Ba bản di chúc thừa kế

Chia sẻ

Mặc dù bố mẹ đã cẩn trọng trong việc lập di chúc cho các con, nhưng hơn chục năm sau, những người con vẫn đưa nhau ra tòa tranh chấp tài sản thừa kế do bố mẹ để lại…

Ba bản di chúc thừa kế - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Vợ chồng cụ Q sinh được 4 người con, gồm có ông C, bà T và ông H đã lập gia đình, còn ông Y đã mất. Cụ T (vợ cụ Q) bị bệnh pakinson. Đến năm 2005, cụ Q thấy sức khỏe ngày càng yếu nên đã chuẩn bị di chúc chia tài sản cho các con.
Năm 2005, cụ đánh máy bản di chúc đầu tiên, trong đó có ghi, hai cụ nay tuổi cao sức yếu, cụ Q đại diện hai vợ chồng lập bản di chúc để chia tài sản cho các con, gồm tiền mặt, nhà ở và giao nghĩa vụ thờ cúng, đối nội, đối ngoại. Bản di chúc này có chữ ký của ba người con của cụ.

Đầu năm 2006, cụ Q lại lập một bản di chúc mới viết tay, xác nhận cụ Q đại diện cho hai vợ chồng viết bản di chúc trong tình trạng tinh thần hoàn toàn minh mẫn và tự nguyện để chia tài sản cho các con. Nội dung bản di chúc giống bản đánh máy năm 2005 và có chữ ký của cụ Q, điểm chỉ của cụ T và chữ ký của hàng xóm là người làm chứng.

Tuy nhiên, để bản di chúc hợp pháp và tránh các con tranh chấp về sau, hai ngày sau, cụ Q tiếp tục lập một bản di chúc mới, có sự hướng dẫn của luật sư. Bản di chúc dài 2 trang, có chữ ký của cụ Q, điểm chỉ của cụ T và lời chứng, chữ ký của hai người làm chứng, trong đó có luật sư. Trong di chúc, cụ Q cho biết, di chúc lập trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị ai cưỡng bức ép buộc. Trong bản di chúc, cụ Q giao toàn bộ diện tích nhà và đất đang ở cho con trai là ông H quản lý, sử dụng.“Phần các con khác dù người được ít người được nhiều nhưng đều đã được chúng tôi chia tài sản. Việc chúng tôi di chúc lại cho H là dứt khoát, nhưng H không được phép chuyển dịch nhà đất dưới bất cứ hình thức nào nếu không có sự đồng ý của anh chị ruột” - cụ Q viết. Đây là di chúc cuối cùng của vợ chồng cụ thay thế các bản di chúc trước.

Năm 2016, ngôi nhà xuống cấp, vợ chồng ông H phải tu sửa, chắp vá nhiều nơi. Được một thời gian, ông H quyết định bán căn nhà để chuyển sang chỗ khác ở. Trước khi bán, ông H mời anh chị đến để bàn bạc và xin phép được bán nhà và dự định tiền bán nhà sẽ chia cho các cháu (con anh trai và chị gái) mỗi người 100 triệu đồng, số tiền còn lại, ông H để mua nhà mới. Thế nhưng, anh trai (ông C) và chị gái (bà T) của ông H không đồng ý. Nếu bán, ông H phải chia cho mỗi cháu được nhiều hơn.

Việc thỏa thuận không thống nhất được, ông C làm đơn kiện ra tòa. Theo đó, ông C đề nghị Tòa án tuyên bố Di chúc của bố mẹ là vô hiệu toàn bộ và chia thừa kế di sản của bố mẹ theo quy định của pháp luật. Bà T cũng đồng ý. Tòa cấp sơ thẩm xét thấy, di chúc thứ ba mà cụ Q lập là hợp pháp đối với phần định đoạt của cụ Q, không hợp pháp với phần định đoạt của cụ T. Vì vậy, quyết định chia phần di chúc của cụ T cho ba người thừa kế ở hàng thứ nhất, định giá tài sản là hơn 1,5 tỷ đồng, mỗi người được hơn 500 triệu đồng. Ông C làm đơn kháng cáo sau đó.

Mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án dân sự Tranh chấp tài sản thừa kế do cha mẹ để lại, do nguyên đơn là ông C, bị đơn là ông H. Tại tòa cấp phúc thẩm, ông C cho rằng, nếu em trai bán nhà thì phải chia phần tài sản mà ông đóng góp để sửa nhà và chia phần thừa kế của bố mẹ. Tại tòa, ông H nói, các anh chị có nhà riêng, công việc ổn định, còn tôi chỉ là lao động tự do, bố mẹ sợ tôi bán nhà nên mới để lại di chúc như thế.

Ông H cho biết, nếu anh chị đòi chia nhà thì yêu cầu tòa chia luôn tài sản bằng tiền mà bố mẹ đã để lại trong di chúc. Tòa hỏi: “Tiền đó để chi tiêu cho ông bà hết rồi, làm sao gọi là tài sản thừa kế được?” - ông H nói, vì anh chị sòng phẳng nên ông cũng phải đòi hỏi quyền lợi cho mình.

Tòa phúc thẩm xem xét tính hợp pháp của di chúc và tuyên sửa bản án sơ thẩm, xác định di chúc cuối cùng mà cụ Q lập có hiệu lực một phần của cụ Q, vô hiệu đối với cụ T. Về phần tài sản, tòa chia cho ông C và bà T mỗi người được gần 400 triệu đồng phần di chúc của cụ Q. Rời tòa, những người con của cụ Q vẫn không hài lòng với kết quả cuối cùng.

Giá như, bản di chúc của cụ Q rõ ràng hơn, phần tài sản được xác định công khai, minh bạch và riêng biệt đối với từng người con thì có lẽ các con cụ đã không tranh chấp tài sản như bây giờ. Và nếu các con cụ nhường nhịn, chia sẻ nhau thêm một chút thì có lẽ, cả ba không phải đối diện với nhau nơi công đường, để tình anh em cũng rạn nứt theo…

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.