RẰM THÁNG TÁM

Chia sẻ

Thiên nhiên làng quê là cảnh sắc thường gặp trong thơ của Anh Thơ (1921-2005), là căn cốt làm nên phong cách thơ riêng và nhiều áng thơ nổi tiếng của bà. Điều này thể hiện rõ trong bài "Rằm tháng tám" rút từ tập "Bức tranh quê" (1941).

Trời trong sáng, trăng tròn lơ lửng gió
Đồng mờ sương khóm chuối lặng mơ màng
Những ao biếc ngâm sao đầy nước tỏ
Bụi tre ngà lơi lả uốn lưng cong.

Trong đường xóm trống chiêng chung nhịp nổi
Trẻ con theo sư tử rước vang ầm.
Ngoài đình sáng tiếng cười chen tiếng nói
Gái trai làng ra họp hát trống quân.

Trong khi ấy phất phơ khăn với áo
Các bà đồng ra điện lễ, cười vui.
Nghiêm lặng nhất có vài ba ông lão
Thả con thuyền uống rượu với trăng trôi.
“Bức tranh quê" - 1941
                                                         Anh Thơ

RẰM THÁNG TÁM - ảnh 1

LỜI BÌNH

Thiên nhiên làng quê là cảnh sắc thường gặp trong thơ của Anh Thơ (1921-2005), là căn cốt làm nên phong cách thơ riêng và nhiều áng thơ nổi tiếng của bà. Điều này thể hiện rõ trong bài "Rằm tháng tám" rút từ tập "Bức tranh quê" (1941). Chỉ hơn chục câu trong ba khổ thơ tám chữ, với cái nhìn lãng mạn và tinh tế, bậc nữ sĩ tài danh đã hoạ nên "bức tranh quê" Rằm tháng tám thật đặc sắc, ẩn chứa trong đó nỗi buồn man mác và một tình yêu quê hương âm thầm, sâu lắng. Người và cảnh nông thôn được phác họa bằng ngôn ngữ thơ thật trong trẻo. Với sự hướng ngoại, nữ sĩ cảm nhận cảnh vật từ xa đến gần: "Trời trong sáng, trăng tròn lơ lửng gió/ Đồng mờ sương khóm chuối lặng mơ màng/ Những ao biếc ngâm sao đầy nước tỏ/ Bụi tre ngà lơi lả uốn lưng cong".

Phong vị thôn quê thật đậm nét nhờ tác giả chọn được những hình ảnh đặc trưng của mùa thu: bầu trời trong sáng, trăng tròn lơ lửng trước gió, cánh đồng mờ trong màn sương tạo nên vẻ đẹp huyền ảo. Đáng chú ý là biện pháp tu từ nhân hoá ở đây rất thành công: "khóm chuối lặng mơ màng", "Bụi tre ngà lơi lả uốn lưng cong". Loại cây đặc trưng của làng quê này xuất hiện trong bài như có linh hồn, biết "uốn lưng cong" làm duyên, biết yên "lặng mơ màng" trước đêm Rằm trung thu thơ mộng. Trên nền cảnh thôn quê ấy, con người xuất hiện với những âm thanh náo nhiệt từ các ngõ xóm: "Trong đường xóm trống chiêng chung nhịp nổi/ Trẻ con theo sư tử rước vang ầm/ Ngoài đình sáng tiếng cười chen tiếng nói/ Gái trai làng ra họp hát trống quân". Mỗi câu trong khổ thơ đều tả âm thanh: Tiếng chiêng trống của đám trẻ con rước sư tử "vang ầm" đường xóm. Ngoài đình đèn nến sáng sủa, rộn rã tiếng nói cười. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được dùng đắt giá "tiếng cười chen tiếng nói" càng gợi tả không khí ồn ã, đông vui. Vui nhất là đám gái trai trong làng có dịp được gặp gỡ, giao lưu trong thôn "họp hát trống quân". Bấy nhiêu thứ âm thanh làm nên bản nhạc rộn rã cùng sự xuất hiện đủ các đối tượng: Trẻ con, thanh niên trai gái, tiếp đến là các bà, các ông, những cây cao bóng cả của làng: "Trong khi ấy phất phơ khăn với áo/ Các bà đồng ra điện lễ, cười vui/ Nghiêm lặng nhất có vài ba ông lão/ Thả con thuyền uống rượu với trăng trôi". Chỉ vài câu thơ, chân dung các "bà đồng"- người sắm và dâng lễ ở các đền, chùa - nơi diễn ra các sinh hoạt tâm linh đã hiện lên sinh động trong xúng xính khăn là áo lượt chuẩn bị làm lễ dâng hương. Trong khi đó, các "ông lão", trụ cột của các gia đình, những người thường lo các việc đại sự quốc gia, lại có dáng vẻ "nghiêm lặng" khác thường: "Thả con thuyền uống rượu với trăng trôi". Các ông dường như khó chia sẻ nỗi lòng cùng ai đó nên đã gửi hồn mình hoà điệu cùng gió trăng, sông nước. Đây là câu thơ ẩn chứa nhiều tâm trạng nhất, nhiều cảm xúc nhất trong bài. Nếu ở phần trên, bài thơ là niềm vui rộn ràng của bà con trong lễ hội đêm Rằm tháng tám, đến những câu kết lại ẩn chứa nỗi buồn man mác, bâng khuâng khó giãi bày.

RẰM THÁNG TÁM - ảnh 2

Đặt bài thơ vào hoàn cảnh ra đời trước cách mạng, (trước cả năm 1941, năm in tập thơ Bức tranh quê) nỗi buồn ấy của tác giả có căn nguyên buồn đau vì đất nước mất chủ quyền, con người không được tự do. Tuy nhiên nếu nói rõ ra hết, bài thơ ắt sẽ bị chính quyền đương thời cấm đoán không thể đến được với bạn đọc. Vậy nên thi sĩ mới nói rất ý nhị, kín đáo. Quả vậy, tấm lòng yêu dân, yêu quê hương đất nước được thi sĩ gửi gắm thật âm thầm, tinh tế mà sâu lắng. Nhiều từ láy (lơ lửng, mơ màng, lơi lả, phất phơ) được dùng đắt giá khiến cho cảnh thiên nhiên nông thôn hiện lên sống động, càng dễ đi vào trong lòng người. Thơ hay không cốt tả mà cốt gợi. Bài thơ này quả đã làm được điều đó thật vi diệu. Tròn tám mươi năm tuổi đã đi qua, bài thơ vẫn không hề già cỗi, càng khiến người đọc ngưỡng mộ và trân quý thi sĩ của đồng quê - Anh Thơ.

NGUYỄN THỊ THIỆN

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.