Tờ cam kết oan nghiệt

Chia sẻ

Ngày quyết định lấy chồng, rồi đến đăng ký kết hôn, Hân và chồng chưa một lần phải hứa hẹn điều gì cho sau này cả. Bởi cả hai yêu nhau thật lòng và thấy chẳng gì có thể đẹp đẽ bằng việc trở thành của nhau. Nhưng, chính Hân cũng không ngờ, mình lại buộc phải ký vào một tờ cam kết thì mới chính thức trở thành người một nhà với chồng mình.

Hân là một giáo viên Mỹ thuật, dễ hiểu khi cô nhanh đồng cảm, rồi yêu và lấy một anh họa sỹ làm chồng. Ngày chồng đưa Hân về gia đình anh ra mắt, xác định sẽ lấy nhau, mẹ anh cứ lầm bầm, lừ mắt, kiểu dò xét xem Hân là loại người gì. Hân lúc đó – và cả sau này vẫn vậy, rất yêu chồng, nên tình yêu giúp cô nhìn đâu cũng là màu hồng, dễ dàng bỏ qua hết thái độ lạ lùng ấy.

Trước ngày cưới, khi cả hai bên gia đình còn đang tất bật lo liệu thủ tục, Hân được mẹ chồng tương lai gọi sang nhà bàn chuyện. Chồng Hân không đi đón, cô phải tự đến tận nơi. Bước vào phòng khách, Hân hơi lo bởi thấy gia đình chồng, gồm bố mẹ, chồng và em trai của anh đã có mặt đầy đủ. Mẹ chồng Hân chỉ chờ cô đến, không mời không hỏi, lấy ra một tờ giấy, trên đó đã ghi đầy những gì mà Hân không thể ngờ tới…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

- Đây là giấy cam kết mà cô sẽ phải ký vào, nếu muốn bước chân vào làm dâu con nhà tôi. Ký vào đây rồi, cô sẽ không được chia bất kỳ một tài sản nào hết. Nhà cửa, đất đai và tất cả tài sản khác mà cô và con trai tôi sẽ sử dụng chung sau khi cưới, cô cũng không có quyền được sở hữu. Tóm lại, cô về đây sẽ không có gì. Nếu có bước ra đi, cũng sẽ không nhận được gì. Đồng ý thì cô ký, rồi hai đứa thành vợ chồng. Không ký thì chúng tôi cũng không níu…

Hân ngước mắt nhìn chồng, không hiểu mình vừa nghe gì. Đấy là lời mẹ chồng tương lai dặn dò con dâu mới ư? Chồng Hân cúi lặng, không lời giải thích. Hân hiểu, anh buộc phải nghe mẹ. Những người còn lại, là bố chồng và em chồng Hân, cũng lảng đi, như một cách thừa nhận vào hùa với mẹ chồng cô. Trong hoàn cảnh ấy, người ta sẽ khóc vì lạc lõng, vì tủi hổ, vì có cảm giác bị sỉ nhục. Nhưng Hân vẫn ráo hoảnh. Cô hít thở thật sâu và cầm bút, ký dứt khoát vào tờ cam kết…

Rồi họ lấy nhau và có một cô con gái. Hân bị bệnh về gan nên phải chạy chữa trường kỳ. Thành ra, tiền lương và những thu nhập bên ngoài, cô phải dành phần lớn để chữa bệnh. Chồng Hân dăm thì mười họa mới bán được bức tranh, thu nhập bập bõm là thế, bao gánh nặng đổ dồn lên vai Hân gần hết. Hân cố gắng mỗi tháng quyết tâm để dành ra 2 triệu, rồi làm một cuốn sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, đề phòng công to việc lớn hay những rủi ro bất chợt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tờ cam kết có hiệu lực ngoài sức tưởng tượng. Khối tài sản vẫn không có dấu tay Hân. Và từ ngày ký, Hân cũng không hề than phiền một lời với ai về tờ giấy đó. Có nhớ đến, cũng là tiếng thở dài qua đi trong tích tắc. Vì Hân rất bận. Đi làm, đi chữa bệnh, rồi nuôi con, rồi làm thêm nữa… Người mẹ chồng kia, thỏa mãn với sự “ngoan ngoãn nghe lời” của con dâu. Nhưng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay những lần bà sang thăm cháu nội. Bà muốn Hân sinh con trai, cũng đôi lần bóng gió “nếu có đích tôn, bà sẽ suy nghĩ lại việc cho Hân thứ gì đó…”. Hân không thể mạo hiểm với sức khỏe của mình mà sinh con nữa. Với cả, cô thấy rất hạnh phúc vì được làm mẹ của con gái mình. Mẹ chồng – nàng dâu, từ đó mà còn thua cả người dưng. Bố chồng, em chồng Hân, cũng không mấy khi ghé qua, thăm hỏi vợ chồng cô.

Vậy mà, Hân chưa từng một lần có ý định bỏ chồng, dù nhìn ra thiên hạ, chồng Hân sẽ bị nhiều người nói là… ăn bám! Bạn bè, đồng nghiệp vẫn nhìn thấy Hân với một sự lạc quan, yêu đời, hay cười và rất nhẹ nhàng, lãng mạn. Hân làm nghệ thuật, nhưng phải có một tình yêu nào đó bền bỉ, sâu thẳm bên trong mới khiến cô vẫn thấy cuộc đời đẹp tươi như thế?

