Cơm nắm của mẹ

Chia sẻ

“Cơm nắm muối vừng ăn sáng không cô?”, tiếng chào mời của người bán hàng ăn sáng rong đi qua khiến chị bồi hồi. “Có, bán cho tôi hai nắm nhé!”, chị nhỏ nhẹ hỏi mua rồi cầm nắm cơm bọc trong tờ giấy trắng.

Cơm nắm của mẹ - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Lần nào cô bán hàng mời, chị đều mua. Món quà sáng đó, có lúc chị mua để ăn nhưng cũng có lúc mua vì nhớ món cơm nắm của mẹ ngày xưa. Với chị, cơm nắm là cả một miền thương nhớ.

Mẹ chị, một người phụ nữ gắn liền với đồng ruộng, giỏi giang chuyện bếp núc. Nhà chị không khá giả, bữa cơm hàng ngày chẳng có cao lương mỹ vị nhưng món dưa cà mắm muối nào của mẹ làm cũng ngon, khiến đàn con ăn ngon lành. Món ăn quen thuộc hàng ngày nhất của chị và các thành viên trong nhà có lẽ là món cơm nắm của mẹ. Những nắm cơm muối vừng theo cha ra đồng, theo các con đến trường học, theo bà đến những buổi chợ đầu hôm. Mẹ có tài nắm cơm khiến ai ăn cũng phải “mê”. Nhất là chị, người gắn liền với những nắm cơm của mẹ nhiều nhất trong gia đình.

Mẹ chị nắm cơm lúc vào đêm khuya để sáng mai cha đi sớm có cơm nắm mang theo lót dạ. Ngày bé, chị hay lon ton phụ mẹ những lúc làm cơm nắm nên thường được chỉ dẫn cách nắm cơm thế nào cho ngon. Bên bếp lửa, bóng mẹ đổ dài trên vách đất, nhóm lửa, cời than, xoay nồi theo từng công đoạn từ lúc cơm sôi cho đến khi cơm cạn nước và chín đều. Trong nhà, mẹ luôn có một chum gạo riêng để nấu cơm nắm. Đó là gạo được xay từ thóc của vụ mùa trước chứ không phải là gạo xay từ thóc mới. Cơm nấu đủ độ dẻo không nát, không khô quá. Những nắm cơm của mẹ có thể để đến hai ngày vẫn không thiu, ăn dẻo, thơm, quện với vị béo của muối vừng luôn khiến người ăn ngon miệng.

Đến tuổi đi học, trường xa, đi bộ, hành trang trong túi xách của chị bao giờ cũng có mo cau cơm nắm của mẹ. Cứ thế đi suốt cả tuổi ấu thơ, nắm cơm của mẹ là vật bất ly thân. Lớn lên, rời quê xa để lập nghiệp rồi lấy chồng làm dâu, chị rời xa vị cơm nắm của mẹ. Nhưng mỗi lần nhắc đến, ký ức lại ùa về, trở thành nỗi nhớ có lúc dịu ngọt, có lúc quay quắt. Mẹ giờ đã già nhưng vẫn rất dẻo tay để nắm cơm, vẫn lấy sào chọc mo cau rơi xuống đầu hè để làm mo đựng cơm nắm. Nhưng việc đó, mẹ làm chỉ là để đỡ buồn tay. Bởi con cháu bây giờ ít đứa ăn cơm nắm, chúng quen với vị bún, phở, mỳ nhiều hơn.

Ở thành phố, trên những gánh hàng quà ăn sáng bán rong vẫn có món cơm nắm bán cho những người ở lứa tuổi đã từng có tuổi thơ gắn liền với nắm cơm của mẹ. Dù những nắm cơm đó không dẻo, không ngon như những nắm cơm mẹ nắm ngày xưa, nhưng nó vẫn gợi nhớ gợi thương về sự tảo tần nắng mưa của mẹ, về lòng yêu thương của mẹ dồn nén vào những nắm cơm dẻo thơm ấy.

HUYỀN LY

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.