Chồng... khộng khệnh

Chia sẻ

“Ối anh ơi, anh ăn to làm lớn làm gì? Giờ vỡ nợ hàng tỷ thế này thì lấy đâu mà trả?!”. Quế khóc khản hết cả giọng, trong khi Phong – chồng cô, thì vẫn ngồi nhâm nhi chén rượu, mặt tỉnh queo “Thua keo này thì bày keo khác! Khóc lóc cái gì!”...

Tình yêu học trò

Quế là thạc sỹ ngành Khoa học xã hội. Cô con nhà lành, học giỏi, chỉ chí thú chuyện học hành, chắc vì vậy nên ít biết những lắt léo trong cuộc sống. Quế gặp Phong trong một lần sinh viên 2 trường đại học giao lưu. Phong học ngành Kinh tế, anh chủ động làm quen và sau này mọi chuyện cuộc đời của Quế đều do một tay anh ta chủ động quyết hết. Từ chuyện Phong ngỏ lời yêu chỉ ít ngày sau cuộc gặp khiến Quế ngỡ ngàng. Nhưng nghe Phong nói anh bị sét đánh khi lần đầu nhìn thấy em, bị vẻ đẹp thuần khiết, đoan trang, thông minh của em chinh phục, đã khiến Quế thấy như bay trên không, trái tim cô rung động, lý trí mất thăng bằng. Mặc dù Quế cố bình tĩnh trả lời “Cho em suy nghĩ đã”, nhưng Phong không để cô suy nghĩ nhiều, anh ập đến ngay như cơn bão cấp 13, quét sạch trong cô mọi lăn tăn cân nhắc. Quế nói, cô còn muốn học lên sau đại học, Phong ok, nói sẽ lo hết mọi việc cho cô thỏa thích học lên, thậm chí có thể học xong tiến sĩ! Quế nói, bố mẹ em sẽ không thích anh, thậm chí sẽ phản đối vì ông bà có chuyện gì đó mà không thích “hoa thanh quế”. Phong cười tươi: “Có người không thích quê này, có người không thích quê kia. Chả sao! Miễn là anh đem lại hạnh phúc đích thực cho con gái các cụ, thì các cụ lại mê anh con rể này tít thò lò luôn ấy chứ!”.

Thế là Quế nhận lời yêu của Phong. Cô cứ nghĩ anh này hồn nhiên, vui vẻ, hết lòng yêu thương như thế thì cuộc đời cô sẽ hạnh phúc viên mãn. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi Quế tốt nghiệp, Phong đòi cưới ngay, cô không chịu, nói phải học xong thạc sĩ thì mới cưới, thì Phong kiên quyết bắt cưới. Thấy thái độ của Phong có vẻ xem thường mình, Quế ngạc nhiên “Nếu anh ép em cưới thì em sẽ chia tay. Anh không giữ lời hứa để cho em học lên đến tiến sĩ. Như vậy chúng ta không hợp nhau! Anh nên về đi!”. Phong hơi ngẩn người khi thấy thái độ phản ứng quyết liệt của Quế. Nhưng cô đã bỏ đi, không nghe Phong phân trần như mọi khi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Quế vào phòng, ấm ức khóc. Cô cảm thấy bị người cô tin yêu phản bội. Quế quyết tâm chia tay Phong để tập trung học lên đã. Suất học chuyển thẳng lên thạc sĩ này cả khóa hàng mấy trăm sinh viên chỉ mỗi mình cô được nhờ kết quả học xuất sắc. Vả lại Phong là kẻ không giữ lời hứa nên cô thấy mình chia tay là đúng. Cuộc đời còn dài, cô còn trẻ, sẽ không thiếu gì chàng trai hợp với cô. Bố mẹ nghe tin con gái đã chia tay cái chàng mà họ không mấy cảm tình thì rất vui mừng.

Cả tin, mất trắng

Nhưng Quế lại nhanh chóng bị Phong lung lạc. Sau một loạt tin nhắn “xin sửa chữa lỗi lầm” của Phong không được Quế trả lời, Phong đến tìm cô, trên tay ôm một bó hồng bạch, thứ hoa mà Quế thích nhất. Phong đã thuyết phục được Quế, rằng “sẽ hoãn không cưới vội nữa, em thích học cứ học, chỉ cần em biết rằng anh yêu chiều em hết mực và không ngăn cản bất cứ gì em thích. Nếu không có tình yêu của em thì anh sống trên đời không có ý nghĩa gì. Quế lại cảm động rưng rưng, nghĩ rằng người đàn ông có tấm chân tình như vậy thì sao mình có thể rũ bỏ chứ!

