Lồng đèn giấy

Chia sẻ

Xóm nằm trong hóc núi, nghèo xơ nghèo xác. Người lớn tối ngày lo lên rẫy, ra đồng bươn chải kiếm cái ăn. Lũ nhỏ ở nhà ngoài giờ học muốn chơi gì thì chơi không ai quan tâm.

1

Xóm nằm trong hóc núi, nghèo xơ nghèo xác. Người lớn tối ngày lo lên rẫy, ra đồng bươn chải kiếm cái ăn. Lũ nhỏ ở nhà ngoài giờ học muốn chơi gì thì chơi không ai quan tâm. Kể cũng sướng: được tự do. Nhưng thiệt thòi ở chỗ chẳng có gì nhiều để chơi. Quanh đi quẩn lại toàn mấy trò “cổ điển” như chơi ô, đánh chuyền, nhảy dây. Chán lại thẩn thơ ra rào hái hoa, rình bắt ve ve hoặc bươm bướm, chuồn chuồn. Thú vị nhất là khi vớ được con bổ củi hoặc một gã bọ hung. Bọ hung cứ lấy que lật ngửa cho nằm kềnh lưng dán đất, chân chổng lên trời rồi ngắm hắn tuyệt vọng ngo ngoe. Anh bổ củi thì thú vị hơn: dùng ngón tay đè sấp anh lên mặt gỗ anh sẽ gồng người dùng đầu… bổ bôm bốp xuống mặt gỗ hệt như người ta bổ củi, ghê không?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngoài mấy thứ “đồ chơi” do cây cối, núi rừng tặng cho, lũ nhỏ muốn chơi thêm thứ gì khác đều phải hì hụi tự làm. Tự dán diều, tự thắt (tết) chong chóng hoặc chế xe lăn… Đã bảo dân xóm núi nghèo, tiền đâu bỏ ra mua đồ chơi, mà giả dụ có tiền mua ở đây cũng không ai bán! Vậy nên trời sinh con nít xóm núi đứa nào cũng tháo vát. Còn hỏi, không tháo vát thì chỉ có nước… nhịn thèm, biết lấy gì chơi? Con Thơ chẳng hạn, là “chuyên gia” vót que chuyền; que nó vót chiếc nào chiếc nấy đều tăm tắp, tròn vo cứ như lén trộm đũa ăn cơm của mẹ đem chơi. Thằng Đẹt lại là “tổ sư” môn làm diều giấy. Con diều do tay nó dán chắc cú luôn bay bình ổn, lên cao tới hết dây, không bao giờ có hiện tượng “đảo” hoặc… không bay. Anh em thằng Tín, con Tiên lại “nghề” môn nặn đất sét. Từ bọ ngựa, chim chóc, gà vịt tới nhà cửa, xe cộ… món nào anh em nó làm xong trông cũng cứ y như thật, đẹp mê li. Tóm lại, mỗi đứa một tài. Thì đây, so với bạn bè nó cũng không chịu thua. Có điều, tài năng của nó thể hiện trong một lĩnh vực rất ư là… đặc biệt, không phải mấy chuyện chơi thường ngày đâu. Tài ấy, lũ bạn xóm núi đừng đứa nào mong theo kịp. Vậy nên nó thấy tự hào lắm lắm. Ừ, thả diều, nặn đất sét hay chơi đánh chuyền thì quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có thể chơi. Chỉ Trung Thu là mỗi năm duy nhất có một…

2

Cái tài của nó, bật mí luôn cho nhanh, là… làm lồng đèn Trung Thu!

