Kỳ 2: "Bệ đỡ" giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công

Chia sẻ

Với vị thế là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, Thủ đô Hà Nội đang nỗ lực thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Góp phần thực hiện thành công chiến lược đó, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp trong các hội viên, phụ nữ.

Đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (thứ 3 từ trái sang), cùng các đại biểu thăm gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sáng tạo của Hội LHPN huyện Gia Lâm.Đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội (thứ 3 từ trái sang), cùng các đại biểu thăm gian hàng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sáng tạo của Hội LHPN huyện Gia Lâm.

Không đơn độc trên con đường khởi nghiệp

Là mẹ của hai con nhỏ, trong đó con đầu không may bị bệnh nặng, chồng là phụ hồ với thu nhập hàng tháng khiêm tốn, cô gái vùng đất núi Ba Vì Khuất Thị Thắm luôn mong ước có thể làm một điều gì đó để giúp gia đình thoát nghèo. Thế rồi, từ thử nghiệm rất tình cờ với trái gấc trồng trong vườn nhà, Thắm đã nảy ra ý tưởng làm son dưỡng và son màu từ quả gấc. Gấc chín sau khi nấu thành dầu, được Thắm bổ sung thêm các nguyên liệu thiên nhiên khác như sáp ong, sáp Cadellia, dầu olive, dầu hạnh nhân, dầu cám gạo... theo công thức riêng rồi tiếp tục nấu với nhiệt độ thích hợp. Theo đánh giá của Thắm, son gấc không chỉ giúp làm mềm, mịn đôi môi mà còn có tính kháng khuẩn tự nhiên và an toàn cho người sử dụng.

Sau khi biết đến ý tưởng sáng tạo này của Thắm, Hội LHPN huyện Ba Vì đã động viên Thắm gửi ý tưởng về Hội LHPN Hà Nội. Năm 2019, Thắm là tác giả có ý tưởng sáng tạo duy nhất được Thành Hội chọn tôn vinh tại Ngày hội sáng tạo khởi nghiệp.

“Khoảnh khắc được Hội LHPN Hà Nội tôn vinh là dấu mốc đáng nhớ giúp em càng có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục khởi nghiệp”, Thắm chia sẻ.

Đến nay, qua hơn 1 năm, Thắm vẫn đang được tổ chức Hội đồng hành để sớm hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. “Hội giúp em quảng bá ý tưởng tới nhiều hơn với công chúng, hỗ trợ tìm kiếm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, mời em tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức khởi nghiệp do Huyện Hội tổ chức”, Thắm cho biết.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội hỗ trợ 1.750 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đạt 388% chỉ tiêu đăng ký với Trung ương Hội; trong đó Hội hỗ trợ trực tiếp 260 phụ nữ phát triển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và tư vấn kết nối với Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ 634 phụ nữ thành lập doanh nghiệp mới đưa tổng số doanh nghiệp nữ tại Hà Nội đạt gần 30% trong tổng số doanh nghiệp của Thành phố. Các cấp Hội Phụ nữ đã thành lập mới 13 Hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, 39 nhóm liên kết kết nối 1.321 thành viên tham gia… Hội LHPN các cấp đã vinh danh gần 200 dự án tiêu biểu tại Ngày hội khởi nghiệp hàng năm, trong đó có 14 dự án đạt giải cao cấp Trung ương… Những cách làm hay, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp, hiệu quả của các cấp Hội LHPN Hà Nội đã thúc đẩy phong trào phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố từ 21% năm 2017 lên 26,7% năm 2020.

Khác với Thắm, nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông Nghiêm Thị Thu Hương đã bước qua giai đoạn đầu chập chững lập nghiệp. Hiện nay, công ty TNHH TM và SX Đông Hương do chị làm Giám đốc đã ít nhiều thành danh và thành công trên thương trường. Nhưng, không vì thế mà chị Hương thiếu đi sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức Hội. Chị Hương hiện tham gia sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Chiến Thắng, mái nhà chung của nhiều chị em phụ nữ làm nghề lụa. Chị Hương có thế mạnh về thiết kế, cùng một tấm lụa, chị có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như váy, áo, túi xách, ví, vòng cổ, khăn… Chị cũng có ý tưởng sáng tạo vẽ trên lụa cao cấp từng được Hội LHPN Hà Nội vinh danh. Tham gia sinh hoạt tại Chi hội Phụ nữ, chị Hương luôn sẵn sàng hỗ trợ các chị em hội viên thiết kế các sản phẩm thời trang. Công ty của chị cũng đang tạo việc làm cho 15 hội viên phụ nữ trên địa bàn. Ngược lại, các hội viên lại hỗ trợ chị tiêu thụ sản phẩm lụa. Mỗi kỳ sinh hoạt Chi hội còn là dịp để chị em chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, phát triển kinh doanh… “Được sự hỗ trợ của tổ chức Hội, các nữ tiểu thương chúng tôi không bị lẻ loi trên hành trình khởi nghiệp vốn đầy khó khăn, thử thách”, chị Hương tâm sự.

