Làm gì để tránh "vết xe đổ" từ sách giáo khoa lớp 1?

Chia sẻ

Mặc dù đã được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và đánh giá là “Đạt”, SGK lớp 1 chương trình mới bộ Cánh Diều vẫn bị phát hiện có nhiều sạn. Vì thế, SGK lớp 2 và lớp 6 mới đang trong giai đoạn được thẩm định để đưa vào giảng dạy vào năm học kế tiếp đang rất được mọi người quan tâm.

Dư luận mong muốn việc thẩm định SGK lớp 2 và 6 sẽ tránh được “vết xe đổ” như SGK lớp 1 để giáo viên yên tâm giảng dạy.Dư luận mong muốn việc thẩm định SGK lớp 2 và 6 sẽ tránh được “vết xe đổ” như SGK lớp 1 để giáo viên yên tâm giảng dạy. (Ảnh: Nguyến Thực)

Khi thẩm định cần xem xét kỹ từng câu, chữ

Theo ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 2 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 2, Bộ GD-ĐT đã nhận được 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2. Trong số này, môn toán có 4 bản mẫu, môn tự chọn tiếng Anh có 8 bản, các môn còn lại gồm: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu. Bộ GD-ĐT đã thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới. Hai hội đồng có số lượng thành viên ít nhất là 7, các hội đồng còn lại có từ 9 đến 15 thành viên.

Đối với SGK lớp 6, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã nhận được 43 bản mẫu SGK của 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, môn Tin học có 4 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu. Hội đồng thẩm định SGK lớp 6 bao gồm 128 thành viên của 12 các môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan.

Trước 15/11, trình Bộ phương án sửa chữa sai sót trong SGK lớp 1 mới

Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều, trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Cụ thể, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá" trang 115, bài "Hai con ngựa" trang 157, bài "Lừa, thỏ và cọp" trang 163...; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "chén"... Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài đa nghĩa, nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng văn học Việt Nam. Bộ GD-ĐT yêu cầu NXB và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa trước ngày 15/11/2020.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khi thẩm định SGK, các thành viên Hội đồng thẩm định cần nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình từng môn học, hiểu rõ sự khác biệt của chương trình hiện hành so với chương trình giáo dục mới, để từ đó thấy được cách tiếp cận của SGK mới so với sách hiện hành khác nhau như thế nào để có sự phân tích, đánh giá sách mới tốt hơn. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ từng câu chữ, hình ảnh của từng bản mẫu để hiểu ý tưởng, triết lý của cuốn sách; tìm ra cái hay, cái mới, điểm sáng tạo của tác phẩm và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu tốt hơn.

Làm gì để lỗi không lặp lại?

Có thể thấy, quy trình thẩm định SGK đã được quy định chặt chẽ về mặt lý thuyết và hoạt động cũng trên nguyên tắc như khi thẩm định SGK lớp 1 mới. Tuy nhiên, trở lại với bộ SGK Cánh Diều, mặc dù đã trải qua hai vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định với 100% thành viên bỏ phiếu “Đạt”, sau đó là vòng thẩm định của nhiều nhà trường với sự tham gia của giáo viên, PHHS… khi lựa chọn sách, bộ Cánh Diều sau khi được đưa vào giảng dạy vẫn bị phát hiện có nhiều lỗi khiến dư luận bức xúc.

TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong thẩm định SGK lớp 1 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã làm đúng quy trình theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục sửa đổi. Kết quả của từng khâu thẩm định như thế nào lại là một câu chuyện khác. Rút kinh nghiệm từ bộ SGK lớp 1, theo TS. Thắng, một bộ SGK có thể tránh được sai sót nếu được kéo dài thời gian thử nghiệm và phạm vi thử nghiệm. Đặc biệt, có thể yêu cầu các nhóm tác giả công khai các bản thảo trên mạng để lấy ý kiến công chúng, sau đó tổng hợp ý kiến đóng góp, nhận xét, phản biện trước khi Hội đồng thẩm định SGK làm việc.

Trong khi đó, theo chia sẻ của TS Vũ Thu Hương, đại học Sư phạm Hà Nội, hội đồng thẩm định SGK có vai trò quan trọng, có quyền thông qua hoặc yêu cầu tác giả bộ sách phải hoàn thiện sửa chữa một phần nội dung trong sách hoặc thậm chí không thông qua. Nếu trong quá trình thẩm định, phát hiện ra các sai sót, bất hợp lý, Hội đồng thẩm định cần yêu cầu tác giả sửa chữa rồi mới thông qua chứ không chỉ là đưa ra các khuyến cáo còn tác giả có thực hiện hay không thì tùy.

LÊ THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục