Chủ động tránh thai để chủ động tương lai

Chia sẻ

“Các chị em phụ nữ hãy chủ động ngừa thai để đảm bảo sức khỏe và chủ động cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nam giới rất cần chia sẻ với vợ trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) an toàn để giảm áp lực cho vợ và giữ gìn hạnh phúc gia đình” – GS.TS.BS Võ Minh Tuấn, giảng viên cao cấp bộ môn Sản phụ khoa, BV ĐH Y Dược nói.

62% ca nạo phá thai ở phụ nữ có chồng là ngoài ý muốn

Để phòng tránh thai, nhiều phụ nữ, trong đó có những phụ nữ trẻ đã “truyền tai” nhau các BPTT “tự chế”, dẫn đến không thể ngừa thai mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số phương pháp tránh thai truyền thống mà chị em vẫn truyền tai nhau như: xuất tinh ngoài, thụt rửa âm đạo sau khi quan hệ, canh ngày rụng trứng để quan hệ tình dục… có rủi ro cao. Nhiều chị em bị “vỡ kế hoạch” khi thực hiện các BPTT này.

Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn tin rằng, uống nước dừa hoặc ăn một số thực phẩm như cà rốt, cà phê, đu đủ… thì sẽ tránh có thai ngoài ý muốn. Điều này hoàn toàn không đúng bởi thực tế vẫn có khả năng thụ thai như thường. Một số người, đặc biệt là các bạn trẻ sau khi quan hệ còn dùng chanh, giấm để tránh thai… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo báo cáo tại lễ kỷ niệm lần thứ 13 ngày Tránh thai Thế giới (26/9) vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế tổ chức với thông điệp “Chủ động tránh thai, chủ động tương lai”, hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25...

Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, mặc dù, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, các kết quả điều tra cho thấy nhu cầu chưa được đáp ứng về BPTT hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 15-24 là 29,6%. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thành niên còn cao. Phá thai lặp lại còn khá phổ biến, tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. Theo kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê: Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.

“Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau, dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa” – Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú đánh giá.

Tránh thai là trách nhiệm của cả vợ và chồng!

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS.BS Đỗ Minh Tuấn khuyên, trước khi quan hệ tình dục, các bạn trẻ hãy tìm hiểu về các BPTT an toàn để chủ động hơn trong cuộc sống của mình. “Chúng tôi từng chứng kiến những bạn sinh viên sau khi mang bầu, sinh con rồi vì không có khả năng chăm sóc, sợ bố mẹ biết, bị bạn trai bỏ rơi… dẫn đến việc vứt con vào thùng rác, bỏ con trước cổng chùa… Ở phương Tây, việc ngừa thai phải 50% là nam, 50% là nữ giới. Khi gia đình đã sinh đủ con, họ thống nhất dừng sinh con thì nam giới sẽ tình nguyện đi triệt sản hoặc cùng vợ thực hiện các biện pháp tránh thai như sử dụng bao cao su để giảm áp lực tránh thai cho vợ” – GS.TS.BS Đỗ Minh Tuấn cho biết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Còn theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú, việc vợ chồng hiểu được tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Vì phòng tránh thai giúp hạn chế số con, không sinh quá nhiều để có điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, qua đó nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình.

Thực tế hiện nay, đa số chỉ có phụ nữ mới sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. TS.BS Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, trong giai đoạn từ 2002-2018, hơn 3/4 phụ nữ có chồng từ 15-49 tuổi sử dụng 1 BPTT. Tỷ lệ sử dụng các BPTT truyền thống có xu hướng giảm, trong đó, tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại tăng đều từ 41,3% năm 1993 lên tới 66,5% năm 2018. Những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng vòng tránh thai đã giảm dần từ 55% năm 2005 xuống còn 44,6% năm 2018, đồng nghĩa với tỷ lệ sử dụng bao cao su và viên uống tránh thai ngày càng tăng. Hầu hết các các BPTT trên đều do vợ “đảm nhận”, trong khi thực tế, đa số các ông chồng không thực hiện BPTT nào. Một điều tra của Tổng cục Thống kê mấy năm trước cho thấy, trong việc áp dụng các biện pháp hiện có tỷ lệ tham gia của nam giới chỉ chiếm hơn 10% và tin rằng hiện tại con số cũng không tăng thêm nhiều là mấy. Hệ quả của sinh nhiều con hoặc phá thai là tai biến, thậm chí tử vong, viêm nhiễm đường sinh dục... đều chỉ phụ nữ phải chịu đựng.

Tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của cả vợ và chồng không chỉ là thông điệp của ngành Y tế mà đã được luật hóa trong nhiều đạo luật liên quan đến hôn nhân gia đình và bình đẳng giới hiện hành. Đây cũng là một nội dung nằm trong 9 mục tiêu cụ thể của Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Cụ thể, Luật Bình đẳng giới có quy định bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp… Tương tự, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng nhấn mạnh việc vợ và chồng phải có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình thông qua điều luật về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân, gia đình. Còn từ góc nhìn của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình thì một trong những hình thức bạo hành tinh thần trong gia đình là từ chối không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc bao cao su khi quan hệ tình dục…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trách nhiệm của cả vợ và chồng trong vấn đề kế hoạch hóa gia đình cũng được đề cập tới trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành. Theo Bộ tiêu chí, 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình là Tôn trọng – Bình đẳng – Yêu thương – Chia sẻ và không phải ngẫu nhiên mà Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến vấn đề bình đẳng đầu tiên, bởi bình đẳng chính là điều kiện quan trọng nhất để hai cá nhân quyết định cùng chung sống và xây dựng một gia đình.

Vợ chồng bình đẳng với nhau về mọi mặt trong đời sống, do đó, cả hai cũng cần phải nỗ lực để thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh những việc như vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái, được thỏa mãn nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập, tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; được bàn bạc, trao đổi, tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình thì việc tôn trọng đời sống tình dục hay thực hiện KHHGĐ cũng rất cần thiết.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.