Bài 1: Nạn nhân bạo lực gia đình: Thường trực nguy cơ bị bạo lực kép

Chia sẻ

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) ra đời là một trong những công cụ pháp lý để bảo vệ nạn nhân BLGĐ, là cơ sở để nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác PCBLGĐ, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, sau 12 năm thi hành, Luật có nhiều bất cập, xa rời thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi.

Bài 1: Nạn nhân bạo lực gia đình: Thường trực nguy cơ bị bạo lực kép - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Thay vì được bảo vệ, nạn nhân bị bạo lực thường phải ra khỏi nhà, phải làm đơn yêu cầu thì chính quyền mới áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với người gây bạo... Những bất cập này của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang khiến nạn nhân phải đối diện với nguy cơ bị bạo lực kép.

Nạn nhân "sợ" tìm kiếm sự giúp đỡ, bảo vệ

Là một nạn nhân bị chồng bạo lực hơn 10 năm nhưng chị Nguyễn Thị V (34 tuổi, công nhân ngành may) vẫn chưa lần nào tìm kiếm sự giúp đỡ, bảo vệ từ chính quyền. Mặc dù, chị có biết đến các quy định của Luật PCBLGĐ qua các thông tin tuyên truyền. Chị biết rõ mình là nạn nhân bị BLGĐ nhưng để công khai chồng là thủ phạm, và tìm kiếm sự bảo vệ từ luật pháp là điều mà chị... chưa từng nghĩ đến.

Chị V bị người chồng hay ghen, nghiện rượu bạo hành ngay từ năm đầu tiên họ cưới nhau. Chị đi làm công nhân, chồng làm thợ sửa chữa xe máy tại nhà. Có chút nhan sắc, khi đi làm chị thường nhận được nhiều sự để ý của đàn ông. Đó là lý do mà chồng chị ghen tuông dữ dội, dùng hơi men để đánh đập vợ, để chị không dám ra ngoài "léng phéng" với đàn ông. Sự nghiêm túc của chị vẫn không xóa đi sự nghi ngờ của chồng, nên tình trạng đánh vợ cứ thế diễn ra thường xuyên. Có lần, chị bị chồng đánh đến nỗi sảy thai.

Theo kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam 2010 lần 1(năm 2010) và lần 2 (năm 2019), có tới 87,1% phụ nữ bị chồng bạo hành chưa bao giờ tìm đến bất kỳ cơ quan/tổ chức nào để được giúp đỡ (Điều tra năm 2010), và 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ (Điều tra năm 2019). Dù khoảng cách hai cuộc điều tra cách nhau 9 năm nhưng ý thức của nạn nhân bị bạo lực về tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài, đặc biệt là từ cơ quan chức năng/chính quyền vẫn không thay đổi, thậm chí tỷ lệ còn cao hơn.

Một lần, chị định viết đơn tố cáo hành vi bạo lực của chồng nhưng bị anh ta phát hiện, và đánh cho thừa sống thiếu chết. Anh ta còn bảo, nếu tiếp tục có suy nghĩ đó, anh ta sẽ đánh khiến chị tàn tật luôn. Vì thế, chị V chẳng dám nói với ai về việc mình bị chồng bạo hành thường xuyên. Thậm chí có người biết nhưng cũng chẳng dám can thiệp chuyện nhà chị vì sợ anh chồng say rượu gây sự đến nhà mình.

Khác với chị V, chị Đinh Thị Ng (30 tuổi, nhân viên bán hàng siêu thị) đã "dũng cảm" kêu cứu với chính quyền khi bị chồng đánh đập. "Lần đó, chính quyền xuống giải quyết và áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa chồng tôi và tôi. Nhưng để thực hiện điều đó, tôi và con phải ra khỏi nhà tạm lánh đến nơi khác. Người thân ở gần không có nên tôi phải đến tá túc ở nhờ nhà họ hàng thuê trọ. Không may mắn, ở khu nhà trọ đó, tôi suýt bị một người đàn ông xấu xâm hại khi anh ta "phê thuốc". Quá sợ hãi, mẹ con tôi lại quay về nhà. Sau đó, tôi vẫn tiếp tục bị chồng bạo hành nhưng không nghĩ đến chuyện tố cáo chính quyền vì sợ lại phải ôm con lang thang bên ngoài.

