Hội Liên hiệp Phụ nữ Thủ đô - Nòng cốt gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh

Chia sẻ

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020), đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Báo Phụ nữ Thủ đô về những đóng góp của cán bộ, hội viên, tổ chức Hội Phụ nữ Hà Nội trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Thủ đô.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (thứ hai từ trái sang) và các đại biểu thăm Hội LHPN Hà Nội nhân Ngày hội gia đình - chắp cánh ước mơ cho con” (tháng 6/2019)Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (thứ hai từ trái sang) và các đại biểu thăm Hội LHPN Hà Nội nhân Ngày hội gia đình - chắp cánh ước mơ cho con” (tháng 6/2019) (Ảnh: Nguyễn Thực)

PV: Kính thưa đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, xin Đồng chí cho biết ý kiến đánh giá về những đóng góp của các tầng lớp phụ nữ Hà Nội và tổ chức Hội Phụ nữ trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Thủ đô?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn là lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội; đồng thời phụ nữ là hạt nhân của gia đình, giữ vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Thủ đô ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ phụ nữ. Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến tự hào là quê hương, là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của nhiều nữ anh hùng dân tộc, nữ danh nhân đã làm rạng danh quê hương, đất nước và người phụ nữ Việt Nam.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, từ khi chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập ở Hà Nội tháng 03/1929, sự vận động của các tổ chức Đảng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ giác ngộ Cách mạng và tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giới mình. Các tầng lớp phụ nữ Thủ đô đã được tập hợp đoàn kết lại thông qua hoạt động của các tổ chức tiền thân như “Hội ái hữu nghề nghiệp”, “Tổ phụ nữ phản đế”, “Hội phụ nữ phản đế”, “Tổ phụ nữ cứu quốc”, “Đoàn phụ nữ cứu quốc” sau này là Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với lòng yêu nước, tài năng và trí thông minh, sáng tạo, lớp lớp các thế hệ phụ nữ Hà Nội đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường tham gia các hoạt động xây dựng cơ sở Đảng; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, diệt giặc đói, giặc dốt, chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”... Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, phong trào “Ba đảm đang” chống Mỹ cứu nước đã trở thành một mốc son trong các phong trào hoạt động Cách mạng của phụ nữ Thủ đô. Khởi nguồn từ quê hương Đan Phượng, được Hội LHPN Việt Nam phát động trong toàn quốc, phong trào “Ba đảm đang” đã huy động được sức mạnh của phụ nữ tham gia trên mọi mặt trận, góp công, góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô anh hùng vượt qua những khó khăn, thử thách, cam go khi đế quốc Mỹ mở rộng ném bom bắn phá miền Bắc. Hàng triệu chị em phụ nữ Thủ đô thời kỳ Ba đảm đang không chỉ hăng say trong lao động, sản xuất, xây dựng kiến thiết Thủ đô và chi viện cho tiền tuyến mà còn mưu trí, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, cùng quân dân Hà Nội lập nên chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không”, Hà Nội được thế giới công nhận là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Phát huy truyền thống của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào phụ nữ Ba đảm đang, đội ngũ cán bộ nữ của Thủ đô đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, phát huy được vai trò trên các cương vị lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ nữ của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Những đóng góp của phụ nữ Hà Nội đối với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của Thủ đô sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận và tôn vinh.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi tổ chức Hội LHPN Hà Nội tiếp tục đổi mới, sáng tạo phong trào thi đua mang bản sắc riêng, đồng chí đánh giá thế nào về vai trò và sự phát triển tổ chức Hội Phụ nữ Thủ đô?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Trong thời gian qua, nhất là từ tháng 8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, sau hợp nhất, bám sát sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội và Trung ương Hội LHPN Việt Nam, hoạt động của các cấp hội phụ nữ và phong trào phụ nữ Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp Hội Phụ nữ Thành phố đã năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy truyền thống yêu nước, tài hoa, thanh lịch của giới nữ; tiếp tục phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động mang sắc thái riêng của phụ nữ Thủ đô, đóng góp kinh nghiệm quý đối với phong trào phụ nữ cả nước; đồng thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên. Trong đó, nhiều phong trào đến nay vẫn được duy trì thực hiện và phát triển, trở thành nét đẹp văn hóa của phụ nữ Hà Nội, lan tỏa trong xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Thành ủy luôn trân trọng và đánh giá cao các phong trào thi đua của cấp Hội phụ nữ Hà Nội trong những năm qua, điển hình là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của nữ công nhân viên chức Thủ đô được phát động từ năm 1989, phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng” thực hiện từ năm 1996, phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” từ năm 1998 đã được Trung ương Hội nhân rộng thành phong trào trong toàn quốc; cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” hưởng ứng thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Từ những phong trào thi đua, các cuộc vận động thiết thực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, mô hình sáng tạo, cách làm hay, góp phần tạo dựng những chuẩn mực riêng của phụ nữ Thủ đô “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”. Biết bao việc làm thiết thực, nghĩa cử tốt đẹp và tấm lòng nhân ái của người phụ nữ Thủ đô đã gửi gắm qua những hoạt động ý nghĩa trong việc thực hiện các mô hình, như: “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”; “Chi hội phụ nữ thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Đường hoa phụ nữ tự quản”, “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh - sạch - đẹp thân thiện với môi trường”… Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ, vai trò của tổ chức Hội trong giám sát, phản biện xã hội được nâng lên đã góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

