Lan tỏa nhiều mô hình, cách làm hay bảo vệ môi trường

Chia sẻ

Phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng mô hình “biến rác thành tiền” hay gấp túi giấy thân thiện với môi trường, trồng và chăm sóc các “tuyến đường nở hoa”… là những việc làm thiết thực, sáng tạo hiệu quả của các cấp Hội LHPN quận Hoàng Mai góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Tiên phong với mô hình “Biến rác thành tiền”

Năm 2019, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN phường Tân Mai đã trở thành điểm sáng trong hoạt động bảo vệ môi trường đồng thời thực hiện hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Hà Nội triển khai thời gian qua. Đây là cách làm hay, sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tích cực thực hiện các tiêu chí của đô thị văn minh góp phần xây dựng Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp.

Chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Hoàng Mai tích cực ra quân tổng vệ sinh môi trường hàng tuầnChị em hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Hoàng Mai tích cực ra quân tổng vệ sinh môi trường thứ 7 hàng tuần.

Là người tiên phong đi đầu trong việc vận động chị em trong chi hội tham gia phân loại rác thải tại nguồn thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền”, bà Lê Thị Thanh Hoa - Chi hội trưởng Chi hội 5 phường Tân Mai chia sẻ: “Lúc mới triển khai mô hình này, Chi hội đã gặp không ít khó khăn vì số lượng hội viên, người dân tham gia thấp, một số chị em thì không mặn mà với mô hình… Cuối cùng, chủ yếu vẫn là các cán bộ hội viên nòng cốt hưởng ứng. Mặt khác, khi thu gom và phân loại rác tái chế, Chi hội lại không có nơi tập kết phế liệu…”. Tuy vậy, bà cùng với các chị em trong BCH đã không bỏ cuộc.

Với phương châm “nói là làm mà làm thì phải hiệu quả”, bằng việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bà kiên trì vận động, phân tích những lợi ích thiết thực của việc phân loại rác thải tại nhà và thu gom rác thải tái chế cho các hộ gia đình. Cứ thế, theo hướng dẫn của bà Hoa, mỗi hộ gia đình sẽ sử dụng hai thùng rác: Một cho rác thải hữu cơ và một cho rác tái chế. Đối với rác tái chế, chị em sẽ phân loại, thu gom rác thải là những phế liệu như: chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, bìa cốt-ton, giấy báo cũ… bán lấy tiền để gây quỹ Hội. Còn những loại rác hữu cơ như: thức ăn thừa, rau củ quả, lá cây… có thể sử dụng bón cho cây trồng hoặc để riêng tiện trong việc thu gom, xử lý vừa đảm bảo tiêu chí “3 sạch” là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ vừa hạn chế rác thải nhựa, nhất là rác thải nhựa dùng 1 lần.

Điều vui mừng sau những nỗ lực là Chi hội đã nhận được sự quan tâm, đồng ý của chính quyền địa phương, nên đã có điểm tập kết phế liệu chung vào thứ 7 hàng tuần tại khu vực nhà văn hóa của khu dân cư số 5. Theo bà Nguyễn Thị Búp, hội viên Chi hội 5 phường Tân Mai, việc thu gom phế liệu đều được Chi hội “Cân, đo, kiểm, đếm” cẩn thận và ghi vào “sổ vàng” theo dõi sự tham gia tích cực của từng hội viên. Sau khi hội viên mang đến điểm tập kết, bà Hoa cùng một số chị em trong Chi hội trực tiếp đem toàn bộ số lượng rác tái chế đến bán cho cơ sở thu mua phế liệu. Không chỉ thu gom, phân loại rác trong nhà mà khi đi trên đường, ngõ phố nếu nhìn thấy rác thải vô cơ, chị em hội viên cũng thu gom lại rồi cuối tuần đem về nơi tập kết để bán. Số tiền thu được từ bán phế liệu, Chi hội sử dụng để hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn...

