Bà ở đây với tôi!

Chia sẻ

Đứa con trai độc nhất ra nước ngoài làm việc mấy năm, không yên tâm để mẹ sống một mình ở tuổi xế chiều, liền bàn với mẹ vào nhà dưỡng lão “ở tạm”.

Bà ở đây với tôi! - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Ban đầu nghe con nói vào nhà dưỡng lão, bà rất sốc, vì chưa bao giờ nghĩ đến cảnh tuổi già không được sống cùng con. Vì lẽ đó mà ngày xưa, bất chấp tuổi tác đã cao, bà vẫn quyết làm mẹ để có nơi nương tựa tuổi già. Nhưng sau khi nghe con phân tích, bà thấy thuận cho mình tiện cho con nên đồng ý.

Bà là chị cả của một đàn em thơ trong gia đình mẹ mất sớm, một mình cha tảo tần nuôi các con. Ngoài vai trò làm chị, bà gần như kiêm luôn vai trò của một người mẹ, phụ cha lo cho các em ăn học, dựng vợ gả chồng đầy đủ. Đến lúc nhìn lại, bà đã thuộc dạng “quá lứa lỡ thì”. Bà quyết định làm mẹ đơn thân. Khi có con rồi, mọi yêu thương, kỳ vọng bà gửi hết vào con. Thằng bé từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành như một báu vật, học giỏi, ngoan, hiếu thảo. Nó làm việc tốt, được công ty cử đi làm dự án phát triển thị trường ở nước ngoài mấy năm.

Vào nhà dưỡng lão, bà gặp ông - người đàn ông góa vợ hơn chục năm nay. Con cháu ông nhiều nhưng đứa nào cũng có phận đứa nấy, ông sống riêng một mình ở quê rồi quyết định chọn sống nốt quãng đời còn lại trong nhà dưỡng lão. Thời gian đầu mới chuyển vào, con cháu kéo đến năn nỉ về nhà chúng sống, vì đứa nào cũng sợ mang tiếng “bất hiếu” khi để cho bố vào nhà dưỡng lão. Nhưng chẳng đứa nào thuyết phục nổi bố nên thuận theo ý ông.

Từ ngày bà chuyển vào đây, ông thấy cuộc sống có nhiều niềm vui hơn. Bà có nhiều sự đồng cảm, hiểu được mọi tâm tư, nguyện vọng trong lòng ông. Họ dần trở thành tri kỷ của nhau. Ngày Tết, ngày lễ, con cháu vào đón ông về nhà chơi, ông đi nhưng nhanh chóng quay về với bà. Lần nào, con cháu ông có việc hỷ vui, muốn ông ở lại chơi vài tuần, bà trở thành “chuyên gia” căn dặn chúng để ý sức khỏe, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của ông cho hợp lý. Ông có bệnh già nên cần uống loại thuốc nào, kiêng ăn thực phẩm gì… Con cháu ông nghe bà dặn mà lòng rưng rưng, thầm cảm ơn cuộc sống đã đưa bà đến bầu bạn với ông.

Thấm thoát, 5 năm trôi qua, con trai bà trở về nước, nhanh chóng đến đón mẹ. Nó lên kế hoạch cuối năm sẽ cưới vợ, rồi sẽ sinh con để bà có cháu bế bồng. Từ nay, cuộc sống của bà lại được vui vầy bên con cháu. Thoạt nghe, bà mừng lắm nhưng nghĩ đến chuyện xa ông, lòng chợt bùi ngùi. Từ lúc biết chuyện hết tháng bà sẽ chuyển về nhà, ông cứ như người ốm dở, bần thần, đến bữa chẳng muốn ăn, đêm không buồn ngủ, cứ trằn trọc cả đêm.

Sáng ra, thấy ông hốc hác mặt mày, bà thấy lòng xót xa. Ông đổ bệnh trước ngày bà về nhà, bà dỗ dành ông ăn cho nhanh khỏe. Cầm lấy tay bà, ông run run: “Bà ở lại đây với tôi được không? Con cháu chúng nó đều có phận cả, bà về đó liệu có… cô đơn?”. Bà lặng đi, cố giấu nỗi buồn. Ngày con trai đến đón mẹ, bà tần ngần: “Mẹ không về có được không? Mẹ tìm thấy nguồn vui khi sống ở đây con ạ”. Con trai bà sững lại rồi nhanh chóng hiểu ra khi thấy ánh mắt ông khắc khoải từ đằng xa. “Nếu mẹ vui, con đồng ý. Chỉ cần mẹ sống vui, sống khỏe, con đều ủng hộ mẹ”.

Rồi, nó tiến về phía ông, trong bóng chiều hoàng hôn, hai người đàn ông, một già một trẻ tin tưởng bắt tay nhau, hứa với nhau nhiều điều vì hạnh phúc của một người phụ nữ ở tuổi xế chiều.

NGUYỄN AN

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.