“Công nghệ hóa” kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Chia sẻ

Bộ GD-ĐT khẳng định, ít nhất đến hết giai đoạn 2021-2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vẫn sẽ được tổ chức. Cùng với đó, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để có thể “công nghệ hóa” kỳ thi, chuyển dần từ làm bài thi trên giấy sang thi trên máy tính.

Trong tương lai, học sinh sẽ chuyển dần từ thi tốt nghiệp THPT trên giấy sang thi   trên máy tính.Trong tương lai, học sinh sẽ chuyển dần từ thi tốt nghiệp THPT trên giấy sang thi trên máy tính.

Vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng ở bậc THPT, có nhiệm vụ đánh giá năng lực học sinh, công tác dạy-học ở các địa phương để có điều chỉnh phù hợp. Vài năm gần đây, kỳ thi này còn có thêm nhiệm vụ phục vụ công tác xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, đây cũng là kỳ thi gây nhiều tranh cãi về việc có nên tồn tại hay không? Luồng phản đối thi tốt nghiệp cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi trên toàn quốc với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm luôn trên 90% (năm 2020, tỷ lệ này là 98,34%, tăng hơn 4% so với năm 2019) là quá lãng phí. Song, số người “bảo vệ” kỳ thi này lại có quan điểm riêng. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất cần thiết vì nếu không thi thì học sinh sẽ không học. Học sinh không học thì bản thân thầy cô cũng không có động lực để dạy và đổi mới. Hệ lụy này sẽ không chỉ dừng ở cấp THPT mà còn lan xuống cấp THCS, thậm chí cả cấp tiểu học.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, nếu xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì có nguy cơ chúng ta sẽ không kiểm soát được chất lượng dạy học.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, kể cả tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm ở mức cao 80-90% thì vẫn phải thi tốt nghiệp THPT. Vì không thi tốt nghiệp thì sẽ phải thực hiện xét tốt nghiệp bằng học bạ. Nhưng, trong tình hình hiện nay, trình độ giáo dục ở các địa phương khác nhau, trình độ của giáo viên cũng khác nhau, nếu xét học bạ sẽ khó đảm bảo chính xác, công bằng và nguy cơ xảy ra nhiều tiêu cực.

Đến từ cơ quan quản lý giáo dục, theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được tổ chức thành công, thể hiện ở nhiều mặt như kỳ thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho gia đình, xã hội; kết quả kỳ thi có tính trung thực, đủ độ tin cậy để xét tốt nghiệp và hỗ trợ cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng; kỳ thi đã tăng cường được sự phân cấp trách nhiệm của các địa phương.

Ông Trinh khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn 5 năm tới.

Chuyển từ thi trên giấy sang thi trên máy tính?

Theo ông Mai Văn Trinh, giai đoạn 2022-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có đổi mới vẫn sẽ trên tinh thần ổn định, không gây xáo trộn. Bộ sẽ bắt tay chuẩn bị các điều kiện để dần dần “nâng cấp” kỳ thi tốt hơn như xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu tổ chức kỳ thi, chuẩn bị các điều kiện để mở rộng thi trên máy tính đồng thời với thi trên giấy nhưng vẫn đảm bảo tính công bằng giữa hai hình thức thi cũng như giữa các địa phương có điều kiện thuận lợi và còn khó khăn. Mặc dù trao quyền tổ chức kỳ thi cho các địa phương, nhưng, Bộ sẽ tiếp tục đảm nhận một số công việc như tiếp tục hoàn thiện quy chế thi và các văn bản hướng dẫn; hoàn thiện và cung cấp cho các địa phương phần mềm tổ chức thi; tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán của các địa phương; xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi để đảm bảo mặt bằng đánh giá chung trên cả nước. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra để kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, công bằng, chính xác, khách quan, hạn chế tối đa gian lận, tiêu cực trong thi cử.

Riêng với ý tưởng “chuyển từ thi giấy sang thi trên máy tính”, tới đây, sẽ có nhiều việc phải chuẩn bị. Đó là phải ban hành được quy chế thi trên máy tính; phải chuẩn bị hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin như: máy tính, thiết bị đường truyền, thiết bị an ninh, quan sát, phần mềm thi trên máy tính, ngân hàng câu hỏi, chuẩn bị cho học sinh kỹ năng để sử dụng và thi trên máy tính.

Theo ông Trinh, trong sự đổi mới này, vai trò của các địa phương là rất lớn và có tính chất quyết định.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.