Nghịch tử sát hại mẹ

Chia sẻ

Bị mẹ mắng là ham chơi, lười làm, Nguyễn Văn Cảnh (SN 1993, trú tại Mê Linh, Hà Nội) đã ôm oán hận trong lòng, rồi trong lúc có chút men rượu đã ra tay sát hại mẹ ruột của mình, bố và hàng xóm can ngăn cũng bị Cảnh đâm trọng thương…

Bị cáo Nguyễn Văn Cảnh tại tòaBị cáo Nguyễn Văn Cảnh tại tòa

Ngày 24/9, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Văn Cảnh (SN 1993, trú tại Mê Linh, Hà Nội) ra xét xử về tội “Giết người”. Bị hại trong vụ án là cha, mẹ và hàng xóm của bị cáo.

Phiên tòa diễn ra vào một buổi chiều ảm đạm. Ngồi lặng lẽ một mình dưới ghế dành cho người dự tòa, ông Nguyễn Văn Thanh, bố bị cáo Cảnh mắt đỏ hoe, khuôn mặt khắc khổ, thi thoảng quệt nước mắt. Người đàn ông lam lũ vân vê túi đựng nước ngọt và mẩu bánh mì nhấp nhổm nhờ dẫn giải viên đưa cho con trai. Nhưng… bị cáo không một lần ngoảnh lại nhìn bố…

Ông Thanh kể, từ ngày vợ mất, con đi tù, ông phải điều trị tích cực ở bệnh viện Việt Đức mấy tháng trời. Thời gian đó, con trai thứ hai của ông cũng bị loạn thần do dùng ma túy đá, phải điều trị ở bệnh viện Tâm thần trung ương. Cả đồng hoa bỏ bê không ai chăm sóc. Hai căn nhà ba tầng nằm cạnh nhau mà vợ chồng ông xây để chuẩn bị cho các trai lấy vợ cũng đìu hiu, lạnh lẽo. “Cả đời vợ chồng tôi chăm chỉ làm lụng, tích góp để lo cho các con. Giờ có nhà cao, cửa rộng thì các con đều chẳng ở” – nói rồi, ông gạt nước mắt.

Theo lời kể của ông Thanh, Cảnh là con trai cả. Khi Cảnh hơn 1 tuổi, vợ chồng ông xảy ra mâu thuẫn dẫn đến chia tay. Vợ ông bỏ vào Nam làm ăn, còn ông cũng nay đây mai đó, Cảnh được ông bà nội chăm sóc. Bốn năm sau, vợ ông về quê, nối lại hôn nhân với ông và có thêm cậu con trai thứ hai. Hằng ngày, vợ chồng ông làm hoa, chiều lại cắt hoa để tối mang đi bán, có hôm đến 2-3 giờ sáng mới được về. Hai đứa trẻ cứ tự lớn, không được quan tâm, chăm sóc đến nơi đến chốn. Trong cuộc sống hằng ngày, vợ chồng ông thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ nhau trước mặt con.

Cảnh từ bé đã lười học, ham chơi, đến lớp 10 thì nghỉ học. Trước Tết, Cảnh đòi mẹ mua một chiếc điện thoại khiến bà Bình trách mắng là đua đòi. Ôm tức giận trong lòng, Cảnh lên kế hoạch để giết mẹ.

Khoảng 10h ngày 6/2/2020, sau khi uống hết nửa chai rượu Vodka, Cảnh lấy dao gấp dài mua từ trước đó rồi đi xuống nhà để sử dụng đâm mẹ. Thấy mẹ đang bó hoa chuẩn bị đi chợ, Cảnh dùng dao đâm liên tiếp vào gáy, lưng mẹ. Bà Bình bị đâm bất ngờ, vội ôm vết thương chạy ra cổng nhà kêu cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã gục ngay sát trụ cổng. Nghe tiếng kêu của vợ, ông Thanh ở gần đó can ngăn cũng bị Cảnh đâm nhiều nhát.

Ông Thanh bỏ chạy, Cảnh vẫn tiếp tục cầm dao truy đuổi. Bà Lương Thị Vang (hàng xóm) sang can ngăn cũng bị chém hai nhát vào vùng đầu. Gây án xong, Cảnh lấy xe máy bỏ trốn đến chiều 7/2/2020 thì bị Công an huyện Mê Linh bắt giữ. Bà Bình tử vong tại chỗ, ông Thanh và bà Vang được đưa đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện nên không tử vong.

Tại phiên tòa, vị thẩm phán hỏi: “Tại sao bị cáo lại giết mẹ và chém bố?”. Bị cáo bình thản nói: “Do bị cáo bực tức và ghét mẹ. Ở nhà, mẹ bị cáo lúc nào cũng bảo bị cáo lười biếng, không giúp được gì cho gia đình. Bị cáo buồn và thấy mình vô dụng”.

“Thế bị cáo có giúp bố mẹ việc nhà không?” - “Không ạ” - bị cáo trả lời. “Không chủ động kiếm việc làm, lại không giúp đỡ bố mẹ, như vậy có được không?” - Tòa hỏi. Bị cáo cúi đầu im lặng.

Tòa hỏi căn nguyên sâu xa dẫn đến việc ra tay tàn độc và đến cùng như vậy, bà Vang nói, bị cáo thiếu thốn tình cảm gia đình từ bé. Bố mẹ lại quá ham làm, kiếm tiền nên không sát sao giáo dục con. Khi con bị rủ rê, sa vào tệ nạn, mắng chửi bố mẹ… thì bố mẹ bị cáo chỉ mắng mỏ mà không giáo dục hoặc nhờ địa phương can thiệp vì sợ xấu hổ. “Sự việc hôm nay một phần cũng do lỗi của bố mẹ cháu bé đã không giáo dục cháu đến nơi đến chốn” - bà Vang nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho bị cáo cho rằng, căn nguyên dẫn đến sự việc đau lòng bắt nguồn từ cách giáo dục không phù hợp của gia đình kết hợp bị cáo có sử dụng chất kích thích nên tâm lý bất ổn. Gia đình neo đơn, các bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên luật sư đề nghị tòa giảm án cho bị cáo. HĐXX nhận thấy, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, sát hại người sinh thành ra mình, truy sát đến cùng, việc bố bị cáo không chết nằm ngoài mong muốn của bị cáo… nên tuyên phạt bị cáo mức án Tử hình.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Trịnh Hòa Bình cho biết, sự việc trên là hệ quả của một quá trình tích tụ lâu dài. Bị cáo thiếu thốn tình yêu thương, lại trưởng thành trong một môi trường gia đình bất hảo như bố mẹ không quan tâm con cái, thường xuyên mâu thuẫn, cách giáo dục không phù hợp… nên khi lớn lên, bị cáo mất đi cơ sở cội nguồn yêu thương. Vì thế, cha mẹ hãy dành thời gian cho con, giúp con thay đổi nhận thức hành vi, đừng chỉ cho con vật chất mà hãy dành thời gian để chăm sóc, giáo dục, khơi dậy tình yêu thương trong con, giúp con định hướng về hành vi trong cuộc sống hằng ngày. Cha mẹ đừng để con lớn lên trở thành một người vô cảm với cả tình thân.

Bài và ảnh: QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Xét xử cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng: Nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca nhận tội nhưng không nhận lừa tiền

Bị cáo Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước toà, bị cáo thừa nhận cáo trạng mô tả hành vi phạm tội của mình là đúng, phù hợp với kết luận điều tra nhưng khi nói lời sau cùng lại khẳng định không lừa tiền vợ chồng Đước.