Bài 1: Vai trò tham chính của phụ nữ: Xác lập vị thế bình đẳng

Chia sẻ

Nâng cao quyền của phụ nữ trong đời sống là cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước ta. Trong các chủ trương, chính sách luôn quan tâm đến vấn đề phát triển phụ nữ, trong đó có việc thúc đẩy và đảm bảo bình đẳng giới trong Quyền tham chính của phụ nữ.

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý lãnh đạo chính là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ lâu dài của xã hội. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc thu hút sự tham chính của phụ nữ để phát huy nguồn lực trí tuệ của họ là một trong những chính sách ưu tiên của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thúc đẩy quyền tham chính của phụ nữ tại Việt Nam

Thực tiễn đã chứng minh chỉ khi phụ nữ được tham gia vào các vị trí lãnh đạo và quản lý trong xã hội thì họ mới có cơ hội để thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Do đó, quyền tham chính là quyền cơ bản và quan trọng nhất để thực hiện bình đẳng giới cho người phụ nữ. Việc nâng cao vai trò tham chính của phụ nữ sẽ tạo ra động lực phát triển xã hội cả về cơ sở vật chất và cuộc sống văn hóa tinh thần.

Những nữ đại biểu Quốc hội giải lao trong kỳ họp (ảnh int)Những nữ đại biểu Quốc hội giải lao trong kỳ họp (ảnh int)

Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn các Công ước quốc tế quan trọng về quyền bình đẳng cho phụ nữ, bao gồm: Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước về các quyền chính trị và dân sự, các Công ước của ILO về trả lương bình đẳng và phân biệt đối xử. Việt Nam cam kết đảm bảo tham gia của phụ nữ trong chính trị và khu vực nhà nước như là một quyền buộc chính phủ hỗ trợ thông qua các can thiệp.

Đến năm 2025, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều kiện thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban lãnh đạo các cơ quan chuyên môn (thuộc UBND cấp tỉnh), UBND cấp tỉnh; trong tập thể lãnh đạo HĐND và UBND từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế - xã hội chưa phát triển có thể đặt tỷ lệ cán bộ nữ thấp hơn, song ít nhất không dưới 30% tổng số cán bộ, công chức lãnh đạo chủ chốt. Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 đến 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35%.

Đến năm 2030, 75% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp đảm bảo có phụ nữ tham gia ban lãnh đạo; trong đó, ít nhất 30% tham gia các vị trí lãnh đạo chủ chốt. 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).

(Theo Đề án “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn đến năm 2030” do Bộ Nội vụ xây dựng).

Theo đó, chúng ta đã có nhiều chính sách, nghị định, nghị quyết thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp và hành chính của Chính phủ như: Hiến pháp (1992) đảm bảo nam và nữ có quyền bình đẳng; Luật Bình đẳng giới (2007) tạo ra khung pháp lý về phụ nữ có thể hiện thực hóa quyền đại diện bình đẳng; Chương trình hành động của Chính phủ về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại đất nước đến năm 2020 kêu gọi sự bình đẳng giữa nam và nữ trên tất cả các lĩnh vực; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) 2011-2020 và Chương trình quốc gia về BĐG năm 2011-2015 bao gồm các mục tiêu và dự án hoạt động cụ thể tăng cường lãnh đạo nữ trong lĩnh vực hành chính và lập pháp, cũng như tăng cường các ứng viên nữ chuẩn bị cho bầu cử vào cơ quan đại diện quyền lực. Chiến lược và Chương trình quốc gia là hai văn bản định lượng bình đẳng giới (BĐG) ở Việt Nam.

Với những chủ trương, chính sách đó, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội tham chính, quyền tham chính của họ đã được công nhận và định vị trong xã hội. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy: Về cơ bản, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành (BCH) TW Đảng, Quốc hội, Cấp ủy và HĐND các cấp trong 10 năm qua đã có sự tăng lên. Tỷ lệ nữ tham gia Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng có sự tăng lên liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ. Kết quả bầu cử cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy sự thành công trong công tác cán bộ nữ của toàn Đảng ở cấp cơ sở, với 19,07% nữ, tăng so với nhiệm kỳ trước (18,1%) và vượt xa mức yêu cầu của Trung ương (15%). Đặc biệt, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung (đại học Quốc gia Hà Nội), tỷ lệ tham chính của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ bầu cử Quốc hội đã đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước có tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan lập pháp cao nhất châu Á, cũng như trên thế giới (trên 25%), cao hơn hẳn Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực. Việt Nam đứng thứ 37 trong tổng số 188 nước trên thế giới về tỷ lệ phụ nữ trong cơ quan lập pháp (số liệu tính đến ngày 31/1/2011 trên cơ sở báo cáo của cơ quan lập pháp các nước).

