Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ đảo lộn vì COVID-19

Chia sẻ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng một loạt phụ tá và đồng minh chính trị mắc COVID-19 đã khiến chiến dịch tái tranh cử của ông đảo lộn khi mà ngày bầu cử 3/11 đã sắp tới gần.

Sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, Tổng thống Trump đã phải nhập viện. Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông là Bill Stepien, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel đều nhiễm virus. Tất cả các cuộc vận động và gây quỹ theo kế hoạch với sự tham gia của Tổng thống và gia đình đều bị gác lại. Khả năng Tổng thống Trump tham gia cuộc tranh luận tiếp theo với đối thủ Joe Biden vào ngày 15/10 cũng chưa chắc chắn.

Tổng thống Trump mắc COVID-19Tổng thống Trump mắc COVID-19

Ông Trump mắc bệnh khi tỷ lệ ủng hộ luôn thấp hơn ông Biden và cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ còn khoảng một tháng. Ông đã rơi vào thế mà ông muốn tránh nhiều tháng qua: Đối diện với cuộc bầu cử mà đại dịch COVID-19 là chủ đề chính.

Cử tri ở 35 bang đã sẵn sàng bỏ phiếu, cử tri ở các bang giao động như Arizona, Iowa, New Hampshire và Ohio sẽ bỏ phiếu trong tuần này. Như vậy, hàng triệu lá phiếu sẽ được bỏ khi mà ông Trump đang nhiễm COVID-19.

Khả năng ông Trump tìm ra biện pháp để thu hẹp khoảng cách với đối thủ Biden trong các khảo sát quốc gia hay khảo sát ở bang giao động không nhiều. Ông Biden đã gây quỹ được một số tiền khổng lồ trong tháng 9, thậm chí còn vượt cả số tiền kỷ lục 365 triệu USD trong tháng 8.

Điều này cho thấy ông Biden rõ ràng là người dẫn đầu trong cuộc đua gây quỹ cho tới ngày 3/11, giúp ông có nhiều tiềm lực để vượt ông Trump về số tiền chi cho quảng cáo tranh cử.

Ông Corey Lewandowski, giám đốc chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump, nhận định: “Chúng ta lại quay lại thời điểm tháng 3 và 4, khi Tổng thống giao tiếp qua điện thoại với cử tri và nói chuyện với mọi người qua mạng xã hội và truyền hình. Đây sẽ là một chiến dịch rất khác”.

Tổng thống Mỹ và vợVợ chồng Tổng thống Mỹ đêu mắc Covid-19

Việc ông Trump mắc COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới chiến dịch tái tranh cử mà còn có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho tiền đồ chính trị của ông.

Các chuyên gia nhận định nếu Tổng thống Trump có diễn biến bệnh tình nặng, ông có thể không đủ năng lực điều hành Nhà Trắng tới hết nhiệm kỳ. Hiện ông có thể làm việc tại bệnh viện nhưng vẫn chưa thể loại trừ khả năng triệu chứng bệnh nặng hơn. Tổng thống Trump đã 74 tuổi, hơi béo phì và thuộc nhóm tuổi có nguy cơ cao.

Nếu trường hợp đó xảy ra, Phó tổng thống Mike Pence sẽ trở thành quyền tổng thống cho tới khi ông Trump bình phục và trở lại Nhà Trắng.

Thậm chí, nghiêm trọng hơn, ông Trump có thể mất vị trí ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Trong trường hợp đó, ông Pence sẽ là người thay thế để tranh cử tổng thống với ông Biden vào ngày 3/11. Khi đó tình hình sẽ vô cùng phức tạp vì nhiều cử tri đã bỏ phiếu sớm và các lá phiếu đều đã in tên ông Trump.

Điều có thể xảy ra ngay là tác động tới sự ủng hộ của cử tri dành cho Tổng thống Trump. Cử tri Mỹ vốn đã đánh giá thấp ông trong việc xử lý đại dịch COVID-19 vì thế khi chính ông mắc COVID-19, cử tri sẽ lại tập trung vào vấn đề này và khả năng triển vọng tái đắc cử của ông sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều người sẽ nhớ lại những nhận định, bình luận đánh giá thấp đại dịch của ông Trump. Tại cuộc tranh luận lần thứ nhất, ông Trump từng chế giễu đối thủ vì đeo khẩu trang: “Tôi không đeo khẩu trang như ông ấy. Mỗi lần các bạn nhìn thấy ông ấy, ông ấy lại đeo khẩu trang”.

Tuy nhiên, cũng có một khía cạnh tích cực có thể xảy ra sau khi ông Trump mắc COVID-19. Trong thời điểm đất nước bị xáo trộn, công chúng Mỹ thường có xu hướng ủng hộ Tổng thống. Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhận Melania sẽ được người dân cảm thông và cầu nguyện họ sớm vượt qua khó khăn sức khỏe.

Nếu phe Dân chủ và những người chỉ trích ông Trump tỏ ra hồ hởi theo kiểu “Tôi đã nói rồi mà” và vui mừng khi đối thủ gặp nghiệp chướng chính trị, họ cũng gặp rủi ro mất sự ủng hộ của cử tri vì tỏ ra nhẫn tâm và thờ ơ với cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ đang gặp phải.

Trên 200.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19. Gia đình, bạn bè họ không ai muốn họ bị chỉ trích vì đã mắc và tử vong vì căn bệnh này.

Nói tóm lại, hiện vẫn còn quá sớm để nhận định ảnh hưởng của việc Tổng thống Trump mắc COVID-19. Tất cả còn phụ thuộc vào diễn biến bệnh tình của ông. Trong khi đó, những người đại diện cho Tổng thống Trump khẳng định vẫn sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch trong chiến dịch tranh cử. Phó Tổng thống Mike Pence, người mà qua xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19 sẽ xuất hiện trong cuộc vận động vào ngày 8/10 ở Arizona.

                                                                                     Dương Thùy (theo CNN)

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.