Thế rồi Quế theo học lên thạc sĩ, Phong xoắn xuýt đón đưa. Thế nên Quế nhanh chóng cảm thấy đây chính là người đàn ông của đời mình. Vì vậy, không lâu sau cô đồng ý cưới mặc dù việc vừa đi làm vừa học thạc sĩ không cho cô thời gian nghỉ ngơi.

Cưới Phong rồi, có lúc Quế nghĩ có lẽ cô đã sai lầm, bởi Phong khác hẳn với khi yêu, không còn yêu chiều đưa đón, không hỏi ý kiến vợ bất cứ việc gì. Bạn gái thân của Quế cũng ngạc nhiên, nhận xét “Ông Phong này sau khi cưới được vợ rồi thì nghe có vẻ... khộng khệnh tợn”.

Khộng khệnh đầu tiên là Phong thôi việc, nhận lời làm phó giám đốc một công ty TNHH mà không hề hỏi vợ một câu. Quế biết chuyện thì lo lắng lắm bởi vì công ty kia mới thành lập, chưa có lương bổng gì, mà Phong tỏ ra háo danh cái chức PGĐ, bỏ chân kỹ sư ở tập đoàn lớn, lương gần 20 triệu/ tháng, trong khi Quế sắp sinh con đầu lòng. 3 tháng công ty không trả lương cho Phong, tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền ăn... không thể chỉ nhìn vào lương của Quế. Cô đành lặng lẽ rút tiền tiết kiệm (dự định mua chung cư trả góp) ra chi tiêu. Phong bỏ việc nhảy qua công ty khác, nhận làm giảng viên cho công ty bán hàng đa cấp bất chấp sự can ngăn của vợ là không cẩn thận anh trở thành kẻ tiếp tay cho người ta lừa đảo đấy. Lại được mấy tháng, công ty đa cấp lộ vẻ lừa đảo, Phong vội bỏ việc. Nhưng lần này đến 5-6 tháng sau Phong vẫn không xin được việc, trong khi Quế nghỉ sinh con thì chỉ được hưởng có mỗi lương bảo hiểm vài ba triệu bạc.

Khó khăn như vậy, nhưng bạn bè Quế tạo việc làm cho thì Phong đều chê “Không phải việc xứng tầm”. Thế rồi Phong quyết định tự lập công ty. Đã không xu dính túi nhưng Phong quyết đầu tư mở trường dạy học kỳ quân đội cho học sinh. Phong nói với vợ như đinh đóng cột “xã hội đang mốt, em yên tâm, đợt này tha hồ thu tiền”. Phong gọi mua hàng ngàn bộ quần áo kiểu quân đội cho các độ tuổi HS từ mẫu giáo đến lớp 12. Phong ký hợp đồng thuê nhà, thuê trang trại thiết kế lại thành kiểu doanh trại quân đội, có phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, đồ dùng cá nhân (giường, tủ, chăn màn, bát đĩa...), sân chơi thể thao, thao trường... Tiền đổ vào như nước. Chi trả trước 50% đã lên đến gần nửa tỉ đồng. Lấy đâu ra? Phong nhờ vợ vay của bố mẹ đẻ, của cô dì chú bác, của vợ chồng em gái Quế, rồi vay sang cả bạn bè của vợ, cắm cả sổ lương của vợ vay ngân hàng.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Không biết Phong tính sai hay số đen, hè năm đó có lệnh cấm các cơ sở, các công ty tự ý tuyển sinh học sinh vào học các lớp “hè quân đội”, vì có một số cơ sở bị tố là đánh đập học sinh khi ở lưu trú. Thế là Phong vỡ trận. Khó khăn chồng chất. Quế nuốt nước mắt cầu cứu bố mẹ hỗ trợ mỗi tháng 2-3 triệu đồng để sinh sống. Vậy mà Phong không cần biết, anh cũng chả lo lắng xem tiền ở đâu mà sống, nuôi con, và trả đống nợ ngập đầu. Quế rụt rè nói chồng vay của bên nội một ít, Phong tỉnh bơ “Bố mẹ anh không sẵn tiền như bố mẹ em đâu mà hỏi vay với mượn. Ai bảo em vay lung tung? Nay khó khăn thì nói mọi người thông cảm, từ từ rồi trả dần”. Quế thấy cay dọc sống mũi “Em đã can anh đừng làm to, cứ làm từ từ rồi được thì tăng quy mô, mà anh không nghe. Anh nói em đi vay tiền chứ em có tự ý vay đâu? Giờ đổ lỗi cho em à?”. “Tại em đổ lỗi cho chồng em trước” - Phong cao giọng – “Tốt nhất em im đi, để anh nghĩ cách, đừng lải nhải nữa”. Quế đành im lặng, trào nước mắt cay đắng.

