86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, người quen

Chia sẻ

"Tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta đều có ý thức với việc lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em, những trường hợp đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều” – Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho biết.

Ngày 11/10, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Tổ chức Plan Intenational đã phát động chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục”. Chiến dịch được khởi động với buổi Toạ đàm trực tuyến “An toàn cho trẻ em gái – Phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em”.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàmCác đại biểu tham gia buổi tọa đàm.

Xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề vẫn khá nóng tại Việt Nam mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính phủ, các cơ quan, các tổ chức xã hội và người dân tại cộng đồng. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã đưa vấn đề xâm hại tình dục trẻ em vào chương trình nghị sự.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2018, cả nước có 1.269 vụ xâm hại tình dục. Theo thông tin do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 công bố, trong năm 2017-2018, 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, người quen. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%; đặc biệt, trên 21% là người thân trong gia đình.

Thêm vào đó, tình trạng bạo lực, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Báo cáo của Quốc hội cho biết, trung bình mỗi ngày có 720,000 hình ảnh và các đăng tải có nội dung bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

bà Nguyễn vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ tại buổi tọa đàmBà Nguyễn vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Nhằm nâng cao năng lực cho các bậc cha mẹ, những người chăm sóc và làm việc với trẻ em, thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu đúng và nắm bắt được những kỹ năng giúp trẻ phòng ngừa quấy rối và xâm hại tình dục, trong giai đoạn tháng 10 – tháng 11 năm 2020, Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (GBVNet) phát động chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục”.

Các hoạt động chính của chiến dịch bao gồm: Cuộc thi sáng tác bài viết, thực hiện phim ngắn dành cho học sinh THCS và THPT về chủ đề Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, Thử thách chia sẻ câu chuyện dành cho các bậc phụ huynh về các phương pháp bảo vệ và giáo dục con/trẻ em khỏi xâm hại tình dục, toạ đàm trực tuyến với các chuyên gia, truyền thông mạng xã hội,…

Chia sẻ về chiến dịch, bà Khuất Thu Hồng – Chủ tịch Mạng lưới GBVNet cho biết: “Dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để thay đổi, nhưng cần nhìn nhận rằng tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang diễn ra cùng với sự phát triển của xã hội với tính chất phức tạp hơn và khó đối phó hơn. Với chiến dịch “Hành động ngay cùng GBVNet bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục”, chúng tôi kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, không chỉ là các cơ quan chuyên trách về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, mà còn cả các bậc phụ huynh, giáo viên, chính bản thân trẻ em và cộng đồng cùng tham gia đẩy lùi nạn xâm hại, quấy rối trẻ em, để những câu chuyện, những vụ việc đau lòng không còn tiếp diễn nữa”.

Tại buổi Toạ đàm trực tuyến “An toàn cho trẻ em gái – Phòng tránh quấy rối, xâm hại trẻ em” diễn ra ngày 11/10, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ quan điểm, góc nhìn về thực trạng việc quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian gần đây, đặc biệt là em gái, đồng thời đưa ra những đề xuất, ý kiến và lời khuyên dành cho phụ huynh và những người chăm sóc trẻ về những cách thức để bảo vệ và giáo dục trẻ em khỏi những nguy cơ và hành vi quấy rối, xâm hại.

Bà Nguyễn Vân Anh ,giám đốc CSAGA cho rằng: “Việc bảo vệ trẻ em là câu chuyện không của riêng ai, là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Trẻ em, dù là trai hay gái, dù ở độ tuổi nào cũng đều cần bảo vệ bởi mọi sự xâm hại, quấy rối đều sẽ để lại những vết thương rất sâu trong lòng trẻ em. Tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta đều có ý thức với việc lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em, những trường hợp đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều".

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, với kinh nghiệm nhiều năm truyền thông giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em nhấn mạnh: “Việc giáo dục trẻ về giới tính, gọi tên chính xác các bộ phận, tôn trọng cơ thể mình và người khác, các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, xử lý các tình huống, v.v. cần được đưa vào trong nhà trường và gia đình càng sớm càng tốt. Phương pháp cũng cần cải tiến thân thiện với gia đình và trẻ em như trò chơi, cuộc thi xử lý tình huống, phim hoạt hình, ứng dụng trò chơi điện tử, v.v. để trẻ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Nếu việc giáo dục truyền thông cho trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng được làm tốt, chúng ta có thể xây dựng 1 tấm khiên, sức đề kháng và tự bảo vệ cho trẻ em”.

Bên cạnh những chia sẻ của các chuyên gia, buổi Toạ đàm còn giới thiệu Cuộc thi sáng tác các sản phẩm truyền thông với chủ đề “Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em”. Đây là cuộc thi dành cho học sinh bậc THCS và THPT trên cả nước, sẽ diễn ra từ ngày 11.10 đến 13.11.2020. Chi tiết về cuộc thi có trên trang Fanpage của Mạng lưới GBVNet.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Trong thời công nghệ, internet đã trở thành “kẻ thứ 3” đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình. Lời cảnh báo này không mới, nhưng dường như lại chưa được chú ý nhiều. Có thể do việc “cai internet” quá khó, cũng có thể tác động của mạng ảo diễn ra từ từ nên nhiều người chưa cảm thấy sợ, cho tới khi hậu quả thật xảy ra...
Bài 3: Khi “ác quỷ” đội lốt người thân

Bài 3: Khi “ác quỷ” đội lốt người thân

(PNTĐ) - Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm thường là chính những người quen biết, thậm chí là người thân trong gia đình nạn nhân. Vì thế, hành trình bảo vệ trẻ em trước tội phạm xâm hại càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết...
Con chỉ cần có mẹ!

Con chỉ cần có mẹ!

(PNTĐ) - Tình yêu của một người mẹ dành cho những đứa con có muôn vàn cách thể hiện. Nhưng tựu trung lại, nó đều tràn đầy, chẳng hề vụ lợi, chẳng gì sánh bằng. Ngày của mẹ hàng năm là dịp để mỗi người con bày tỏ tri ân đấng sinh thành.
Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.