Bài 3: Xử phạt hành vi gây bạo lực: Nạn nhân phải nộp phạt thay... thủ phạm

Chia sẻ

Pháp luật đã có quy định xử phạt thủ phạm gây bạo lực gia đình. Thế nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, chuyện nực cười là nhiều người vợ - nạn nhân của bạo lực gia đình phải đứng ra nộp phạt thay cho chồng - chính là thủ phạm gây bạo lực.

Bài 3: Xử phạt hành vi gây bạo lực: Nạn nhân phải nộp phạt thay... thủ phạm - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Bị đánh còn mất tiền… bảo lãnh chồng về

Tháng 8/2020, chị N (trú tại Hà Nội) phát hiện chồng ngoại tình. Vì không chấp nhận người chồng phản bội nên chị dọn ra ngoài sống ly thân. Không thể thuyết phục được vợ quay về sống chung, chồng chị N tìm đến nơi ở của chị gây sự và đánh đập khiến chị N bị thương phải vào viện điều trị. Quá bức xúc, bố mẹ chị N đã làm đơn tố cáo hành vi bạo lực của con rể gửi công an. Tuy nhiên, ngay sau đó, chị N đã chủ động rút đơn và chấp nhận nộp phạt thay chồng. Một tuần sau khi được thả về, chồng chị N tiếp tục gây sự và đánh đập vợ tàn bạo hơn.

Câu chuyện phụ nữ bị chồng đánh đập rồi lại phải mang tiền đi nộp phạt cho chồng nếu họ bị chính quyền xử lý như chị N không còn hiếm trong cuộc sống.

“Để việc xử phạt khả thi hơn, có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân, việc sửa đổi luật cần hướng tới một số hành vi chuyển từ chế tài phạt tiền sang chế tài lao động công ích. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế phạt tiền người gây BLGĐ là người vợ/chồng bằng hình thức giáo dục bắt buộc” - luật sư Cường đề nghị.

Trong suốt nhiều năm hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, các nhân viên tư vấn tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) gặp rất nhiều trường hợp nạn nhân bạo lực phải đóng tiền phạt để bảo lãnh cho chồng trở về. Điển hình như trường hợp chị K.H (37 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) lấy chồng, có hai con thường xuyên bị chồng bạo hành về thể chất và tinh thần. Có lần chị bị chồng dùng gậy to đánh bị thương nặng. Mỗi lần bị bạo lực, chị K.H đều báo công an và chính quyền địa phương. Lần nào chồng chị chính quyền bắt giữ nhưng rồi chị là người phải mang tiền đi bảo lãnh cho chồng trở về nhà.

“Gia đình đã khuyên chị không nên nộp phạt thay chồng, thậm chí cảnh báo về những nguy hiểm nếu chị không tố cáo dứt khoát. Thế nhưng, chị H nói không muốn ly hôn vì nếu làm thế chị sẽ phải ra đi tay trắng” - tư vấn viên CSAGA cho biết.

Theo chị Trịnh Thu Hà, Trưởng phòng Tư vấn tại CSAGA, đa số nạn nhân bị bạo lực không dám cương quyết tố cáo vì sợ tai tiếng, không dám ly hôn vì sợ con bị ảnh hưởng. “Bên cạnh việc họ phải bỏ kinh phí nộp phạt thay khi tố cáo hành vi bạo lực của chồng, họ còn đối mặt với những nguy hiểm khác nếu không có kỹ năng phòng tránh khi đang sống chung với người gây bạo lực” - chị Thu Hà cho biết.

Nạn nhân không muốn tố cáo thủ phạm vì… thiệt hại tài chính

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, hiện nay, hành vi BLGĐ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhưng việc xử phạt chưa thực sự hiệu quả. Do trong nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực là người vợ/chồng hoặc bố mẹ là người nộp tiền phạt, hoặc phải lấy tiền từ quỹ chi tiêu chung của gia đình để nộp phạt cho người gây BLGĐ. Điều này khiến cho nạn nhân không muốn tố cáo hành vi BLGĐ.

Xuất phát từ chế độ tài sản trong gia đình Việt chủ yếu là tài sản chung nên mọi chi tiêu trong gia đình cũng đều lấy từ “của chung”. Việc vợ, chồng tạo lập tài sản riêng rất ít. Thậm chí trong nhiều gia đình, tài sản riêng còn là điều “cấm kỵ”. Do đó, khi người chồng gây bạo lực cho vợ bị xử phạt hành chính thì nguồn từ nộp phạt đều lấy từ tài sản chung. Cá biệt còn có những trường hợp người vi phạm còn không tạo ra được thu nhập mà sống dựa vào nguồn thu của người còn lại.

“Như vậy nếu bị xử phạt thì số tiền nộp phạt lại do chính người bị bạo lực, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình phải bỏ ra. Do đó, ý nghĩa giáo dục, răn đe người vi phạm là không đạt được, nạn nhân cũng không muốn tố cáo tiếp nếu bạo lực tiếp tục xảy ra vì họ sẽ là người mất tiền. Tương tự, trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vì hành vi bạo lực với bố mẹ, nếu họ không có tiền nộp phạt thì nạn nhân - bố mẹ họ lại phải nộp thay” - luật sư Cường cho biết.

Vướng mắc khi triển khai các văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Luật

Kể từ khi Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2009/ND-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ. Nghị định này đã hết hiệu lực thi hành vào ngày 28/12/2003 và được thay thế bằng Nghị định 167/2013/ND-CP. Xét cả hai Nghị định khi thực thi trong cuộc sống, việc xử phạt hành chính dù đã được áp dụng nhưng vẫn bất cập khiến nạn nhân chưa được bảo vệ đúng mức. Nguyên nhân là do hình thức xử phạt chính được nêu trong Nghị định là phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo, ngoài ra biện pháp xử phạt bổ sung như buộc xin lỗi công khai, tiêu hủy phương tiện hỗ trợ gây bạo lực… chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục.

Báo cáo kết quả hoạt động 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng chống BLGĐ trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, từ năm 2008-2018 có 7.188 vụ BLGĐ. Nhưng, trong công tác xử lý người có hành vi BLGĐ chỉ có 74 vụ xử phạt hành chính theo hình thức cảnh cáo, 15 vụ xử phạt hành chính theo hình thức phạt tiền, xử lý hình sự 27 vụ. Đại đa số vẫn chủ yếu xử lý theo hình thức góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư: 5.319 vụ.

Một số quy định của Nghị định 167 chưa bao quát cũng như biện pháp xử lý. Ví dụ, Điều 56 quy định về bạo lực kinh tế đã bỏ biện pháp xử phạt bổ sung. Theo đó, thành viên trong gia đình chiếm đoạt tài sản chỉ bị xử phạt tiền mà không bị buộc phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt.

Hoặc tại Điều 57 của Nghị định quy định về hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ, không quy định biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, người có hành vi trái pháp luật buộc thành viên khác ra khỏi nhà chỉ bị xử phạt mà không có chế tài nào để nạn nhân có thể trở lại nhà.

Xuất phát từ những bất cập của quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ, luật sư Cường khẳng định, cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi những quy định không còn phù hợp và bổ sung những quy định còn thiếu để hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ.

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, các hành vi BLGĐ nhất thiết phải xử lý nghiêm và có chế tài thật nặng. Phạt tiền người gây ra bạo lực gia đình từ 1,5 đến 2 triệu đồng không có tác dụng gì. Pháp luật phải có 2 chức năng quan trọng là giáo dục và răn đe. 2 chức năng này không thể tính bằng tiền.

(Còn nữa)

HẠ THI - HỒNG NHUNG 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.