Chắp cánh ý tưởng sáng tạo bay cao, bay xa

Theo đồng chí Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, những năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều hoạt động hiệu quả góp phần giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, từ năm 2018, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định phê duyệt số 1901/QĐ-UBND ngày 18/4/2018 của UBND TP Hà Nội. Hội LHPN Hà Nội xác định đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp Hội triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp một cách bài bản, cũng như để hội viên phụ nữ khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ từ chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể.

Để giúp hội viên tháo gỡ khó khăn trên hành trình khởi nghiệp, Thành Hội đã thành lập và phát huy vai trò của 25 chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, phối hợp tổ chức 1.000 khóa đào tạo nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; tổ chức hội thảo, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tọa đàm nâng cao chất lượng mạng lưới CLB doanh nhân nữ, trang bị kiến thức khởi nghiệp… Từ đó, đã có 3.533 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và nữ chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp nâng cao kiến thức và kỹ năng phát triển sản xuất, kinh doanh vượt 180% so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã ký kết các chương trình phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng… hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng giúp cho phụ nữ phát triển kinh tế; thành lập các tổ nhóm vay vốn, phát triển nguồn vốn tiết kiệm từ chi hội. Hội LHPN các quận, huyện: Hà Đông, Long Biên, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín… đã chủ động tìm hiểu, kết nối, mở rộng liên kết với các ban ngành, các chuyên gia các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tạo thêm nguồn lực về vốn vay, phương tiện sinh kế. Đến nay, 1.422 phụ nữ mới khởi nghiệp đã được vay trên 70 tỷ đồng từ các nguồn vốn tín chấp của Hội.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Lê Thị Thiên Hương, nhằm cổ vũ, khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong giới nữ, 3 năm qua, các cấp Hội đã tích cực hỗ trợ 162 doanh nghiệp được kết nối tiêu thụ sản phẩm qua 137 điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm của Hội Phụ nữ các cấp. Hội LHPN Hà Nội đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã phát triển mạng lưới 59 CLB Doanh nhân nữ từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và cơ sở với trên 3.000 phụ nữ mới khởi nghiệp và nữ doanh nhân tham gia. Nhờ đó, các chị em đã trở thành bạn hàng, giúp nhau tăng doanh thu hàng trăm tỷ đồng…

Tiềm năng lớn từ những sáng tạo của phụ nữ

Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, đến năm 2019 TP Hà Nội có 26,7% doanh nghiệp do nữ làm chủ, có hơn 70% phụ nữ là chủ hộ kinh doanh. Xét về quy mô và kết quả kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không hề thua kém các doanh nghiệp của nam giới.

Có thể chứng minh nhận định này qua câu chuyện khởi nghiệp thành công ở tuổi ngoài 50 của bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Hiện nay sản phẩm gạo hữu cơ Pamci của HTX Đồng Phú đã chinh phục nhiều khách hàng khó tính trong nước... Đây là loại gạo được sản xuất theo phương pháp canh tác hữu cơ, cho chỉ số đường thấp phù hợp với bệnh nhân tiểu đường, quy trình sản xuất thực hiện 5 không: Không biến đổi gen, không phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng chất bảo quản, chống mốc, mối, không đánh bóng, tạo mùi… Vượt qua rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc tưởng chừng thất bại phải từ bỏ, bà Nguyệt đã mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú từ gần 1ha trồng thí điểm năm 2012 lên 64ha năm 2020. Sản lượng lúa ước tính đạt 5-5,5 tấn/ ha/vụ, cho thu nhập tăng 1,8 lần so với phương pháp canh tác thông thường.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương, sức sáng tạo, tiềm năng khởi nghiệp của các hội viên phụ nữ Thủ đô là vô hạn. Bước sang giai đoạn mới 2021 - 2025, các cấp Hội LHPN Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và chủ trương, mục tiêu phát triển khởi nghiệp của Thành phố Hà Nội để hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chị em phụ nữ khởi nghiệp thông qua các hoạt động như nâng cao kiến thức, năng lực khởi nghiệp, phát triển kinh tế; kết nối hỗ trợ vốn; xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế; hỗ trợ xúc tiến thương mại; giám sát, đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…

Chắc chắn rằng, phong trào khởi nghiệp trong các cấp Hội sẽ ngày một khởi sắc, góp phần thực hiện mục tiêu khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

HOÀNG LAN - THANH THANH

 

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.
Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

Đồng bào các dân tộc Điện Biên với tinh thần “cả nước cùng chống giặc”

(PNTĐ) - Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã chung sức, đồng lòng, cùng với cả nước, tích cực chủ động tham gia phục vụ chiến trường với tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải, tất cả cho chiến thắng.