"Tự hào khi áo dài lên ngôi, đi vào đời sống"

Chia sẻ

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, hưởng ứng hoạt động “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam xung quanh câu chuyện chiếc áo dài Việt.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng các mẫu áo dài do anh thiết kếNTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cùng các mẫu áo dài do anh thiết kế (Ảnh: NVCC)

Có thể nói, áo dài luôn đại diện cho vẻ đẹp Việt, và hành trình đến với công nhận Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia chỉ còn là vấn đề thời gian. Suốt bao năm theo đuổi việc thiết kế áo dài, cảm xúc của anh là gì khi tà áo dài Việt ngày càng có vị trí trong đời sống?

Trong những ngày tháng 10 này, tôi có vinh dự được đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Hà Nội trong các chương trình kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và có nhiều hoạt động hướng tới áo dài được công nhận là di sản. Điều tuyệt vời nhất là tôi thấy áo dài hiện nay đã đi vào trong đời sống.

Áo dài thật sự đang phát triển rất rực rỡ. Trước đây trong các sự kiện như đám cưới, ngày lễ, mọi người thường mặc âu phục, đồ công sở, đầm, thời trang cách điệu… nhưng thời gian gần đây, mọi người đều chú trọng mặc áo dài. Đó là những tín hiệu tích cực chứng tỏ áo dài được công chúng đón nhận và ngày càng phát huy tính truyền thống.

Đã hơn 30 năm theo đuổi sự nghiệp thiết kế, anh đã chứng kiến những thăng trầm của tà áo dài, có thời kỳ rực rỡ như hiện tại, nhưng cũng có thời gian dài bị “ngó lơ”. Có giai đoạn nào đó anh bị… “lung lay” khi theo đuổi sự nghiệp này?

Trước đây, tôi chủ yếu làm dòng thời trang, ít thiết kế áo dài. Khoảng năm 2013, tôi có cơ duyên thiết kế áo dài cho một nữ chính khách. Mỗi dịp gặp gỡ, bác thường kể cho tôi nghe những câu chuyện tự hào khi mặc áo dài ra nước ngoài luôn được các vị chính khách quốc tế khen ngợi như thế nào. Những câu chuyện đó nhen lên trong tôi rất nhiều động lực và kể từ 2014, tôi chủ yếu thiết kế áo dài, nỗ lực mang những bộ sưu tập áo dài Việt tới khắp nơi trên thế giới để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Ngay thời điểm này, ngành thời trang ảnh hưởng lớn vì Covid-19, nhiều hãng phải đóng cửa nhưng áo dài thì không. Áo dài giúp tôi cũng như nhiều nhà thiết kế khác có công việc ổn định, phát triển, điều đó chứng tỏ con đường đi của tôi là đúng. Đó là động lực để tôi ngày càng đam mê, ngày càng muốn cống hiến cho sự phát triển của áo dài nhiều hơn.

Những năm trước, có khá nhiều những ý kiến bức xúc về chuyện áo dài bị lạm dụng trong thiết kế, vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng gần đây, đáng mừng là điều đó đã hạn chế đi rất nhiều. Theo anh, lý do là vì sao?

Áo dài là sản phẩm thời trang, nên nó cũng đi theo dòng chảy, cũng biến đổi theo thời gian. Trước đây, áo dài được may theo quy chuẩn rất khắt khe, những chiếc áo dài suông, không bó sát người, dù cơ thể đẹp hay xấu vẫn có thể mặc.
Hay có những năm, áo dài đi theo xu hướng của các bạn trẻ với các thiết kế lửng ngắn, mặc váy đụp, tạo trào lưu. Các bạn trẻ thích văn hóa truyền thống nhưng cũng thích đi theo những thứ mới lạ, độc đáo, phù hợp với phong cách sống nhanh, sôi động.

Tuy nhiên, khi những chiếc áo dài cách tân quá lố, không hợp thuần phong mỹ tục thì cũng sớm bị đào thải, không được đón nhận và áo dài lại quay trở lại như vẻ đẹp vốn có, gần hơn với những nét truyền thống là một lẽ tự nhiên. Điều đó chứng tỏ văn hóa truyền thống luôn có vị trí quan trọng, những người yêu áo dài luôn có cái nhìn đúng đắn, thanh lọc những điều chưa đúng, chưa phù hợp.

Trước khi được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, nhiều ý kiến cũng cho rằng đã là di sản thì phải có những quy chuẩn cho áo dài, theo anh, điều này có cần thiết không và anh nghĩ nên có những quy chuẩn gì?

Đặt quy chuẩn để áo dài không bị lẫn với những sản phẩm thời trang hay những di sản khác là điều cần thiết. Khi trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia thì áo dài cũng như các di sản khác, cần được tạo ra bằng hình ảnh, văn bản, quy định cụ thể để được gọi tên, lưu giữ, đưa vào hồ sơ để không bị biến tướng, được thay đổi nhưng chỉ trong khuôn khổ.

Tuy nhiên tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng áo dài là sản phẩm thời trang, không nên bị quá gò bó để có thể phát triển phù hợp với thời đại, không gian kiến trúc, văn hóa, kinh tế, chính trị và sự phát triển của con người.

Bên cạnh, đó tôi nghĩ áo dài cần có những quy định mở, bởi người mặc áo dài khác nhau về vóc dáng, làn da, phong cách và chúng ta không thể áp dụng quy chuẩn cứng nhắc. Bên cạnh đó, ngoài việc công nhận bằng văn bản thì cũng cần được quần chúng công nhận, trở thành di sản trong lòng công chúng mới là quan trọng. Vì vậy, nếu có quy chuẩn cũng phải hợp lòng người…

Vừa rồi, ở Huế đã quy định công chức nam cũng mặc áo dài khăn đóng đi làm, anh nghĩ áo dài dành cho nam giới cũng sẽ sớm được yêu chuộng, phát huy, phát triển giống như áo dài của phụ nữ?

Tôi thấy đây là một phong trào tuyệt vời, để áo dài được đón nhận mạnh mẽ hơn trong dòng chảy của thời gian. Hình ảnh công chức mặc áo dài đầu tuần có thể xem là nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, về lâu dài hoặc mở rộng toàn quốc thì cần xét tới yếu tố phù hợp bối cảnh, không gian, thời gian.

Huế là cố đô, danh lam thắng cảnh, diện áo dài rất đẹp, ý tưởng trở thành kinh đô áo dài có thể khả thi, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, với những thành phố hiện đại thì cần phải biến đổi, cách tân, cách điệu cho phù hợp để duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng cũng cần phải phù hợp bối cảnh, tiện ích, môi trường xung quanh.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

VÂN THỦY (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.