Chị em hội viên phụ nữ phường Định Công thu gom rác tái chế để gây quỹ HộiChị em hội viên phụ nữ phường Định Công thu gom rác tái chế để gây quỹ Hội

Cứ thế, sau khoảng hơn 2 tháng thực hiện, nhiều hội viên phụ nữ và người dân đã nhận thấy ý nghĩa của mô hình nên nhiệt tình tham gia. Từ đó, rác thải trên các tuyến đường, khu dân cư được thu gom sạch sẽ, không còn tình trạng người dân xả rác thải bừa bãi như trước đây. Chi hội cũng đã họp bàn và rà soát những hoàn cảnh gia đình khó khăn, trích kinh phí từ số tiền bán phế liệu để hỗ trợ họ. Sắp tới, Chi hội sẽ giúp gia đình hội viên chị Hoàng Thị Ngọc Yến có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa, nâng nền nhà chống ẩm, thấp từ nguồn xã hội hóa và tiền thu gom từ rác thải từ 10 -15 triệu đồng. Số tiền từ việc thu gom rác tái chế tuy không lớn nhưng, có ý nghĩa thiết thực đã thu hút đông đảo chị em hội viên phụ nữ và người dân tham gia.

Theo chị Nguyễn Thị Kim Thu – Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Mai, hoạt động của mô hình “Biến rác thành tiền” vừa mang tính nhân văn sâu sắc, vừa góp phần làm sạch môi trường, tính đến nay, trên địa bàn phường đã có 3/11 Chi hội tham gia thực hiện mô hình này. Năm 2019, với mô hình “Biến rác thành tiền” làm điểm tại Chi hội phụ nữ số 5, phường Tân Mai thực chất là để cụ thể hóa những nội dung, hành động trong thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương, Thành hội phát động.

Chị em hội viên phụ nữ phường Tân Mai thu gom rác tái chế thực hiện mô  hình “Biến rác thành tiền”Chị em hội viên phụ nữ phường Tân Mai thu gom rác tái chế thực hiện mô hình “Biến rác thành tiền”

Trao đổi với phóng viên báo PNTĐ chị Nguyễn Lệ Hằng – Chủ tịch hội LHPN quận Hoàng Mai cho biết: qua theo dõi, nhận thấy đây là mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương và hoạt động của Hội. Chính vì vậy, ngày 23/9/2020, Quận Hội đã tổ chức phát động mô hình “Biến rác thành tiền” đến 100% các Chi hội phụ nữ trên địa bàn 14 phường. Từ đó, cán bộ Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mô hình này, hy vọng thời gian tới ngày càng được nhân rộng, lan tỏa đến cộng đồng”.

Lan tỏa những việc làm thiết thực bảo vệ môi trường

Song song với mô hình “Biến rác thành tiền” để bảo vệ môi trường, các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường Tân Mai còn lồng ghép trong sinh hoạt Hội bằng việc hướng dẫn cho hội viên phụ nữ tận dụng bìa lịch cũ, giấy tự gấp túi giấy để thay thế việc sử dụng túi nilon. Không chỉ sử dụng túi giấy cho bản thân, số lượng túi giấy làm ra còn được chị em hội viên dành tặng bạn bè, người thân, tiểu thương tại các chợ để bọc gói hàng hóa cho người tiêu dùng…

Chị em hội viên phụ nữ phường Định Công thu gom rác tái chế để gây quỹ HộiChị em hội viên phụ nữ phường Định Công thu gom rác tái chế để gây quỹ Hội

Tương tự, Hội LHPN các phường Định Công, Đại Kim, Thịnh Liệt… cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ cách phân loại rác thải tại nguồn và thu gom rác thải tái chế nhằm bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Tặng hàng trăm tặng làn nhựa cho hội viên phụ nữ sử dụng mỗi khi đi chợ… Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Hội LHPN 14 phường đã đăng ký và đảm nhiệm cải tạo 7 vườn hoa cũ bỏ hoang tại khu dân cư, chung cư thành vườn hoa xanh tươi, tạo sân chơi thoáng mát cho nhân dân; xóa 125 điểm chân rác vẽ 5 tranh bích họa, trồng mới 1.112 bồn hoa và chậu hoa. Trước kia, triền đê Nguyễn Khoái dài 10km thuộc phường Thanh Trì, Lĩnh Nam; khu Đầm Hồng phường Định Công, khu Bắc Linh Đàm 3, 4 phường Đại Kim, kênh K5A-K5B phường Vĩnh Hưng… là những địa điểm toàn sỏi, đá, rác thải, cây cỏ mọc hoang nhưng với bàn tay của hội viên phụ nữ và nhân dân tích cực tham gia dọn rác, cuốc đất, trồng hoa, chăm sóc hàng tuần đã tạo nên những đường hoa, vườn hoa rực rỡ…

Cứ thế, với từng hành động nhỏ “Tử tế vì môi trường” mỗi ngày của cán bộ hội viên phụ nữ quận Hoàng Mai đã và đang từng bước thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tốt vì cuộc sống xanh - sạch - đẹp hơn.

THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.