Người giữ lửa cho một nét Trung thu truyền thống

Chia sẻ

Rằm Trung thu sắp tới, những người thuộc thế hệ 7x, 8x như chúng tôi lại nhớ đến những trò chơi truyền thống còn khắc ghi trong ký ức tuổi thơ. Dạo quanh tuyến phố Hàng Mã, thấy các quầy hàng vẫn bày bán trò chơi truyền thống khiến chúng tôi bồi hồi.

Theo dòng cảm xúc ấy, chúng tôi tìm về gặp nghệ nhân làm đèn kéo quân Vũ Văn Sinh, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội…

Bí mật bất ngờ về chiếc đèn kỷ lục

Sau hơn chục năm mới gặp lại người nghệ nhân năm xưa làm chiếc đèn kéo quân kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2006. Vừa khơi lại chuyện cũ, ông Sinh đã hồ hởi: “Có muốn nghe chuyện thật không? Tôi kể chuyện gan ruột cho mà nghe. Bí mật bây giờ mới kể về việc làm đèn kéo quân như thế nào”.

Vừa nói vừa vân vê điếu thuốc lào, rồi thong thả cầm điếu châm lửa và rít lên sòng sọc, ông Sinh cất giọng sang sảng bằng ngôn từ mộc mạc, chất phác của người thôn quê: “Đói. Đói đấy. Đói quá mà chú làm đấy con ạ”.

Người giữ lửa cho một nét Trung thu truyền thống - ảnh 1

Tại thời điểm năm 2006, gia đình ông Sinh đang lâm vào cảnh khó khăn chồng chất vì làm ăn bị thất bát thì đúng dịp được đặt làm chiếc đèn kéo quân cỡ lớn để tham gia kỷ lục Việt Nam. Ông Sinh nói: “Đang lúc đói, chú nhận lời ngay vì nghĩ, kiểu gì mình cũng làm được. Nghề vốn ở trong ký ức sẵn có rồi. Chú đánh liều vì số tiền 50 triệu đồng khi đó lớn lắm. Nhận rồi kiểu gì cũng làm được”.

Sau cái “nhận liều” đó, ông Sinh khi bắt tay vào làm, ngày đêm tìm tòi, vừa lục lại ký ức, vừa hỏi han các cụ trong làng để làm được chiếc đèn kéo quân mà cỡ to đến mức chính các cụ chưa từng làm. Ông đã huy động rất nhiều người cùng xắn tay vào làm cùng. “Khi đó nhà chú lúc nào cũng như hội, từ các cụ già đến con cháu trong làng”. Hơn nửa tháng trôi qua, số tiền chi cho việc làm đèn cũng chiếm hơn 1 nửa mà sản phẩm chưa thành. Ông Sinh tiếp tục đi dò hỏi ở các tỉnh xem có ai từng làm đèn kéo quân, tìm mãi không ra. Đến khi biết được một gia đình ở Thái Bình còn giữ chiếc đèn kéo quân cũ, ông tìm đến xem. Sau khi quan sát kỹ, ông đã phát hiện ra một chi tiết vô cùng quan trọng, chính chi tiết này giúp cho lồng đèn quay.

Miệng nói tay làm, ông dùng giấy, kéo, hồ, cắt dán chỉ vài phút rồi chỉ cho chúng tôi: “Đây là chi tiết đắt giá, nó quyết định thành công của chiếc đèn kéo quân. Đó là tán đối lưu có độ nghiêng chừng 25 độ. Còn hình thù, lục lăng hay hình gì đi nữa thì cũng không khó”.

Ông Vũ Văn Sinh cho biết, chiếc đèn kéo quân đã được ghi vào kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2006 có chiều cao gần bằng nhà 2 tầng (cao 6,5m, đường kính 3m), không chỉ ở độ lớn, khối lượng khung đồ sộ mà đặc biệt ở chỗ cơ cấu hoạt động là không dùng mô tơ hay bất kỳ thứ máy móc hiện đại nào. Trong đèn chỉ áp dụng phương pháp cổ truyền là hoạt động theo cơ cấu hỏa lực học. Còn nguyên liệu, phải lựa chọn kỹ từng thanh tre nếp già, uốn thẳng, đảm bảo hai trụ đèn không xiêu vẹo.

