Nông sản Việt rộng đường vào thị trường châu Âu

Chia sẻ

Tuần qua, liên tiếp các chuyến hàng gạo, cà phê, thanh long, chanh leo của Việt Nam xuất sang các nước châu Âu với thuế suất 0% mang đến cho doanh nghiệp và nông dân nhiều kỳ vọng vào thị trường lớn này.

Lễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm của Việt Nam sang châu ÂuLễ công bố xuất khẩu lô gạo thơm của Việt Nam sang châu Âu

Rộn ràng khi thuế về 0%

Ngày 22/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời công bố xuất khẩu lô hàng 126 tấn gạo thơm sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Lô gạo thơm giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg, đáp ứng tiêu chuẩn của Nghị định 103/NĐ-CP, ngày 4/9/2020 của Chính phủ quy định về Chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Đây là lô hàng gạo đầu tiên xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế 0% theo EVFTA, sau mặt hàng cà phê, ca cao Tây Nguyên và dừa Bến Tre.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn đã ý thức rõ việc hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này cần đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng. Với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và năng lực sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chuẩn cao cấp, Tập đoàn sẽ nỗ lực tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà Nhà nước mang lại, đưa hạt gạo Việt Nam nói riêng và nông sản Việt nói chung đến các nước trên thế giới.

Cũng theo chia sẻ của ông Huỳnh Văn Thòn , Tập đoàn đang triển khai lộ trình tiến tới mục tiêu vào năm 2024 tiêu thụ 1 triệu tấn gạo thông qua xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 Hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp.

Với nhận định thị trường EU có tiềm năng lớn, với dân số hơn 500 triệu người, sức mua rất lớn. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, có 80.000 tấn gạo, trong đó có 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam sẽ được EU áp thuế nhập khẩu bằng 0%.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) khẳng định: “EU là thị trường có tiêu chuẩn hàng hoá rất khắt khe về mặt chất lượng nên sự kiện xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên vào EU lần này rất có nghĩa với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam, khẳng định chất lượng và thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới”.

Vì vậy, để tận dụng lợi thế này trong thời gian tới, ông Doanh cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần nắm chắc các nội dung của cam kết trong Hiệp định EVFTA cùng yêu cầu mà EU đưa ra với từng mặt hàng gạo, nhất là vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Đối với 30.000 tấn gạo thơm, ông Doanh cho biết, EU yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận về tính đúng giống nên các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát để minh bạch và trung thực trong việc thực hiện quy định này. Doanh nghiệp phải liên kết sâu rộng với các địa phương và các hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất lớn, tập trung, áp dụng đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ quy trình canh tác, quy trình thu hoạch để tự tin đáp ứng các yêu cầu mà thị trường EU đã đề ra.

Dư địa vào EU còn rất lớn

Chiều 17/9, tại Bến Tre, lô hàng trái cây theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã lên đường đến EU. Lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Tập đoàn Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, năm 2019, doanh số xuất khẩu trái cây tươi sang EU của doanh nghiệp là 6,45 triệu USD và kỳ vọng sẽ tăng 20% nhờ EVFTA. Ông Tùng nhận định: "Trước khi có EVFTA, tại EU, trái cây Việt có giá khá cao so với các nước: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia… Từ nay, nhờ thuế giảm nên các nhà nhập khẩu sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam."

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của rau quả Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá dư địa xuất khẩu trái cây sang EU rất lớn do sản phẩm 2 bên có tính bổ trợ theo điều kiện đặc thù nên không phải cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, cũng lưu ý, EU mở cửa về thuế quan với các yêu cầu rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật nên người nông dân và doanh nghiệp cần hiểu cặn kẽ các yêu cầu như: Chất lượng, an toàn thực phẩm, phân bón và xuất xứ. Hơn nữa, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng các yêu cầu thị trường.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Bộ Nông nghiệp & PTNT đánh giá việc thuế ưu đãi xuất khẩu về 0% đang mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng nông sản Việt chinh phục thị trường quy mô GDP 18.000 tỷ USD.

Đáng lưu ý cho doanh nghiệp, khi làm thủ tục với các đối tác tại châu Âu, sẽ có danh mục chi tiết về sản phẩm như: Vùng trồng, giống, kỹ thuật trồng, vệ sinh an toàn thực phẩm, quyền con người, chính sách cho người lao động. Các nước EU rất đề cao tính trung thực nên ban đầu sẽ không kiểm tra, chỉ khi hàng qua đó sẽ bắt đầu kiểm tra và nếu vi phạm một yêu cầu nào, họ sẽ tiến hành điều tra. Nếu doanh nghiệp không trung thực, họ sẽ trả lô hàng và doanh nghiệp sẽ nhanh chóng vào danh sách “đen”, chấm dứt cơ hội vào thị trường này.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau: