Làm rõ phản ánh về SGK lớp 1 trước ngày 17/10

Chia sẻ

Sau nhiều ngày “im lặng”, cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã có văn bản đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo về nội dung dư luận phản ánh, bức xúc liên quan tới SGK Tiếng Việt lớp 1.

SGK Tiếng Việt thuộc bộ Cánh Diều vừa đưa vào giảng dạy đã bị chỉ trích vì quá nhiều sạnSGK Tiếng Việt thuộc bộ Cánh Diều vừa đưa vào giảng dạy đã bị chỉ trích vì quá nhiều sạn

Cụ thể, Bộ GD-ĐT nêu rõ triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, SGK mới ở một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy SGK lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu. Học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập. Tuy nhiên, trước các phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp với học sinh lớp 1, Bộ GD-ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu; báo cáo gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17/10.

Trước đó, dư luận từng lên tiếng bức xúc vì SGK lớp 1 có quá nhiều lỗi sai không thể chấp nhận. Chẳng hạn, theo phản ánh, trong bài “Chuột út” gọi gà trống là thú dữ là không hợp lý. Câu chuyện cũng trích dẫn sai truyện của nhà văn nổi tiếng Lép-Tôn-Xtôi nên nội dung vừa thô, tạo sự liên tưởng sai cho trẻ em về sự vật, hiện tượng. Tương tự, bộ sách cũng dùng nhiều từ được cho là lạ lẫm, không quen thuộc với học sinh lớp 1 như từ “nhá” thay cho từ “nhai”, “gà con” viết thành “gà nhiếp”… Bị chỉ trích nhiều nhất là một số bài học phản giáo dục, thậm chí cổ xúy thói bạo lực, lừa lọc như một bài tập đọc đưa ra ví dụ: “Cua để cò đưa đi, cò cắp cua đến gò đất nhỏ. Nó mổ cua. Cua bèn giơ gươm, kẹp cổ cò”. Một ví dụ khác: “Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần chén hết đàn cá”.

Trước phản ứng của dư luận, GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 1 đã lên tiếng phản biện, cho rằng nhóm tác giả có quan điểm riêng khi làm sách. Phản hồi phê bình bộ sách đã sử dụng phương ngữ, học sinh không hiểu, GS Thuyết cho rằng theo chương trình thì đến phần có bài tập đọc này học sinh chưa học đến vần “ai”, nên tác giả sách sử dụng từ “nhá” thay cho từ “nhai”. Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê.

Hoặc như bài “Cua, cò và đàn cá”, theo GS Thuyết cho rằng đây là bài đọc theo truyện dân gian Việt Nam, mỗi người có thể rút ra các bài học khác nhau. Người này cho rằng bài này dạy học sinh khôn lỏi, nhưng người kia lại rút ra được bài học cảnh giác.

Sau “đăng đàn” của vị tổng chủ biên, công chúng lại tiếp tục dấy lên nhiều tranh cãi. Bên phản đối tiếp tục chỉ trích, lên án việc biên soạn sách cẩu thả và yêu cầu nhóm làm sách phải chịu trách nhiệm. Trong khi phía ngược lại cho rằng, lời giải thích của tác giả là có tình, có lý, cần được ghi nhận.

T.A

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.