Tròn một tháng, chiếc đèn kéo quân đã được hoàn thành đúng dịp Trung thu 2006 và tổng kết lại số tiền 50 triệu đồng đầu tư cho chiếc đèn cuối cùng ông chỉ được dư 300.000 đồng và giá trị tinh thần thì không đo đếm được. Đặc biệt, từ đây ông lại gắn bó với nghề làm đèn kéo quân mỗi dịp Rằm Trung thu.

Giữ nghề để giữ nét đẹp Trung thu truyền thống

Đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù là một loại đồ chơi truyền thống bằng giấy dán vào khung tre, nứa được trẻ em nhiều thế hệ ở Việt Nam rất ưa thích mỗi dịp Tết Trung thu.

Trước đây, đèn kéo quân cho trẻ em vừa là một món đồ chơi, vừa mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Thông qua hình dán lên các thân mặt của đèn kéo quân thể hiện lễ, nghĩa, hiếu, trung, nhất là hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận… Vì vậy, đèn mới có tên là đèn kéo quân. Sau này, người nghệ nhân đã biến tấu đưa hình vẽ lên đèn phong phú hơn, với các bức tranh dân gian Đông Hồ, hình chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng Nga, lá cờ Tổ quốc…

Người giữ lửa cho một nét Trung thu truyền thống - ảnh 2

Ông Sinh cho hay: “Thời tôi lên 5, lên 7 tuổi thì mỗi dịp Trung thu, ở làng các cụ làm đèn rất nhộn nhịp, chúng tôi cũng tham gia làm đèn để bán đi khắp nơi. Nghe các cụ truyền lại là nghề ở làng Đàn Viên có hàng trăm năm trước”. Ngày nay, không ai còn làm nghề nữa, cả làng Đàn Viên chỉ còn ông Sinh và ông Nguyễn Văn Quyền (81 tuổi) còn lưu luyến với những chiếc đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu.

Năm nay ở tuổi 59, ông Vũ Văn Sinh vẫn giữ nghề làm đèn kéo quân như một cái duyên tiền định. Ông Sinh khoe: “Mới đây có khách ở Hải Phòng đã đặt mua 10 chiếc đèn giá 1 triệu đồng/chiếc để trang trí quán cafe. Sau khi nhận hàng, họ rất vui vì những chiếc đèn truyền thống đã làm điểm nhấn sinh động trong không gian hiện đại”.

Để làm đèn kéo quân bằng khung gỗ, giấy màu cỡ lớn theo đơn đặt hàng của một số quán cà phê ông Sinh và vợ làm liên tục trong 2-3 ngày mới xong; tùy cỡ to nhỏ mà giá dao động từ 1 đến 5 triệu đồng/chiếc. Với những chiếc đèn kéo quân nhỏ hơn bằng khung tre, nứa thì ông có thể làm trong ngày là xong với giá bán ra khoảng 150.000-200.000 đồng/chiếc. Gần đây, ông Sinh còn làm đèn bằng chất liệu nhựa cho phù hợp một số thị hiếu người trẻ với giá bán 100.000 đồng/chiếc. Nói về thu nhập từ làm đèn, ông Sinh lại cười sang sảng: “Tôi làm cho vui chứ công cán là bao”.

Ông Sinh và vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh giờ đây coi việc làm đèn như một nhân duyên tốt. “Ở tuổi này rồi, chúng tôi còn giữ nghề là vì đã có cái duyên năm xưa và cũng muốn giữ một nét văn hóa truyền thống của cha ông mà thôi” – bà Nguyễn Thị Hạnh vừa nói vừa cười hiền hậu.

Trở về làng quê, trò chuyện với nghệ nhân Vũ Văn Sinh, chúng tôi đã được sống dậy bao ký ức trong trẻo hồn nhiên háo hức chơi đèn chờ đón ánh trăng rằm. Chia tay nghệ nhân Vũ Văn Sinh, chúng tôi khởi tâm mong những chiếc đèn kéo quân tiếp tục được sử dụng trong các gia đình từ nông thôn đến thành phố như một món quà độc đáo, đậm nét văn hóa và giá trị kết nối.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.