Điểm chuẩn tăng cao, thí sinh điểm cao vẫn trượt

Chia sẻ

Đã có 110 trường đại học công bố điểm chuẩn năm 2020. Thực tế cho thấy nhiều thí sinh điểm xét tuyển vào trường ở top cao nhưng vẫn bị trượt nguyện vọng 1, 2 bởi mức điểm chuẩn năm nay khá cao.

Điểm chuẩn đại học năm nay cao đột biến đã khiến nhiều thí sinh tức tưởi vì điểm cao vẫn trượtĐiểm chuẩn đại học năm nay cao đột biến đã khiến nhiều thí sinh tức tưởi vì điểm cao vẫn trượt

29,5 điểm ngỡ chắc đỗ mà vẫn... trượt

Sau khi trường ĐH Bách khoa công bố điểm chuẩn, Nguyễn Hoàng Phương (Sơn Tây, Hà Nội) và bố mẹ đều không giấu được thất vọng vì Phương trượt nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành Khoa học máy tính. Trong khi, số điểm của Phương đạt được là 29 điểm.

"Thấy con trai có điểm thi cao, cộng cả điểm khu vực đạt 29 điểm, cả nhà tôi đều tin tưởng và phấn khởi nghĩ rằng con sẽ đỗ nguyện vọng 1 vào ngành mà con chọn, nhưng khi trường công bố điểm chuẩn lấy 29,04 điểm ngành này, cả cháu lẫn gia đình tôi đều hụt hẫng. Số điểm này tăng 1,62 điểm so với năm ngoái (27,42 điểm)".

Những việc cần làm sau khi biết điểm chuẩn 2020

Sau khi biết điểm chuẩn 2020, các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 lưu ý vẫn có thể làm theo 2 cách sau để tiếp tục xét tuyển: Xét tuyển dựa theo kết quả học bạ THPT; Xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong đó, hãy tìm hiểu thông tin tuyển sinh đợt 2 của các trường đại học còn xét tuyển theo kết quả học bạ THPT. Nếu thí sinh xem xét, cân nhắc thấy điểm học bạ của mình đủ điều kiện có thể nộp để xét tuyển đợt này. Ngoài ra, các trường thiếu chỉ tiêu sẽ công bố những ngành còn thiếu sinh viên. Sĩ tử tìm hiểu thông tin trên website các trường đại học và đảm bảo nộp tuyển nguyện vọng bổ sung theo thời gian Bộ GD-ĐT quy định. Với các thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, cần xem lại danh sách trúng tuyển và các chỉ tiêu phụ, bởi năm nay, điểm chuẩn tăng cao, nhiều trường sẽ phải xét thêm tiêu chí phụ bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Nếu thí sinh đã đủ điều kiện nhập học cần có kế hoạch nhập học vào đúng trường đại học mình đã trúng tuyển.

Với nữ sinh Nguyễn Thu Châu (quận Tây Hồ, Hà Nội), ước mơ học ngành Sư phạm Toán học dạy bằng tiếng Anh (tổ hợp A00) tại đại học Sư phạm Hà Nội đã "tan thành mây khói" khi thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn của trường.

Điểm xét tuyển của Châu đạt 27,5 (số điểm khá cao so với nhiều thí sinh các năm trước của ĐH Sư phạm Hà Nội) nhưng điểm chuẩn của ngành Sư phạm Toán học dạy bằng tiếng Anh là 28 điểm.

Lần đầu tiên khối C lấy điểm chuẩn 30 điểm

Tính tới thời điểm này đã có hơn 100 trường đại học công bố điểm chuẩn. Nhìn bảng điểm của các trường, không khó để thấy điểm chuẩn nhiều trường tăng so với năm ngoái từ 1 - 3 điểm.

Bất ngờ nhất là trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Khoa Hàn Quốc học của trường này lấy điểm chuẩn 30 điểm - là trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước. Lý do khiến ngành này có mức điểm cao ngất ngưởng, theo lãnh đạo nhà trường, đây là ngành mới, chỉ có 50 chỉ tiêu nhưng đã có 30 chỉ tiêu tuyển thẳng. Trong khi đó, qua điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy nhiều thí sinh đạt 27 - 28 điểm. Khi xét tuyển đại học, các thí sinh này được cộng thêm điểm ưu tiên nên khả năng số thí sinh 29 - 29,5 điểm cũng nhiều. Do đó, ngành này phải lấy điểm chuẩn tới 30 điểm.

Ghi nhận từ PV cho thấy, mức điểm chuẩn tăng vọt của nhiều trường khiến các thí sinh ngỡ ngàng, đặc biệt ở khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật - Công nghệ, Y - Dược.

Dẫn chứng đối với trường top giữa là đại học Thương mại, năm nay điểm chuẩn các ngành đều dao động ở mức 24 đến hơn 26 điểm. Trong khi năm ngoái, mức điểm chuẩn chỉ trong khoảng từ 22 đến 24, và cũng chỉ có duy nhất một ngành có mốc điểm chuẩn 24. Điểm khá thú vị là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường ĐH Thương mại năm 2019 chỉ bằng đúng ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm 2020.

Năm nay, ngành Marketing có mức điểm chuẩn cao nhất trường ĐH Thương mại với 26,7 điểm; xếp ngay sau đó là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 26,5 điểm.

Hay với trường Trường ĐH Y Hà Nội, điểm chuẩn năm 2020 cũng tăng từ 2,15 đến 3,35 điểm, tăng mạnh nhất là ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa (3,35 điểm) và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (3,3 điểm).

Điểm cao vẫn trượt do cả thí sinh lẫn trường đại học

Thầy giáo Đỗ Quang (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, năm nay xảy ra tình trạng các thí sinh điểm thuộc “top” cao 26 – 28 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng. Thậm chí có thí sinh đạt 25 điểm nhưng… trượt cả 5 nguyện vọng.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là việc các trường ngày càng tuyển sinh bằng nhiều phương thức cũng đã đẩy điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tăng vọt. Bởi khi số chỉ tiêu đã được lấp dần bởi các phương thức khác, số dành cho phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT chắc chắn bị co hẹp.

"Các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường những năm trước lấy mức điểm tương đương hoặc thấp hơn điểm thi của mình, do đó năm nay các trường đều nâng điểm chuẩn từ 1- 3 điểm nên bị trượt".
GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt các nguyện vọng, là do học sinh không lưu tâm đến những cảnh báo về điểm chuẩn năm nay.

“Điểm thi cao nên thí sinh rất dễ ảo tưởng. Khi đăng ký nguyện vọng, nhiều em có thể chủ quan, chỉ tập trung các ngành hot mà không có những nguyện vọng thấp hơn để dự phòng. Rất nhiều người đã dự đoán điểm chuẩn 2020 cao kỷ lục, phải đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng thí sinh không lưu tâm” - GS Tuấn cho hay.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.