Có một đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân ở Hà Nội

Chia sẻ

Lần đầu tiên được tới thăm đền Nội, Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội thắp hương khấn lạy Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và ra viếng mộ của Người cảm giác của bạn thế nào? Còn tôi, vô cùng ngạc nhiên và xúc động!

Câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ lần đầu được các cụ bô lão trong làng Bình Đà kể thật khác với những gì chúng ta vẫn đọc dù không xa với truyền thuyết là bao…

Đã gần 30 năm ở Hà Nội, từng đọc đâu đó trên báo nói về nơi đã phát hiện ra phần mộ Quốc tổ Lạc Long Quân và những tranh cãi, nghi vấn: Liệu truyền thuyết “Cha Rồng - Mẹ Phụng” với bọc trăm trứng nở trăm người con có thật hay không? Nhưng cho tới hôm nay, khi lần đầu nhất định phải tìm về nơi thờ Đức Quốc tổ và ra tận cánh đồng Tam Thai (Ba Gò) nơi có phần mộ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân được đặt cao hẳn lên so với cánh đồng xung quanh tại làng cổ Bình Đà, Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội cảm giác rưng rưng xúc động tràn ngập trong trái tim, tôi mới nhận ra một sự thực thật lạ kỳ: Giống nòi Việt Nam và tổ tiên dân tộc Việt Nam là có thực, không chỉ là truyền thuyết!

Có một đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân ở Hà Nội - ảnh 1

Đặc biệt, khi nghe các cụ bô lão trong làng trịnh trọng nói về cuốn gia phả cổ xưa (cổ lôi ngọc phả) còn lưu giữ tại đền, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nay đã được “rước” lên thờ tự tại đền Quốc tổ Lạc Long Quân ở đồi Sim, Đền Hùng, Phú Thọ, cảm xúc đó trong tôi càng mạnh mẽ.

Trò chuyện cùng cụ Nguyễn Đức Hồng, một trong ba cụ thủ từ của đền Nội cụ cho biết: “Trước đây tôi là cán bộ văn hóa của đền, khi nghỉ công tác thì lại được xã cử ra làm thủ từ đền. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe các cụ trong làng kể rằng: Từ thuở sơ khai, các cụ kị của làng không muốn bị kẻ xấu nhòm ngó, trấn yểm tà vạy, động đến sự yên nghỉ của Đức Quốc tổ Lạc Long Quân nên nhân dân không lập đền mà thờ Ngài như thờ một vị thành hoàng làng và chỉ gọi là đình làng. Đến mãi năm 1.077, vào thời Nhà Lý thì Đình Nội mới được đổi thành Đền Nội. Sau này, khi Nhà nước muốn đầu tư xây dựng, trùng tu còn phải cân nhắc, bàn bạc mãi cùng bà con để làm sao cho vẹn toàn mọi nhẽ”.

Cụ Hồng cũng cho chúng tôi biết, tự ngàn xưa, nhân dân ở đây tôn kính Quốc tổ và cứ theo lời dặn dò của cha ông mà thờ tự, hương khói cúng Tổ. Bằng chứng còn lại là các bảo vật, bia đá, các đạo sắc phong của đền Nội được cất giữ tới ngày nay dù đền Nội đã nhiều lần thay đổi, bị giặc đốt phá. Thậm chí, vì mục tiêu “tiêu thổ kháng chiến - vườn không nhà trống” vào những năm kháng chiến, bà con đã phải cất giấu các bảo vật và phá dỡ đền.

Cùng với thời gian, qua các triều đại, ngôi đền đã lưu giữ được 16 hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần” do đích thân 16 vị Vua các triều đại trải dài qua 6 thế kỉ dâng tiến. Các hiến sắc này vẫn được lưu giữ tại đền Nội và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Từ năm 1985, đền Nội đã được Bộ Văn Hóa cấp bằng Di tích. Năm 1990, đền Nội tiếp tục được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Năm 2014, Lễ hội Bình Đà với Lễ dâng hương, Lễ rước tại đền Nội gắn với truyền thuyết về Đức Quốc tổ Lạc Long Quân được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đầu tiên của TP Hà Nội. Ngày 5/4/2014, Lễ hội thờ Quốc tổ Lạc Long Quân chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Câu chuyện của chúng tôi về Đức Quốc tổ Lạc Long Quân với các cụ bô lão tại đền Nội còn rất dài, nhưng khép lại cuộc gặp gỡ, cụ Hồng thay mặt các cụ tại đền Nội cho chúng tôi biết: “Câu chuyện về bọc trăm trứng của cha Rồng - mẹ Phụng mang tính “ý tại ngôn ngoại”: Tưởng vậy mà không phải vậy, do nhân dân dựng nên để nói về dân tộc trăm nơi tụ một. Còn cha Lạc Long Quân là người thật, một người đẹp đẽ phi phàm, sức khỏe hơn người, tài cao, chí lớn, nhiều mưu lược đã dẹp tan thảo khấu, thu phục thú dữ, mở mang bờ cõi, giữ vững biên ải để lo cho trăm họ an vui, làm ăn yên ổn. Mẹ Âu Cơ sinh được bao nhiêu người con không rõ nhưng các con chia nhau người theo mẹ ở chốn non cao, người theo cha xuống vùng biển cả, nhân dân theo đó mà đi, tới đâu phát cỏ làm nhà, trồng cấy sinh nhai tới đó nên có tích 50 người con theo cha, 50 người con ở lại cùng mẹ. Khi xưa, vùng Bình Đà này gần biển, nhưng thế đất cao ráo, gò bãi, sông nước tiện cho việc sinh nhai, dựng nhà lập ấp nên Quốc tổ Lạc Long Quân đã dừng chân. Người đã ở đây, mở mang, xây dựng, sinh sống cùng nhân dân cho tới khi bình ổn rồi qua đời và được nhân dân tưởng nhớ, thờ phụng. Do “vật đổi sao dời”, trải qua hơn 4 ngàn năm vạn vật sinh sôi nảy nở, biển đã bồi, người sinh người trở nên đông đúc, bằng phẳng như ngày nay”.

Trước khi ra về, chúng tôi lên bái lạy Đức Quốc tổ, ngắm những bức họa có niên đại cả ngàn năm đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia do các triều đại sau này tưởng tượng và khắc họa gương mặt Đức Quốc tổ Lạc Long Quân mà trong lòng dâng lên niềm xúc động mạnh mẽ xen lẫn sự hối lỗi vì tới bây giờ, gần 30 năm, ở ngay thủ đô tôi mới biết tìm về nguồn cội của mình. Tôi đợi xuân đến là mùa Lễ hội Bình Đà, sẽ về dự Đại lễ ngày mùng 6 tháng 3 trước khi có thể đi Hội Đền Hùng vào ngày mùng 10 tháng 3 hằng năm.

Bài và ảnh: THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.