượng đang lẩn trốn. Tại cơ quan Công an, Tùng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Cần “lấp đầy” các “khoảng trống” chính sách

Chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với mức độ nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại một cách công khai, thậm chí thực hiện nhiều lần với nhiều trẻ cùng một thời điểm. Tội phạm này diễn biến ngày càng phức tạp và manh động đã khiến dư luận lo ngại, bức xúc.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng ngày 27/4/2020, từ năm 2015-2019, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý; 75,4% trong số này là xâm hại tình dục trẻ em. Điều đáng nói là số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018 nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ). Hà Nội là một trong những địa phương có số trẻ bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích cao trên cả nước với tỷ lệ 51,9%.

Trong khi gia đình và nhà trường vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em thì đây lại xảy ra nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Theo báo cáo, 90% các vụ xâm hại được thực hiện bởi người ruột thịt, người thân thích và quen biết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Văn phòng luật Fanci (Đoàn luật sư TP Hà Nội), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu H bị xâm hại ở Ba Vì, HN cho biết, anh đã đứng ra làm đại diện pháp luật cho hơn 100 trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục, nhưng chỉ có 15-20% vụ việc thành công, kẻ thủ ác bị nghiêm trị. Còn phần lớn vụ việc đi vào bế tắc. Thực tế cho thấy, hành trình đi tìm kiếm công lý của những nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhất là trẻ em vô cùng gian nan. “Vụ án xâm hại tình dục xảy ra ở Ba Vì là một trong những vụ ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền địa phương, trong đó có Hội Phụ nữ trong việc bảo vệ trẻ em. Sự tham gia của quần chúng, chính quyền cơ sở là điều kiện giúp cho các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhanh chóng được đưa ra ánh sáng” – luật sư Tú cho biết.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng khẳng định, thực tế, khung hình phạt của các tội xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên tính ngăn chặn, phòng ngừa chưa cao. Do vậy, các quy định pháp luật về tội danh này cần sửa đổi như tăng nặng hình phạt, quy định về việc điều tra, truy tố, xét xử cần rút gọn, xử lý triệt để, tránh kéo dài như hiện nay. Ngoài ra, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng cần được thực hiện hiệu quả, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa để phòng ngừa, giảm thiểu các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Trường hợp các nạn nhân cần hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe, gia đình, các tổ chức đoàn thể và nhà trường cần tạo điều kiện cho các cháu có môi trường an toàn, thuận lợi, không có sự kỳ thị để tiếp tục học tập và hòa nhập xã hội.

“Bản án nghiêm khắc dành cho “yêu râu xanh” là điều mà cộng đồng mong mỏi. Do đó, để giúp các cơ quan chức năng lưu giữ chứng cứ phạm tội của đối tượng gây án, các gia đình khi phát hiện con bị xâm hại cần nhanh chóng làm đơn trình báo công an, đồng thời khám sức khỏe và giám định pháp y làm căn cứ xử lý vụ việc, không thỏa hiệp hoặc dung túng cho tội phạm” – luật sư Hùng nói.

NHƯ QUYNH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.