Giải Nobel Hóa học được trao cho hai nhà khoa học nữ sau 119 năm
Giải Nobel hóa học đã được trao cho hai nhà nghiên cứu với sáng kiến công cụ chỉnh sửa gen. Sáng kiến này đã tạo ra một bước tiến mới trong ngành khoa học khi tạo ra một công cụ có khả năng thay đổi cấu trúc ADN. Mục đích của công nghệ mới này nhằm chữa các loại bệnh nan y và giúp phát triển trồng trọt, chăn nuôi thích ứng biến đổi khí hậu.
Hai nhà khoa học nữ tài ba là Emmanuelle Charpentier của Pháp và Jennifer A. Doudna của Hoa Kỳ đã đã phát triển thành công CRISPR-cas9, một kỹ thuật rất đơn giản để cắt một gen tại một điểm cụ thể, cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” những sai sót trong mã gen, vốn là nguyên nhân gốc rễ của nhiều căn bệnh.
Claes Gustafsson, chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học cho biết: “Công cụ này mang một tiềm năng rất lớn”. Victor Dzau, Chủ tịch Học viện Y khoa Quốc gia cho biết, hơn 100 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để nghiên cứu việc sử dụng CRISPR trong điều trị bệnh, và “nhiều thử nghiệm rất hứa hẹn”.
Hai nhà hóa sinh người Mỹ, Jennifer A. Doudna (bên trái) và nhà vi sinh vật người Pháp Emmanuelle Charpentier (bên phải).
Việc công cụ chỉnh sửa gen đạt giải Nobel cũng làm dấy lên nhiều quan ngại về vấn đề đạo đức khi được thực hiện. Các nhà khoa học lo ngại CRISPR sẽ bị lạm dụng để tạo ra "những đứa trẻ được lập trình sẵn" bằng cách thay đổi trứng, phôi hoặc tinh trùng - những thay đổi có thể được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Thế giới đã biết đến phương pháp CRISPR vào năm 2018, khi nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui tiết lộ rằng ông đã “tạo ra” những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới có khả năng chống lại sự lây nhiễm của vi rút AIDS. Công việc của ông bị cáo buộc là thí nghiệm không an toàn trên người và ông đã bị kết án tù ở Trung Quốc. Tháng 9, một hội đồng chuyên gia quốc tế đã đưa ra một báo cáo cho biết còn quá sớm để thử những thí nghiệm như vậy vì khoa học chưa đủ tiên tiến để đảm bảo an toàn. Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Mỹ Luis Echegoyen, giáo sư hóa học tại Đại học Texas El Paso, cho biết: “Người nắm phương pháp chỉnh sửa gen có chọn lọc, theo một cách nào đó, giống như Đấng Tạo hóa vậy”. Tiến sĩ George Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard, cho biết: “Công nghệ mới giống như “con dao hai lưỡi” - có tiềm năng to lớn về lợi ích cho con người, đặc biệt là điều trị bệnh, nhưng cũng có nguy cơ bị sử dụng với mục đích sai trái”.
Giáo sư Pernilla Wittung Stafshede (trái) và Goran K. Hansson - Tổng thư ký của Viện Hàn lâm Khoa học, công bố người chiến thắng giải Nobel Hóa học 2020 trong một cuộc họp báo tại Học viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, ở Stockholm, Thụy Điển.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đều ca ngợi tiềm năng to lớn mà chỉnh sửa gen mang lại cho bệnh nhân trong thời điểm hiện tại. Tiến sĩ Kiran Musunuru, chuyên gia di truyền học tại Đại học Pennsylvania, cho biết: “Không có khía cạnh nào của nghiên cứu y sinh mà không bị CRISPR đụng tới. Phương pháp chỉnh sửa gen đã được sử dụng để tạo ra các loại cây trồng tốt hơn và chữa các bệnh ở người như hồng cầu hình liềm, nhiễm HIV và các dạng mù di truyền”.
Giải thưởng Nobel gồm một huy chương vàng và 10 triệu kronor (khoảng hơn 1,1 triệu đô la), giải thưởng này được thực hiện theo di chúc để lại hơn một thế kỷ trước của người tạo ra giải thưởng - Alfred Nobel.
Đây cũng là lần thứ tư trong lịch sử 119 năm giải thưởng Nobel về lĩnh vực Khoa học được trao riêng cho phụ nữ.
ĐỖ HỮU