Chị V và chị Ng chỉ là hai trong rất nhiều phụ nữ bị chồng bạo lực "sợ" tìm kiếm sự giúp đỡ bên ngoài. Dù thực tiễn, pháp luật có những quy định bảo vệ họ.

Luật PCBLGĐ chưa bảo vệ được nạn nhân

Là một luật sư từng tham gia bảo vệ nhiều vụ việc phụ nữ bị BLGĐ, luật sư Nguyễn Bích Lan (Trưởng văn phòng luật sư số 5 - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật PCBLGĐ đang có những quy định bất cập, khiến cho công tác bảo vệ nạn nhân khó khăn hơn.

Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 21 Luật PCBLGĐ quy định điều kiện để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân BLGĐ, người giám hộ, hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân BLGĐ”.

Những quy định của luật khá rắc rối, yêu cầu nhiều thủ tục gây ra trở ngại lớn cho việc áp dụng cấm tiếp xúc đối với thủ phạm gây BLGĐ và bảo vệ nạn nhân bị bạo lực. Nhiều nạn nhân phải đến trình báo về vụ việc BLGĐ với chính quyền địa phương và không biết phải trình bày thế nào. Nạn nhân còn có thể bị thủ phạm hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền và nhiều người chọn im lặng.

Do đó, theo luật sư Lan, bỏ quy định viết đơn sẽ tăng cơ hội để nạn nhân bảo vệ an toàn và ngăn ngừa vụ việc BLGĐ tiếp tục diễn ra.

Hay, điểm c khoản 1 Điều 20 Luật PCBLGĐ quy định “Người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc”. Trong thực tế, người ra khỏi nhà lại là nạn nhân BLGĐ. Họ phải đối mặt với nguy cơ bạo lực kép (BLGĐ và bạo lực xã hội). Kinh nghiệm quốc tế đối với những trường hợp này là đưa người có hành vi BLGĐ ra khỏi nhà trong thời gian cấm tiếp xúc.

Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật PCBLGĐ (sửa đổi) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa trình Chính phủ lấy ý kiến cuối tháng 8/2020 cho thấy, bên cạnh quy định nạn nhân phải viết đơn, việc quy định phải có chỗ ở và nạn nhân tự nguyện chuyển đến cũng là trở ngại đến thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc. Nạn nhân của BLGĐ hiện nay chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Khi áp dụng cấm tiếp xúc, nạn nhân thường mang theo con nhỏ chưa trưởng thành. Phụ nữ, trẻ em khi ra khỏi nhà còn có nguy cơ bị bạo lực xã hội. Mục đích của việc áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là để bảo vệ an toàn cho nạn nhân. Song, quy định của Luật PCBLGĐ hiện hành chưa bảo vệ được nạn nhân BLGĐ. Mặt khác, đôi khi thành viên gia đình còn thực hiện hành vi BLGĐ vì những toan tính và việc đưa nạn nhân ra khỏi nhà đã vô tình giúp người gây bạo lực đạt được mục đích.

Theo luật sư Lan, việc ra quyết định cấm tiếp xúc đôi khi không cần đến đề nghị của nạn nhân mà cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất của vụ việc mà áp dụng biện pháp như là một cách ngăn chặn từ xa, nhằm bảo vệ nạn nhân cũng như các thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, các quy định của luật hiện hành về biện pháp cấm tiếp xúc cần được sửa đổi.

HẠ THI

Kỳ 2: Hòa giải Phòng chống BLGĐ: Hậu quả còn nhiều

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.