Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Có "vẽ đường cho hươu chạy"?

Chia sẻ

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại trong lớp. Quy định mới này đang tạo nên làn sóng tranh cãi trong dư luận.

Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đang nhận sự quan tâm, tranh cãi trong dư luận.Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học đang nhận sự quan tâm, tranh cãi trong dư luận.

Phụ huynh: Người đồng tình, người phản đối gay gắt

Năm học 2020 – 2021, giáo dục Việt Nam tiếp tục thực hiện đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những điểm mới được quy định trong Thông tư 32 Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học là cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên.

Quy định vừa ban hành đã tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ với các ý kiến trái chiều. Đặc biệt về phía phụ huynh, có người phản đối gay gắt, cho rằng đây là quy định cổ xúy học sinh nhưng cũng không ít người đồng tình.

Chị Nguyễn Thị Hè (phụ huynh học sinh trường THPT Phú Xuyên B, Hà Nội) cho rằng, trong thời buổi công nghệ 4.0, cấm đoán học sinh sử dụng thiết bị di động là điều không thể. Đặc biệt Internet chính là kho tàng kiến thức lớn của nhân loại, giúp ích cho việc học rất nhiều.

“Sử dụng điện thoại trong giờ học cũng giúp con em mình tra cứu thông tin nhanh hơn, tiếp cận với nhiều kiến thức khác nhau giúp bổ trợ bài giảng của cô trên lớp. Ngoài ra, cũng thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp cần liên lạc với người thân hay gia đình” – chị Hè chia sẻ.

Có hướng suy nghĩ khác, anh Vũ Tiến Vượng (phụ huynh học sinh Trường THCS Đông Văn, Thanh Hóa) cho rằng, việc sử dụng điện thoại trong giờ học sẽ khiến các con mất tập trung, lệ thuộc vào những thứ có sẵn và không chủ động tư duy kiến thức.

“Tôi không đồng ý với quy định này của Bộ. Bởi những chiếc điện thoại thông minh có rất nhiều chức năng giải trí, con sẽ bị phân tán tư tưởng, dễ sử dụng để giải trí hơn là học tập.

Đặc biệt với học sinh cấp 2, các con còn hiếu kỳ, dễ sa đà vào những nội dung xấu trên mạng xã hội. Đáng lo ngại hơn nữa là mối an toàn của con khi các trang mạng xã hội có thể kết nối với người lạ” – anh Vượng bày tỏ quan điểm.

Giáo viên: Gánh nặng đặt lên vai thầy cô

Trên thực tế, việc cho phép hay cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại trên lớp là vấn đề gây tranh cãi trên nhiều nước, ngay cả những nước có nền giáo dục phát triển như Singapore, Pháp...

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Nga (giáo viên Trường THPT Đông Sơn 1, Thanh Hóa) cho rằng, phương án nào cũng có hai mặt. Với quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cũng vậy, mặt tích cực sẽ giúp học sinh tra kiến thức khó và mở rộng kiến thức và kỹ cho mình; mặt chưa ổn là giáo viên rất khó quản lý học sinh.

“Một tiết học có 45 phút, việc dừng bài cho học sinh sử dụng điện thoại sẽ gây gián đoạn và khiến giờ học không liền mạch. Hơn nữa, một lớp học thông thường có đến 45 học sinh, vì vậy việc kiểm soát rất khó.

Đặc biệt, nếu áp dụng quy định này, nhà trường sẽ phải hòa mạng, học sinh phải trang bị smartphone đồng bộ; điều này không phải ở đâu cũng thực hiện được” – cô Nga chia sẻ.

Cô Mai Thị Ánh Nguyệt (giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) cho rằng, không nên “cái gì không quản được thì cấm”, nên cho học sinh sử dụng nhưng sử dụng đúng mục đích.

“Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát trển như hiện nay, việc sử dụng phương tiện hiện đại vào dạy và học là điều tất yếu. Nhưng với học sinh thì điện thoại di động chỉ là phương tiện bổ trợ giúp các con học tập hiệu quả hơn. Tránh lấy lý do phục vụ học tập để buông lỏng việc quản lý sử dụng điện thoại trong nhà trường, đặc biệt với cấp THCS".

Cô Ánh Nguyệt cho rằng, phụ huynh nên có trách nhiệm kết hợp với giáo viên hướng dẫn con sử dụng đúng mục đích, đúng thời gian để đạt được hiệu quả trong học tập; tránh đặt gánh nặng lên giáo viên trong vấn đề giám sát học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Theo laodong.vn

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.