Lồng đèn (tự chế) đương nhiên xóm núi đứa nào cũng biết làm. Không biết cũng phải ráng học, ráng làm nếu muốn có cái để chơi Trung Thu. Tận dụng mọi thứ có thể mà làm: từ vỏ chai nhựa, vỏ lon bia tới giấy màu, giấy trắng cắt, gập, dán và vân vân. Giấy bạc tận dụng từ vỏ bao thuốc lá. Giấy bóng kính được lột, xếp cất kĩ từ những gói quà “sang chảnh” hiếm hoi lâu lâu dưới phố gửi lên. Nhà nó ưu điểm hơn nhà khác ở chỗ: anh chị em trong nhà ai cũng học giỏi. Vậy nên năm nào tổng kết cuối năm cũng lãnh thưởng. Số giấy bóng, giấy hoa gói phần thưởng đương nhiên là nguồn “chiến lợi phẩm” phong phú mà nó không bao giờ quên thâu tóm, “nhập kho” tất tật dành làm lồng đèn. So với bầu bạn trong hội lồng đèn Trung Thu, “kho nguyên liệu” của nó luôn thuộc hàng phong phú nhất. Vậy nhưng đâu phải cứ “nguyên liệu” nhiều là ra được lồng đèn đẹp; cái ấy còn phụ thuộc tài năng nữa chớ! Vụ này thì nó tự tin. Gì chớ cảm giác được làm “thủ lĩnh” trong “đêm hội lồng đèn” vì có công chế tác chiếc lồng đèn đẹp nhất đương nhiên rất chi là… đã. Không ít đứa ghen tị, gièm pha, thậm chí còn âm mưu soán ngôi “thủ lĩnh” nhưng đều toi công. Mơ làm được chiếc lồng đèn đẹp hơn nó ư? Còn lâu! Anh Ba lại toan “dìm hàng” nó theo hướng… phủ định tài năng. “Nhờ giấy kính, giấy hoa của tao nên lồng đèn mầy mới đẹp á!”. Nó gân cổ: “Giấy kính giấy hoa đây, anh thử làm cho đẹp bằng em đi!”. Anh Ba đuối lí, phì cười…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trung Thu lại sắp đến. Năm nay, nó ấp ủ dự định sẽ chế tác một kiểu lồng đèn độc chiêu, đảm bảo không “đụng hàng” với ai, cũng không lặp lại các mẫu lồng đèn năm trước. Ấy là một kiểu lồng đèn chỉ sử dụng toàn giấy, cắt thành những bông hoa nhỏ sáu cánh. Đem dán ghép các cánh hoa lại cùng nhau – cứ mỗi hoa này kết nối cùng ba hoa khác – sẽ tạo thành chiếc lồng đèn bự chảng, tròn vo như quả trăng rằm treo lơ lửng trên cao. Độc đáo ở chỗ mặt ngoài lồng đèn không nhẵn nhụi như trăng mà zích zắc những đường viền do các cánh hoa kết nối tạo nên. Màu sắc lồng đèn cũng sẽ sặc sỡ, lung linh nhờ “hoa” được cắt bằng đủ loại giấy trắng xen lẫn giấy màu; còn trang trí thêm bằng “phụ liệu” giấy kính, giấy bạc. Chắc cú hoành tráng. Chỉ có một vấn đề khiến nó hơi đau đầu là “công trình” sẽ ngốn một lượng giấy vô cùng lớn, e cái “kho” của nó không đáp ứng đủ. Đào thêm giấy đâu ra? Đừng nghĩ chuyện xin tiền mẹ mua giấy cho mất công. Lén xé vở đang học lại càng có nguy cơ… nát đít! Nghĩ mãi nghĩ mãi, cuối cùng cái đầu (hơi thông minh) của nó cũng lóe ra phương án. Chẳng phải “ngon ăn”. Là “liều mạng” thôi. Hậu quả nếu có tính sau. Trong nhà, anh Ba con trai một nên mẹ cưng anh nhất…

3

Chưa “lên khuôn” thì vẫn hãy còn trong vòng bí mật. Chỉ thấy những bông hoa giấy đủ màu nó cắt ngày một nhiều thêm, đựng nguyên cả thúng to. Chị Tư nghi ngờ: giấy ở đâu mà mày làm dữ, đững (đừng) nói xé vở nha… Làm gì có, nó cười toe, là em góp giấy để dành, với… xin thêm mấy đứa bạn! Bạn nào mà tốt bụng với mày dữ? Ơ, thì mấy đứa bạn… cùng lớp! Mà chị hỏi chi kĩ, em có lấy giấy của chị đâu? Chị Tư lườm lườm nhìn nó, xong vô bàn học cẩn thận lục lại lục đi mấy chồng vở săm soi. Nó cười thầm…

