Lỗi của yêu thương

Chia sẻ

Na nổi tiếng là hiền ngoan xinh đẹp thời con gái bởi vậy cô có rất nhiều vệ tinh vây quanh. Lê Thạch là một trong số đó và anh đã lọt vào mắt xanh của Na. Vậy mà khi về ở cùng nhau, họ trở nên “cơm lạnh - canh nhạt” tự lúc nào.

Tên thật của Na là Nhật Anh, vì thế ai cũng ngỡ cái tên Na là tên thân thương mà các cô gái thành phố hay có hoặc do ghép từ cái tên Nhật Anh mà ra. Nhưng kỳ thực Na là tên xuất hiện từ khi Na trưởng thành với nhiều đám dập dìu tới chơi hay đến tặng quà nhân sinh nhật, ngày lễ tình nhân, ngày Quốc tế phụ nữ; thậm chí, đến ngày Quốc tế Thiếu nhi mà cũng vẫn còn nhiều anh mang quà đến tặng. Cái tên Na ra đời từ đó, nó có nghĩa là: Nhiều mắt và mắt ở đây là những con mắt đen hấp háy của các anh chàng dành cho Na. Vì Na được cả phố yêu mến nên những chuyện riêng của Na hay được các bà, các bác mang ra trêu đùa mỗi khi tụ tập.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Là con gái thành phố, lại xinh đẹp nhưng Na chăm chỉ việc nhà và nhanh nhẹn khi giúp mẹ bán hàng quà sáng, quà vặt. Đã thế, làm thêm, phụ giúp mẹ kiếm tiền lo trang trải chi tiêu cho cả nhà và lo tiền học cho hai cậu em trai là chính, việc học chỉ là Na tranh thủ trước khi ngủ hoặc trước giờ tới lớp, trong lúc ra chơi nhưng cô lại học rất giỏi, được thầy cô yêu quý, khen ngợi. Bởi vậy, danh sách hâm mộ Na từ các bạn trai cùng lớp cứ tăng dần đều theo các cấp; danh sách các anh trong khu phố, các con của bạn bố bạn mẹ, chưa kể thêm cả các… em đến ăn quà ở tiệm nhà Na. Vậy nhưng Na chẳng ưng ai, cứ vui vẻ, ân cần làm tròn nhiệm vụ của mình ở trường, ở quán rồi lại về lọ mọ dọn dẹp, lau rửa, thu vén nhà cửa.

Lê Thạch là chàng công tử con nhà giàu lại học giỏi tuy nhiên, tính hơi… ông cụ non. Lê Thạch học cùng Na 3 năm cấp ba và học cùng trường khi học đại học. Cái tính “khốt ta bít” chẳng giống với vẻ ngoài thanh tú, thư sinh và đẹp trai của chàng lớp trưởng đã thu hút và chinh phục trái tim trong trẻo của cô bạn cùng lớp. Na thầm yêu Lê Thạch nhưng vờ như không để ý gì mặc kệ Thạch tìm mọi cách, mọi kiểu ngấm ngầm để chinh phục trái tim người đẹp.

Họ cứ như vậy tới gần chục năm trời suốt từ những ngày đầu lớp 10. Rồi một ngày, vào đúng sinh nhật Na, Thạch đưa ra một yêu cầu “khó”: Nếu Na thực sự hiểu tấm lòng và tình cảm của Thạch thì vào sinh nhật của Na, Na không tổ chức, không nhận quà của ai mà chỉ dành riêng cho Thạch. Thạch sẽ lặng lẽ tổ chức ở một nơi với khung cảnh mà Na sẽ rất thích, chỉ với hai đứa và nhóm bạn thân chơi nhạc phục vụ. Na hồi hộp và sợ sệt nhưng Na đã quyết một lần với tình yêu thầm lặng của mình và cô tin vào con người của Thạch, Na đã tới chỉ một mình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Họ yêu nhau từ đó! Một ngày mùa xuân thanh sạch và trong lành đầy cảm xúc!
Vậy mà chỉ sau khi sinh bé Uyên, với ba năm làm mẹ, chăm lo gia đình, tất bật với bếp núc dù tổ ấm mới của họ chẳng đến nỗi nào, cũng đầy đủ và còn nhàn rảnh hơn so với thời Na ở nhà với mẹ và các em mà Na và Thạch đã cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, cứ âm ỉ thiu thiu kiểu gì.

Có lẽ bởi thói quen, Na cứ luôn chân luôn tay, không để ý tới quần áo, đầu tóc của mình. Na hết lòng chăm sóc chồng con. Còn Thạch tự hào vì được vợ chăm cho từ đôi tất tới cái khăn tắm. Giường đệm, chăn gối, nhà cửa lúc nào cũng thơm tho, thông thoáng, sạch đẹp. Đồ ăn thức uống của hai bố con luôn ngon, nóng hổi, không bị thừa, bị phí cũng không bị hỏng, bị ôi.

Nhìn bề ngoài cuộc sống của họ rất êm ấm nhưng cứ như có sóng ngầm đâu đó. Thạch vốn tế nhị, nhẹ nhàng mà khi gặp chuyện khó nói Thạch càng tránh né hơn và tỏ ra khách khí, ý tứ. Tính Na chân thật, có gì nói đó, thấy chồng có vẻ khí khái, ý tứ thì Na lại chạnh lòng, tưởng chồng đã có ai khác. Rồi từ chạnh lòng, Na tự ái, cũng khách khí, ý tứ lại. Vậy là, bé Uyên vốn là cầu nối cho đôi vòng tay bố mẹ mỗi đêm trở thành dòng sông ngăn cách vô hình.

Tới một hôm, khi được bố đưa đi chơi về, Uyên mới chạy vào thì thào với mẹ, như thể có chuyện kinh khủng lắm và Uyên phải rất bí mật. Uyên nói: “Bố bảo với con là mẹ không còn yêu bố nữa, mẹ lạnh nhạt với bố nên toàn lấy con ra làm cái gối để ngăn. Mẹ còn ngấm ngầm ghét bố, chống đối bố bằng cách để cho người cứ chua hết cả ra. Mẹ chán bố kiểu gì mà không thèm tắm trước khi lên giường thế?”. Nhìn bộ mặt nghiêm trọng và đôi mắt to tròn đầy thắc mắc của con, Na ứa nước mắt. Cô bỗng thấy dâng lên trong lòng cảm giác khó tả, hóa ra Thạch chẳng có ai cả mà vì cô đã làm chồng hiểu lầm. Còn Thạch vì ngần ngại không dám gói ý nên cũng đã làm cho vợ xa cách…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Na dắt con vào thay rửa, cho con ăn rồi cô lặng lẽ tìm bộ đồ yêu thích, vào phòng tắm, gội đầu. Lọ tinh dầu thơm dành cho tóc và chai nước hoa hội bạn thân tặng lâu ngày nằm im trong góc tủ được mang ra để gọn gàng bên bàn phấn. Na sấy tóc và cắm một bình hoa nhỏ trong phòng, thay màu cho chiếc đèn ngủ.

Tối hôm ấy, Na ôm con ngủ sớm, Lê Thạch trở về, ngỡ ngàng trước không gian của phòng ngủ và sự sắp đặt mới của căn nhà. Chiếc khăn tắm thơm tho và bộ đồ ngủ của anh đã để sẵn, phòng tắm cũng thơm nức và có cả hoa tươi. Lê Thạch tủm tỉm cười. Anh hiểu, ngoài chồng con ra, Na không có ai khác và “chiến tranh lạnh” do hiểu lầm của những ngày qua sẽ không còn. Chưa khi nào Thạch thấy yêu thương vợ mình đến thế. Anh hạnh phúc vì cuộc đời đã cho anh một gia đình với vợ con yên ấm và hạnh phúc. Lê Thạch tự nhủ, anh sẽ luôn nhắc nhở và chăm chút cho vợ nhiều hơn, bởi lỗi của Na là do cô đã luôn yêu thương mọi người trong gia đình mà quên mất phải chăm chút cả cho mình. Thạch bỗng thấy rưng rưng trong lòng. Tình yêu cần phải có cả tình thương và có lẽ tới lúc này Thạch mới hiểu được sâu sắc nghĩa của từ “Yêu Thương”!

THỤC NHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.