PV: Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm phong trào phụ nữ Việt Nam, xin đồng chí cho ý kiến chỉ đạo về những định hướng hoạt động trong thời gian tới đối với đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và phong trào phụ nữ Thủ đô trong thời kỳ mới?

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng: Chúng ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam càng có ý nghĩa sâu sắc hơn trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang thiết thực tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Với vị trí, vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội phải gương mẫu trong mọi lĩnh vực, tiên phong trong các phong trào cách mạng. Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Thủ đô, Thành ủy luôn tin tưởng tổ chức Hội phụ nữ tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của Thành phố, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Thời gian tới, đề nghị Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, Tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô. Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, thực hiện có hiệu quả “Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động để mở rộng mặt trận đoàn kết các tầng lớp phụ nữ. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng và lan tỏa được nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Thứ ba, tích cực phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố thực hiện tốt Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, nâng cao hiệu quả công tác giám sát phản biện xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tích cực thi đua thực hiện các công trình, phần việc thiết thực chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần vào việc tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội XIII của Đảng.

Thứ tư, Tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử văn hóa, nòng cốt gìn giữ, phát huy tốt giá trị, nét đẹp thanh lịch - văn minh người Tràng An, hỗ trợ phụ nữ về việc làm, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thứ năm, Xây dựng, củng cố tổ chức Hội LHPN Hà Nội vững mạnh, toàn diện; chỉ đạo, hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn các cơ sở Hội, chi, tổ phụ nữ, đội ngũ cán bộ Hội cấp xã và thôn, tổ dân phố theo Đề án số 06-ĐA/TU và Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy bảo đảm hiệu quả sau sắp xếp tổ chức. Chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ nữ các cấp thực sự là những hạt nhân trong phong trào phụ nữ.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tôi xin trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ, hội viên và phụ nữ Hà Nội. Chúc các đồng chí và gia đình luôn luôn dồi dào sức khỏe, nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công.

PV: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí.

ĐỨC HẠNH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

Hội LHPN quận Tây Hồ: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động vay vốn ngân hàng trên địa bàn

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục đưa hoạt động ủy thác cho vay để giải quyết việc làm cho hộ cận nghèo, đối tượng chính sách từ nguồn vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSSH) được hiệu quả, kịp thời phát hiện vấn đề cần khắc phục…  thời gian qua, Hội LHPN quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát với công tác ủy thác cho vay trên địa bàn quận.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.