Tập trung ráp nối mất ba ngày. Không thể dán nhanh bởi phải chờ mối nối trước khô keo mối sau mới có thể dán tiếp. “Bí mật nghề nghiệp” nên nó đem vô phòng sập cửa lại, ai kêu mở cũng không. Tính nó thích chỉn chu. Chờ xong xuôi hẳn rồi hãy “trình làng”. Đại loại vậy, nhưng vẫn còn một lí do khác khiến nó không thích mẹ hoặc anh Ba nhìn cái lồng đèn dở dang của nó rồi sinh chứng vặn vẹo…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Xong. Y như nó dự đoán: mĩ mãn thành công! Cái lồng đèn đúng bự, hệt như quả trăng rằm vừa ló rạng đằng Đông. Tuyệt nhất là ban đêm, có ánh nến rọi từ trong ra nhìn “quả trăng rằm” lại càng lung linh kì diệu. Gió thổi, lồng đèn nhẹ xoay, tuần tự tỏa sáng đủ màu đỏ, tím, vàng, xanh… y theo màu giấy cắt các bông hoa. Những tua, ngù kim tuyến, ngân tuyến bắt sáng lung linh càng làm huyền ảo thêm cái không gian đổi sắc liên miên vốn dĩ đã quá chừng “cổ tích”. Chưa đem ra mắt “hội lồng đèn” cũng đã biết ngay: đường nào chẳng nhất? Mà không; phải nói nhất từ trước tới nay luôn mới đúng! Xóm núi làm ra được chiếc lồng đèn như vậy chắc chắn là kì tích. Cũng phải thôi, tâm lực nó “đầu tư” vào đó có ít đâu - chưa kể nỗi lo về hành vi “phi pháp” nó buộc phải ra tay để đủ nguyên vật liệu làm chiếc lồng đèn…

Mà thôi, chuyện ấy tính sau, giờ tận hưởng niềm vui cái đã. Mai Trung thu rồi!

4

Con Năm đâu, dậy mau!!

Nó lăn qua lăn lại một hồi vẫn nhắm tịt mắt. Đêm qua chơi Trung thu vui quá, khuya lắc khuya lơ mới về.

Dậy, dậy! Giọng anh Ba nghe nhảy dựng.

Nó ráng hé đôi mắt cay xé, thấy anh Ba đang đứng cạnh giường. Tự nhiên, linh cảm “chẳng lành” khiến nó bật tỉnh rụi.

- Mày… trộm giấy của tao đi làm lồng đèn phải không?

- Em… ơ… em… suỵt, (hạ giọng), anh nói nhỏ thôi không mẹ nghe á! Là em… mượn. Cuối năm em lãnh thưởng trả lại…

- Trả gì mà trả? Mày “mượn” mày hỏi tao chưa? Dám tự tiện “chôm” còn leo lẻo…

- Hông, em mượn thiệt mà! Tại em hỏi sợ anh hông cho, hic…

- Mày to gan lắm, vở học của anh mà cũng dám đụng vô. Để tao đi mách mẹ…
Khỏi phải mách, mẹ nghe rồi…

Nó rụng rời. Cứ tưởng còn cơ hội nhỏ to “thương lượng” với anh Ba. Vụ này mới thật hết phép. Tưởng tượng tới trận lôi đình của mẹ, hai mông nó chưa ăn roi nào đã tự dưng thấy buốt. Vậy nhưng, kì lạ, sao hôm nay giọng mẹ nghiêm nghị mà vẫn… hiền khô. Cái án của “cô” tôi biết rồi, tạm “treo” đó chờ phạm tội khác sẽ xử luôn một thể. Giờ ra rửa mặt rồi ăn sáng! Nó mừng như cha chết sống dậy, dạ một tiếng rõ to, phóng xuống giường chạy thẳng ra sân. Mẹ nhìn lại nhìn đi chiếc lồng đèn treo lủng lẳng ngoài hiên xong chép miệng, nói nhỏ với anh Ba:

- Cái lồng đèn làm khéo chớ bây! Coi lại, con Năm nó có hoa tay thiệt tình…

Truyện ngắn - Y NGUYÊN

 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.