Giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông

Chia sẻ

Tiếp tục các nội dung làm việc tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, sáng 25/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH và Nghị quyết số 51/2017/QH của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020. Ảnh: NXBGiám sát việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020. Ảnh: NXB

Đồng chí Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Báo cáo dự thảo về Kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH và Nghị quyết số 51/2017/QH của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020 cho thấy, việc tuyên truyền, quán triệt tinh thần Nghị quyết 88 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng triển khai sớm, cơ bản tạo sự đồng thuận trong toàn ngành và xã hội. 

Tại các địa phương, công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông được triển khai kịp thời, hình thức truyền thông đa dạng. Một số địa phương có cách tuyên truyền sáng tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo cũng như sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, học sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2020-2021 được thực hiện theo đúng quy định của Nghị quyết 88, tạo tiền đề hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Luật Giáo dục 2019 trong những năm tới. Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa bước đầu thành công đối với lớp 1, hiện nay các nhà xuất bản đang hoàn thiện bản thảo đối với sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định, phê duyệt và sử dụng theo lộ trình… 

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ: Công tác tuyên truyền về thực hiện Nghị quyết 88 ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, đạt hiệu quả chưa cao, nên một bộ phận cha mẹ học sinh còn những luồng ý kiến khác nhau về chủ trương đổi mới, tạo nên tác động trái chiều, thiếu đồng thuận đối với việc triển khai các Nghị quyết. Bên cạnh đó, một số hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Đặc biệt ở những địa bàn dân cư phân tán không tập trung, giao thông đi lại khó khăn...

Theo báo cáo của các địa phương, việc ban hành văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 còn chậm về tiến độ. Số lượng đầu sách nhiều (5 bộ với 46 cuốn), nhưng việc cung ứng sách giáo khoa chưa kịp thời gây khó khăn cho việc triển khai các khâu: Lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn giáo viên, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên, đơn vị trường học…

Đại biểu Lê Tuấn Tứ (Khánh Hòa) cho biết: Việc phát hành sách giáo khoa lớp 1 theo phương thức xã hội hóa cho thấy thành công  bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt đã thực hiện nghiêm việc kê giá với Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn sách giáo khoa lớp 1 cũ khoảng hơn 3 lần. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của một bộ phận dân cư, trong khi Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh thuộc diện chính sách và nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để điều chỉnh mặt bằng giá sách giáo khoa sao cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn 5 bộ sách giáo khoa mới để thay thế bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ. Tuy nhiên, qua khảo sát trực tiếp, hầu hết các giáo viên đều thích được dạy một bộ sách giáo khoa như trước. Điều này cho thấy, một bộ phận giáo viên vẫn chưa sẵn sàng với tư duy đổi mới, còn nhiều băn khoăn và lo lắng… Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của giáo viên để từng bước cởi bỏ tư duy cũ, tạo tâm thế thoải mái để tiếp cận những cái mới, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Các đại biểu cho rằng, nhân tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới giáo dục là các thầy cô giáo. Tuy nhiên, hiện nay ở một số địa phương, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có phương án giải quyết. Do vậy các đại biểu Triệu Thế Hùng (Hải Dương), Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội Vụ và các địa phương bố trí đủ nguồn nhân lực, các điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện Nghị Quyết 88 đúng lộ trình, hiệu quả, chất lượng.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và đánh giá cao dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH và Nghị quyết số 51/2017/QH của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015-2020 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội biên soạn. Báo cáo đã phản ánh sự làm việc nghiêm túc của các thành viên Ủy ban, phản ánh đúng những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng, đổi mới giáo dục và đào tạo là một quá trình lâu dài, do vậy trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được, ngành Giáo dục đã đi đúng hướng và trong quá trình thực hiện sẽ khắc phục dần. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu toàn bộ những nhận xét, đánh giá trong báo cáo và những góp ý của các đại biểu tại buổi làm việc để có kế hoạch, chương trình hành động tiếp theo…

Cũng trong sáng 25/9, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…

Theo baotintuc.vn

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.
 Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

Quảng Bình: 350 học sinh, giáo viên và cha, mẹ tham gia Camp truyền thông CLB Teenyeeu 24h về giới và pháp luật

(PNTĐ) - Chương trình Camp truyền thông Teenyeeu nhằm giới thiệu hoạt động Dự án Mô hình CLB Teenyeeu 24h là hoạt động thuộc Dự án “Mô hình CLB Teenyeeu 24h thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng quy tắc ứng xử tại tổ chức giáo dục dưới góc nhìn giới và nâng cao năng lực truyền thông, góp ý xây dựng pháp luật về giới và tình dục” triển khai tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024.
Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

Tuyệt đối không thu các khoản ngoài quy định

(PNTĐ) - Năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp tại Hà Nội tăng khoảng 70.000 (chưa tính học sinh cấp mầm non) so với năm học 2023-2024. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh quá tải. Đặc biệt, các trường tuyệt đối không được vận động, quyên góp, thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

Phát động Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước“

(PNTĐ) - Sáng 16/4, Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức lễ ra mắt chuỗi tọa đàm và phát động cuộc thi viết "Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước". Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết là diễn đàn kết nối các chuyên gia, nhà báo, nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên…