Người phụ nữ không ngừng “cho đi”

Chia sẻ

Không những nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện mà bà Trần Thị Sang – hội viên phụ nữ thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ còn là một trong những người góp sức giữ gìn và phát huy nghệ thuật hát chèo tại quê hương.

Từ người phụ nữ đam mê làm từ thiện

Phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, bà Trần Thị Sang, sinh năm 1953, được các cấp Hội, chính quyền địa phương ghi nhận và biểu dương về những việc làm thiện nguyện và nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương.

Từ ngày cầm trong tay Quyết định nghỉ hưu năm 2005, cũng là lúc bà Sang dồn hết tâm huyết vào hoạt động xã hội hay mọi người vẫn thường gọi là việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Trước đây, bà là giáo viên trường Tiểu học Phụng Châu. Trong suốt thời gian dạy học và gắn bó với nghề giáo, đưa bao thế hệ học trò cập bến đỗ tương lai, bà luôn được đánh giá cao về chuyên môn cũng như sự hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động do nhà trường phát động. Bà không chỉ dạy chữ mà còn gieo mầm vào bao thế hệ học sinh về tình người, lòng bao dung nhân hậu... Sau khi nghỉ hưu, bà được chị em hội viên phụ nữ tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội LHPN xã Phụng Châu - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phượng Đồng. Hiện nay, bà chuyển sang làm Chi hội Trưởng hội Người cao tuổi thôn Phượng Đồng, tuy nhiên bà vẫn là hội viên phụ nữ nòng cốt của Chi hội Phụ nữ, tham gia mọi hoạt động của tổ chức Hội.

Bà Trần Thị SangBà Trần Thị Sang

Bà Sang luôn có tâm niệm “sống là phải biết cho đi”, “hạnh phúc của bản thân chính là khi thấy người khác được hạnh phúc”… vì thế, bà không ngừng cống hiến, không ngừng “cho đi”. Năm 2006, đền thờ thôn Phượng Đồng không may bị cháy. Bà đã ủng hộ vào việc sửa sang và mua sắm cơ sở vật chất trang trí đền với số tiền hơn 50 triệu đồng. Bà luôn trăn trở, băn khoăn làm thế nào để giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho quê hương? Bà tâm sự, làm việc thiện, ủng hộ thôn làng, xây dựng đình chùa không phải tâm huyết của riêng bà mà cũng là tâm niệm của người chồng đã mất.

Mỗi khi mùa mưa đến, con đường dẫn lối ra nghĩa trang lầy lội khiến việc đi lại khó khăn. Năm 2015, bà quyết định ủng hộ hơn 100 triệu đồng để xây mới nhà tiếp linh và đổ 30m đường bê tông từ đường lớn đi vào nhà tiếp linh thôn Phượng Đồng với số tiền gần 30 triệu đồng. Năm 2016, bà ủng hộ 60 triệu đồng để làm đường từ chùa Phượng Nghĩa ra nghĩa trang nhân dân thôn Phượng Nghĩa. Thấy giếng cổ của làng xuống cấp, bà ủng hộ 4 triệu đồng và vận động thêm tiền phục vụ công việc tu bổ, sửa giếng làng… Vào các dịp lễ lớn, bà Sang còn tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và ủng hộ địa phương, các tổ chức đoàn thể kinh phí thuê trang phục biểu diễn, âm thanh ánh sáng trong các hội diễn văn nghệ…

Đến “nghệ sỹ nông dân” hát chèo

Không chỉ là người tâm huyết với hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện, bà Trần Thị Sang còn say mê những giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật hát chèo. Bà bảo, mỗi lần hát chèo là bà xem như đang làm nhiệm vụ chính trị. Bởi lẽ, những tiết mục chèo do bà biểu diễn còn tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… Để việc làm hiệu quả hơn, bà thành lập Câu lạc bộ hát chèo thôn Phượng Đồng với 12 thành viên. Những ngày đầu thành lập CLB, kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu thốn, các diễn viên, nhạc công không chuyên nên khả năng ca hát, biểu diễn còn hạn chế. Bà Sang đã dành nhiều thời gian để hướng dẫn các thành viên tập luyện, đầu tư toàn bộ trang phục biểu diễn, cơ sở vật chất cho CLB... Cứ nỗ lực không ngừng như thế, tiếng hát của CLB đã “ngấm” vào từng người dân, được người dân ủng hộ nhiệt tình tạo nên nguồn năng lượng để CLB tiếp tục duy trì hoạt động.

Gần 10 năm nay, ngoài phục vụ các dịp lễ, Tết của thôn, của xã, mỗi năm CLB tổ chức đi giao lưu tại các xã trong và ngoài huyện, giao lưu với tỉnh bạn. Không thù lao, không lương, bà Sang và những người “nghệ sỹ nông dân” trong CLB hát chèo thôn Phượng Đồng vẫn luôn đắm mình trong từng vở diễn, từng trích đoạn, từng câu hát chèo, góp phần không nhỏ giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bà Sang mong ước, CLB sẽ thu hút được nhiều cô gái, chàng trai trẻ tham gia nhằm tiếp tục phát huy và giữ gìn được giá trị văn hoá quý báu của dân tộc.

Phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, bà Trần Thị Sang với những đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần trong việc xây dựng quê hương đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp từ Thành phố đến cơ sở. Năm 2019, bà được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.