“Ân nhân” của rặng Lát đường Lê Trọng Tấn

Chia sẻ

Những người thuê cửa hàng bán giày ở đầu đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội đều yêu quý bác Vũ Thị Kim Quy, 78 tuổi, cựu cán bộ Phụ nữ của khu phố. Bên cạch việc ân cần, hồn hậu, ngày nào bác cũng quét sạch bóng một đoạn phố mà chẳng ca thán gì thì bác còn được xem là ân nhân của rặng Lát hai bên đường ở đoạn phố này.

Bởi từ khi rặng cây mới trồng, nhiều cây tưởng sắp chết đã được bác vun xới, chăm tưới cho chúng sống lại, tốt tươi.

Nhìn rặng Lát xanh tươi, um tùm che bóng mát suốt một dãy phố được dọn sạch phía dưới gốc cây, tôi ngạc nhiên nghĩ bụng: “Sao cây xanh ở bên đường lại được chăm chút như cây cảnh trồng ở nhà riêng như vậy?”. Ngước lên, bắt gặp một bác gái đã lớn tuổi đang cầm xô nước, tôi vui miệng bèn hỏi: “Bác tưới cho những cây xanh này ạ?”. Bác hồ hởi cho biết: “Hôm nay tiện tưới cho những khóm cây trước cửa nhà, bác mới xách nước ra tưới cho đám cây này. Chứ trước đây thì cứ phải tầm 8h tối, khi vãn người qua lại bác mới có thể chăm cho chúng được”. Mấy chị em bán hàng giày dép ở gần đấy góp chuyện: “Ngày nào bác cũng tưới cho những cây xanh bên đường ở đây chị ạ. Bác còn quét dọn sạch bóng cả một đoạn đường. Chúng em thuê nhà bác bao lâu nay, sắp phải chuyển đi rồi, thấy tiếc lắm, hiếm khi gặp được một chủ nhà như bác đây”.

BácBác Vũ Thị Kim Quy, 78 tuổi, tình nguyện chăm sóc rặng cây để gìn giữ màu xanh.

Bác là Vũ Thị Kim Quy, năm nay 78 tuổi, trước đây làm bác sĩ khoa nội ở bệnh viện Bạch Mai, nhưng sau đó bác về Nam Định để tiện chăm sóc bố mẹ, gia đình nên chuyển về công tác tại một bệnh viện ở Nam Định rồi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, bác lên Hà Nội ở cùng các con. Từ khi về Hà Nội, bác tham gia sinh hoạt trong chi Hội Phụ nữ tổ 15 phường Khương Mai, quận Thanh Xuân. Bác Kim Quy tự hào là trong suốt 12 năm, năm nào chi Hội cũng được phường, quận khen thưởng và là chi Hội xuất sắc. Chi Hội của bác còn được báo cáo trong chương trình “Chống tệ nạn bạo lực gia đình” của thành phố. Vì tham gia các công tác của chi Hội Phụ nữ tại phường nên các bác thường chủ động làm các công tác cộng đồng. Rặng Lát này từ khi chưa làm đường đã được trồng và nhiều cây có nguy cơ bị chết. Trong nhiều ngày, bác Quy phải đi gom đầu tôm, đầu cá chôn dưới gốc để cây có dưỡng chất, mỗi cây ít ra cũng được 2kg đầu tôm, đầu cá.

Cây Lát vẫn được nhân dân Việt Nam quen tên với cách gọi: “Cây Lim - cây Lát” bởi nó là một trong những cây lấy gỗ được xếp vào nhóm 1. Nhưng cây Lát lại thuộc họ xoan. Trước đây cây Lát chỉ có ở trên rừng, những năm gần đây cây Lát đã được chọn làm cây công trình, dùng để phủ xanh đường phố bởi cây khỏe, cành lá xum xuê, tươi tốt. Vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa tạo bóng mát, thanh lọc không khí. Thân cây to, gốc chắc, bám sâu vào lòng đất, không sợ bị bật, bị đổ khi bão gió lại có khả năng che chắn và giữ mạch nước ngầm. Rặng Lát hai bên đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội góp phần làm cho khu phố thơ mộng và dịu mát. Những khóm Lát ở đoạn đầu phố dường như phổng phao, tươi tắn hơn hẳn chắc là nhờ một phần công sức của bác Kim Quy.

Không có gìKhông có gì tuyệt bằng được sống trong bầu không khí trong lành.

Không có gì tuyệt bằng được sống trong bầu không khí trong lành, thơm ngát hương hoa cỏ và mướt mát màu xanh. Bác Kim Quy còn chia sẻ với chúng tôi: “Nhà bác có 4 cây Thiết Mộc Lan đẹp lắm, ở ngay phía trước nhà. Còn trên sân thượng hoa tươi bốn mùa trổ bông, chỉ ngắm nhìn thiên nhiên thôi bác cũng đã thấy khỏe hẳn cả người”.

Giá như ở mỗi con phố Hà Nội luôn có những người yêu cây xanh, hết lòng với công tác cộng đồng như bác Kim Quy thì Hà Nội chắc chắn sẽ luôn xanh - sạch - đẹp.

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.