Trong khi mọi người đua nhau đòi nợ nhà Quế, tưởng Phong nghĩ ra kế gì, ai ngờ Phong lại... vay vốn 100 triệu “để mua 1 hợp đồng góp vốn” của một công ty mới thành lập bởi một nhóm Việt kiều. Theo Phong thì công ty này đồng ý nhận Phong vào làm giám đốc một chi nhánh huy động vốn, mức lương trả cho Phong 10 triệu/ tháng cộng với 8% vốn huy động được (ví dụ có người góp vốn 1 tỷ thì Phong lập tức được 80 triệu). Nhưng để thể hiện “thái độ làm việc Pro – chuyên nghiệp”, thì bản thân phải góp tối thiểu 1 hợp đồng, mức hợp đồng tối thiểu là 100 triệu. Theo Phong giải thích thì lợi nhuận rất “khủng”, 20%/ tháng, trả trước ngay và luôn khi khách ký hợp đồng. Như vậy 100 triệu Phong góp vốn thì trong hợp đồng đã ghi số tiền 120 triệu, và tuyệt vời hơn (hay kỳ lạ hơn?) nữa là 20 triệu vừa được công ty trả lãi đó cũng được tính lãi luôn thêm 2 triệu nữa, nhưng 2 triệu này coi là tiền lẻ, công ty không nhận mà gợi ý khách hàng nên đưa về liên hoan gia đình! Phong khoe rằng có người góp 1 tỉ là được luôn 200 triệu kèm 20 triệu đưa về... liên hoan. Đã có nhiều người cầm cố nhà cửa vay ngân hàng, góp vốn 3 tỉ, 5 tỉ, 8 tỉ... rất khủng!

Quế nghe chồng nói không thấy vui mừng mà thấy lo ù cả tai. Cô hỏi chồng “Công ty này họ kinh doanh gì mà lãi suất khủng khiếp vậy anh? Nếu trả lãi 20% thì gửi vốn 1 năm sẽ thu về hơn 2 lần sao?”. “Công ty này năng động lắm, vì chủ là Việt kiều mà. Họ buôn bán những loại giống quý hiếm, giá cao, lãi cao, như giống cây Mắc-ca, tôm hùm giống”. Quế kinh ngạc, cô không phải nhà nông học, nhưng cô cũng biết rõ rằng lãi buôn bán giống cây dù quý đến đâu, hay giống tôm hùm tôm hổ gì đi nữa, cũng không thể lãi trên 200%/ năm được. Cô lại ra sức can ngăn chồng nhưng Phong không nghe, lại khộng khệnh chê vợ: “Thạc sĩ gì mà thiếu trí tuệ thế? Phải năng động, dám nghĩ dám làm thì mới giàu nhanh được! Lần này tiền anh vay anh tự trả, em không phải lo. Chắc chắn chỉ 1 tuần là anh có mấy hợp đồng khách góp vốn thì anh tha hồ có tiền để tiếp tục góp thêm hợp đồng khác”.

Thế là bất chấp vợ can ngăn, Phong ôm 100 triệu vay được đem góp vốn, rồi mang hợp đồng ghi rõ 120 triệu về khoe vợ. Quế chán chả thèm nhìn. Cô nhìn mâm cơm đạm bạc từ mấy tháng nay toàn đậu phụ với tép rim, rồi ngán ngẩm nhìn chồng. Một đống nợ chồng chất lên người 2 vợ chồng, nay lại thêm cái hợp đồng góp vốn này nữa, lại càng nợ chồng thêm nợ. Quế hỏi chồng “Sao anh không gửi 100 triệu thôi, còn lãi 20 triệu thì anh đem về trả bớt một chút nợ cho em gái em, nó sắp sinh cũng cần tiền đấy”. Phong nhìn vợ như người ngoài hành tinh “Em hâm à? Công ty họ quy định trả cho mình lãi đó là phải gửi tiếp 1 năm chứ. Làm như họ dại lắm!”. Quế bật ra “Họ không dại thì anh dại rồi! Thể nào anh cũng mất số tiền này”. Phong mắng vợ “Vớ vẩn! Bao nhiêu đại gia cao thủ đều ùn ùn đến góp vốn. Tiếc là mình không có tiền tỉ mà góp, lãi nhanh lắm. Em đừng nói gở”.

Chả biết tại Quế nói gở hay tại “cô ty lưa”! Phong vào làm được hơn tháng, còn chưa kịp lĩnh tháng lương nào và cũng chưa “dụ” được khách nào đến góp vốn để hưởng 8%, thì Công an đã tóm gọn toàn bộ ban giám đốc cùng phòng kế toán công ty vì can tội lừa đảo. Phong thất thểu trở về nhà, nằm vật ra giường. Quế òa lên khóc vì gánh nặng nợ nần tăng thêm trên đôi vai gầy mảnh của cô!

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.