Hân có một người đồng nghiệp, cũng là người chị thân thiết, hay động viên và chia sẻ khó khăn cùng cô. Chị là người chứng kiến và lắng nghe đủ nhiều những chuyện giữa Hân và nhà chồng, rất nhiều lần chị phải thốt lên: “Chị không thể hiểu, em yêu chồng em đến thế nào, mà lại có thể bỏ qua bao nhiêu là bạc bẽo đến vậy!”. Hân chỉ cười, chắc cô thừa nhận chị bạn mình nói đúng. Hơn cả, cô quá yêu chồng, yêu gia đình nhỏ của mình. Một tình yêu kiên định và cực kỳ mạnh mẽ.

Bởi vậy, dù bị nhà chồng – nhất là mẹ chồng hời hợt, xem thường, nhưng Hân vẫn cố gắng làm tròn bổn phận của một nàng dâu. Những ngày giỗ, chạp, lễ Tết, ngay đến cả sinh nhật bố mẹ chồng, cô vẫn nhớ và chuẩn bị cỗ bàn, quà cáp tươm tất. Chỉ duy nhất một lần, Hân chạnh lòng cho phận làm dâu bị “bơ vơ” của mình. Đó là khi bà hàng xóm cạnh nhà chồng không ngớt lời ngợi khen Hân làm dâu sao mà thảo hiền thế! Rồi bà tặc lưỡi: “Con dâu cô, nó cũng đối đãi nhiệt tình với bố mẹ chồng lắm. Nhưng ấy là từ khi cô bán bớt đất, mua cho vợ chồng nó căn chung cư để ở riêng, và trả hết nợ nần cho chúng nó. Cũng buồn lắm, chả biết nay mai mình hết tiền hết sức, thì nó có vui vẻ, dạ vâng với mình nữa không đây…”. Hân cười động viên cô hàng xóm, nhưng lòng thì chùng xuống. Thói đời thật lạ, sao những người thân không dành cho nhau tình thương yêu chân thành, mà buộc phải trói nhau bằng những tờ cam kết đầy lợi ích cá nhân như vậy?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dịch Covid-19 ập đến, ai cũng trở nên khó khăn. Một ngày, đang giữa giờ lên lớp, Hân bất ngờ nhận được điện thoại của em chồng. Một lúc sau, cô bỏ dở lớp, hớt hải gọi chị đồng nghiệp cùng đến ngân hàng.

Cuốn sổ tiết kiệm là tài sản quý giá nhất của Hân lúc này. Giờ đây, cô quyết định rút hết tiền trong sổ, để trả nợ cho cậu em chồng không may bị bạn xấu lừa đảo. Hơn 100 triệu, số tiền không lớn với nhiều người, nhưng là biết bao chắt chiu của Hân suốt mấy năm qua để dành cho con gái. Nếu bây giờ mang ra trả nợ hết, xem như Hân làm lại từ đầu. Đứng bên cạnh Hân, người chị đồng nghiệp lại một lần nữa thở dài: “Đến bây giờ, chị thật sự nể phục em, Hân ạ! Phải yêu chồng đến nhường nào, thì em mới gạt bỏ cái tờ cam kết tuyệt tình mà nhà đó bắt em phải ký, để dang tay cứu em chồng – không hề là máu mủ!”.

Lúc khó khăn mới hiểu rõ lòng người. Thì ra, dù lâu nay sợ sệt con dâu “nẫng” của cải trong nhà mang đi, nên người mẹ chồng tuyệt tình bắt cô ký cam kết, chứ thực chất, nhà bà chẳng có gì đáng giá tới mức phải đánh đổi tình người như thế! Con trai gặp nạn, trong nhà không có nổi một phần ba số tiền để cứu, cuối cùng chính con dâu là người sẵn sàng cứu, không mảy may đòi hỏi phải ký trước một “tờ cam kết” gì!

Câu chuyện tới đây, hẳn ai cũng mong một kết thúc có hậu cho mối quan hệ giữa mẹ chồng và Hân. Nhưng không phải, sau sự giúp đỡ chí tình ấy, mọi thứ lại quay trở về như xưa. Hân vẫn đi làm, kiếm tiền, nuôi con, thương chồng, tiết kiệm, lo toan chu đáo cho nhà chồng, và tờ cam kết vẫn còn đó, người mẹ chồng vẫn cố thủ suy nghĩ nhỏ mọn chẳng khác xưa. Và trên đời này, cũng chẳng có một tờ cam kết nào lại giúp cho con người ta đối đãi với nhau thật lòng cả. Nhưng Hân nhủ rằng, nếu có cố gắng và tự tin, lạc quan với cuộc sống này, thì sẽ không bao giờ cảm thấy mình bị thiệt thòi cả. Ít nhất, cô vẫn có một tổ ấm nhỏ hạnh phúc, và tuyệt đẹp hơn, là hạnh phúc ấy do chính cô tự chắt chiu, hy sinh mà thành.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.