Không để xảy ra vụ việc bạo lực, xâm hại mà Hội không lên tiếng

Chia sẻ

Không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời là một trong các chỉ tiêu mà Hội LHPN Hà Nội đề ra. Và lên tiếng phải đúng và trúng thì giải quyết các vụ việc về phụ nữ và trẻ em mới đạt hiệu quả thực chất.

Đ/c Nguyễn Đức Khanh, Đội phó Đội 2, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội đề xuất xây dựng hòm thư tố giác, đường dây nóng hoặc trang web để phụ nữ được cập nhật và lên tiếng về các vụ việc.Đ/c Nguyễn Đức Khanh, Đội phó Đội 2, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội đề xuất xây dựng hòm thư tố giác, đường dây nóng hoặc trang web để phụ nữ được cập nhật và lên tiếng về các vụ việc.

Phát hiện vụ việc qua… tập thể dục buổi sáng

Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em được Hội LHPN Hà Nội tổ chức vừa qua đã ghi nhận nhiều giải pháp, ý kiến đánh giá, trao đổi trong vấn đề này.

Hà Đông là một trong 5 đơn vị đầu tiên làm điểm triển khai mô hình Hội đồng tư vấn. Đến giữa năm ngoái, mô hình Tổ tư vấn cũng đã được nhân rộng đến tất cả các phường. “Từ ngày có 2 mô hình trên, tất cả vụ việc đều được phát hiện kịp thời, từ đó, các thành viên vào cuộc chủ động giải quyết, liên tục báo cáo diễn biến. Có những vụ việc được phụ nữ phát hiện chỉ qua tập thể dục buổi sáng. Từ những câu chuyện nhỏ, tưởng như tầm phào, nhưng cán bộ phụ nữ lại nhìn được rằng, vẫn còn nhiều chị em cao tuổi bị bạo lực về tinh thần mà không dám nói ra. Có mô hình như có thêm người bạn, giúp chị em được cởi mở, trải lòng”- Chủ tịch Hội LHPN Hà Đông Lại Hà Phương bộc bạch.

Từ khi thành lập đến nay, Tổ tư vấn của quận Thanh Xuân, các điểm tư vấn pháp luật tại cơ sở và địa chỉ tin cậy cộng đồng đã hỗ trợ tư vấn và phối hợp giải quyết thành công được 7 đơn thư, 32 vụ việc, phần lớn về các vấn đề hôn nhân gia đình, phân chia tài sản sau hôn nhân, tranh chấp quyền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng… “Thế mới thấy, chị em có rất nhiều vấn đề mong được hỗ trợ giải quyết chứ không đơn giản chỉ là bị đánh mới báo với chúng tôi”- chị Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận bày tỏ.

Theo chị Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, vai trò của các Tổ tư vấn và các địa chỉ tin cậy tại cấp cơ sở rất quan trọng, bởi nếu làm tốt có thể giải quyết được vấn đề ngay một cách nhẹ nhàng, tình cảm, tránh diễn biến phức tạp, phải nhờ đến pháp luật.

“Để làm được điều đó, chúng tôi luôn mời những người có uy tín tại địa phương đến tư vấn cho phụ nữ, Chi hội trưởng phụ nữ cũng là thành viên của Tổ hòa giải tại cơ sở. Khi đó, người tư vấn là người nắm trúng địa bàn và nắm chắc kiến thức, cả lý lẫn tình, sẽ góp phần đạt hiệu quả cao trong giải quyết vụ việc”- chị Thúy nói. Đây cũng là cách làm được các Tổ tư vấn quận Tây Hồ triển khai, khi huy động các cán bộ nữ đã nghỉ hưu tham gia giải quyết vụ việc.

Tăng cường vai trò của tổ tư vấn

Từ năm 2018, các cấp Hội đã thực hiện chỉ đạo của Hội LHPN Hà Nội về xây dựng và vận hành mô hình hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Ở cấp Thành phố, thành lập Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Cấp quận/huyện và cơ sở thành lập các Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn. 2 mô hình này – với sự chung tay đóng góp của Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Công an TP, chính quyền và các sở, ngành, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ, lên tiếng kịp thời các vụ việc, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Và thật sự, nó đã mang lại nhiều đổi thay tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế. Hầu hết đại diện Hội LHPN các quận/huyện và cơ sở Hội đều thừa nhận một rào cản trong phát huy vai trò giải quyết thực chất các vụ việc về phụ nữ và trẻ em của 2 mô hình này là: Vẫn còn mang cái mác “chỉ là tuyên truyền”! Vì thế mà nó còn bị xem nhẹ, nguồn lực hỗ trợ về người và vật chất còn chưa tương xứng. Đôi khi, nó còn bị “phó mặc” cho tổ chức Hội - mặc dù, đây là sự phối hợp liên ngành. Vẫn còn một số khó khăn, hạn chế khác như: Một số cơ sở Hội chưa chủ động nắm bắt, phát hiện kịp thời vụ việc xâm phạm đến phụ nữ và trẻ em, còn chưa chủ động, lúng túng giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em…

“Thời gian tới, Hội đồng tư vấn, nhóm chuyên gia, Tổ tư vấn cần tích cực hơn nữa trong tham gia tư vấn, hỗ trợ các cấp Hội thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội xác minh, tư vấn, hỗ trợ, lên tiếng kịp thời, đề xuất các cơ quan giải quyết, kiên trì tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em một cách có hiệu quả, và hiệu quả thực chất!” - Chủ trì hội thảo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Bài và ảnh: MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.