Tạo vị thế của phụ nữ trong vai trò tham chính

Vai trò tham chính của phụ nữ là yếu tố xác lập vị thế bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong đời sống chính trị - xã hội. Chỉ thông qua đó, phụ nữ mới được đảm bảo cho sự tham gia vào quá trình ra các quyết định gắn liền với quyền và nghĩa vụ của họ trên mọi lĩnh vực. Đây chính là sự bình đẳng về thực chất. Mặt khác, tham chính của phụ nữ vào các cấp ra quyết định sẽ đảm bảo cho những chính sách của nhà nước có sự cân bằng về giới hơn, điều đó phản ánh sự dân chủ trong xã hội. Việc thực hiện quyền tham chính của phụ nữ sẽ là điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội của phụ nữ.

Nhiều cuộc hội thảo khoa học về quyền tham chính của phụ nữ đã được các cấp, các ngành tổ chức nhằm tìm ra giải pháp đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ (ảnh: Int)Nhiều cuộc hội thảo khoa học về quyền tham chính của phụ nữ đã được các cấp, các ngành tổ chức nhằm tìm ra giải pháp đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ (ảnh: Int)

Căn cứ vào Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ và Luật Bình đẳng giới của Việt Nam, thì các chỉ tiêu về tỷ lệ lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị là một biện pháp tích cực tạm thời, nhằm giảm khoảng cách giới trong những lĩnh vực hiện còn tồn tại khoảng cách giới lớn. Việt Nam hiện đang đối diện với khoảng cách giới lớn trong lĩnh vực chính trị (theo Diễn đàn Kinh tế thế giới), nên bản chất các chỉ tiêu BĐG trong lĩnh vực chính trị là một biện pháp tích cực nhằm giúp Việt Nam phấn đấu thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này. Đưa ra chỉ tiêu thấp sẽ không thu hẹp được việc thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

Tiến sĩ Lương Thu Hiền-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (góp ý mục tiêu tăng cường BĐG trong lĩnh vực chính trị trong dự thảo Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030).

Tiến sĩ Vương Thị Hanh - Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và nâng cao Năng lực phụ nữ (Cepew) cho rằng: Phụ nữ tham chính là có cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Phụ nữ và nam giới có những trải nghiệm và những kinh nghiệm thực tế khác nhau. Sự nhìn nhận và quan điểm của phụ nữ trong giải quyết những vấn đề của cuộc sống có những điểm riêng. Vì thế, tiếng nói ảnh hưởng của phụ nữ sẽ giúp quá trình ra quyết định thấu đáo và sáng suốt hơn, làm cho chính sách công mang tính toàn diện, bao trùm hơn, đem lại lợi ích bình đẳng và công bằng cho cả phụ nữ, nam giới và những đối tượng thiệt thòi trong xã hội.

Mặt khác, theo tiến sĩ Hanh, phụ nữ tham chính còn phát huy được “Quyền lực mềm” – là khả năng thu hút, thuyết phục dựa vào uy tín và ảnh hưởng để công chúng tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ. “Quyền lực mềm” là một ưu thế giúp phụ nữ nâng cao hiệu quả quản lý, lãnh đạo. Dưới góc độ quản trị nhà nước, “quyền lực mềm” được phát huy sẽ thúc đẩy chính quyền các cấp thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình và minh bạch cao hơn. Phụ nữ tham chính ở vị trí lãnh đạo cấp cao quốc gia, địa phương và cộng đồng mang tầm chiến lược, trở thành một trọng tâm quan trọng trong chính sách phát triển toàn cầu.

Như vậy, trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc thiết lập chỉ tiêu tham chính của phụ nữ là một công cụ quan trọng giúp thúc đẩy tiến trình BĐG. Tuy nhiên mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi khuôn khổ pháp lý về vấn đề này được xây dựng thực sự hợp lý.

THU HÀ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.