Phụ nữ khuyết tật bị xâm hại: Nỗi đau khôn cùng

Chia sẻ

Nghiên cứu của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật (PNKT) thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Trong đó có những PNKT bị bạo lực tình dục từ năm 9 tuổi, người cao nhất là hơn 50 tuổi.

Nụ cười tự tin của người PNKT khi dám chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồngNụ cười tự tin của người PNKT khi dám chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng

Từ những câu chuyện buồn

M (26 tuổi) có đôi mắt bị khuyết tật bẩm sinh, kể rằng mình bị xâm hại tình dục năm 5 tuổi, bởi bạn thân của bố. Đó là người mà ai trong gia đình – kể cả M đều tin tưởng. “Lần đó, bố mẹ đi vắng nên gửi tôi sang cho ông ta trông hộ. Từ sáng tới chiều, tôi đều chơi trong nhà và thi thoảng nói chuyện cùng vợ ông ta.

Đến chập tối, khi vợ vắng nhà, ông ấy gọi tôi vào trong buồng, bảo trong ấy có nhiều kẹo, bánh lắm. Vừa cầm chiếc kẹo, ông bế thốc tôi lên và đè ra giường. Tôi sợ hãi khóc thét lên thì bị đe dọa. Vừa quát, ông ấy vừa nhét giẻ vào miệng, bắt tôi chịu đựng biết bao sự giày vò đến từ người đàn ông vô nhân tính. Tôi hoảng loạn tột độ nhưng quá yếu ớt...”.

Câu chuyện “Tôi từng bị xâm hại” của M mở đầu cho tập san được giới thiệu ngay tại lễ tổng kết dự án “XX HEROES” (tạm dịch: Nữ chiến binh) ngày 17/10. Dự án do nhóm bạn trẻ “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” (YSEALI) với sự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.

Tại lễ tổng kết, chị em khuyết tật đến từ nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nghệ An cùng nhau kể lại câu chuyện đời mình, đứng trên sân khấu múa hát, biểu diễn thời trang. Vượt lên tất cả, họ cùng nhau nắm chặt tay hòa nhập với cộng đồng.

Nhưng vẫn còn rất nhiều PNKT giấu kín nỗi đau của mình, hoặc chỉ chia sẻ với người mình tin cậy nhất, và không dám mong chờ một sự giúp đỡ như một “phép màu”.

“Tôi từng biết có em mang thai tới mấy lần, lần nào cũng phải nạo hút thai. Bởi em đâu có đủ trí tuệ và sức khỏe để nuôi con. Các em không hề có ý thức rằng mình bị lạm dụng, nhưng điều đau lòng hơn cả là gia đình và cộng đồng lại quay lưng, chửi bới các em”.

Ở một câu chuyện khác, cô gái bị cưỡng hiếp tới mức có bầu khi mới 17 tuổi. “Được” chấp nhận cưới, nhưng vì khủng hoảng tinh thần mà cô sinh ra đứa con bị thần kinh. Khi mang bầu lần 2, cô nhận được tin chồng có nhân tình. Nỗi đau khiến cô gặp tai nạn, mất đi một chân.

Ngày cô gặp nạn cũng chính là ngày chồng bắt cô ký vào lá đơn ly dị. “Giờ đây, cô ấy đang cố gắng làm việc để có được thu nhập khá và đón một đứa con về với mình. Nhưng con đường ấy gian nan lắm…”.

Đó là chuyện mà chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Trưởng ban Truyền thông Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân đã nói trong một cuộc thi sáng kiến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Họ tìm đến chị để chia sẻ, cũng mong mỏi được giúp đỡ, nhưng dường như đã chấp nhận sẵn việc tự chịu đựng nỗi đau và thiệt thòi của mình.

Tại hội nghị đề xuất khung chính sách sửa đổi về bạo lực trên cơ sở giới và bình đẳng giới cho PNKT do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, có câu chuyện đời đáng buồn của chị Nguyễn Thị Th, 42 tuổi. Bị khuyết tật chân, chị Th còn không biết chữ và rất ngại giao tiếp với mọi người. Chồng chị có quan hệ ngoài luồng, khi chị hỏi liền bị chồng chửi và đánh. Anh ta xúc phạm chị: “Nó không đi tập tễnh như mày, ít ra nhìn nó còn lành lặn”. Rồi trong chuyện chăn gối, nhiều lúc chị Th phải miễn cưỡng phục vụ chồng…

Đến bảo vệ, để phụ nữ khuyết tật được sống mạnh mẽ

Việt Nam là nước có số người khuyết tật (NKT) đứng thứ 4 trong số các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đa số người khuyết tật có trình độ văn hóa thấp và chưa qua đào tạo nghề. Tỉ lệ lao động là phụ nữ khuyết tật từng làm việc và có việc làm thấp hơn so với nam giới. Phụ nữ khuyết tật chỉ dám chọn những nghề để sống qua ngày.

Hơn 10 năm làm việc với rất nhiều nhóm khuyết tật ở khắp các tỉnh thành, bà Võ Thị Hoàng Yến - Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) nhận thấy người khuyết tật có được gia đình riêng cho mình rất hiếm hoi, PNKT lập gia đình càng hiếm hơn, cứ 4 nam giới khuyết tật có gia đình thì mới có 1 PNKT có tổ ấm cho riêng mình.

Nếu bị xâm hại, họ chấp nhận bởi không có khả năng chống cự, trốn thoát hoặc có tâm lý là nếu có tố cáo thì thủ tục cũng phức tạp, nhiêu khê do các biện pháp can thiệp và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân đang có nhiều rào cản. Các đường dây nóng, các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe chưa hiệu quả, cho nên phụ nữ bị quấy rối hay bạo lực tình dục chưa tiếp cận được các dịch vụ này. Do đó, vai trò của các CLB người khuyết tật càng phải được coi trọng và hỗ trợ đẩy mạnh.

Tháng 6/2019, tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và NKT do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, liên quan đến vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, chúng ta đã có đầy đủ chính sách, hỗ trợ, tuy nhiên nhiều địa phương không biết, việc tổ chức thực hiện chính sách còn mơ hồ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm rằng khi phát hiện các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, cần xử lý một cách nhanh nhất, áp dụng các chế tài nghiêm minh.

“Hiện nay Bộ Công an đang xây dựng quy trình, cách thức tiến hành, đồng thời hỗ trợ các đối tượng bị bạo lực, xâm hại kịp thời”- ông Dung nhấn mạnh.

Tháng 6/2020, tại Hà Nội đã ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật do Hội LHPN Việt Nam và Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC phối hợp. Theo đó, đối tượng PNKT là thành viên của mạng lưới phụ nữ khuyết tật đến từ các tỉnh, thành phố. Mạng lưới vừa kết nối, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị xâm hại tại Việt Nam, vừa nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

“NKT nói chung và PNKT nói riêng đều không muốn mình trở thành gánh nặng của xã hội. Luật pháp cũng ủng hộ điều này khi có những quy định nhằm đảm bảo cho NKT có thể sống độc lập. Thế nhưng, từ mong muốn, từ pháp luật đến đời thực là chặng đường khá xa vời, rất cần những nỗ lực để kéo gần lại. PNKT và phụ nữ nói chung cần những “vòng tay” bảo vệ họ, không chỉ vượt qua nỗi đau, sự thiệt thòi mà còn để vươn lên trong cuộc sống. Bởi thực tế, vẫn có nhiều PNKT đang cố gắng từng ngày, vượt qua khó khăn và trở thành tấm gương để nhiều người học hỏi”, bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội NKT Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ Phụ nữ và trẻ em khuyết tật: phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật” tổ chức ngày 16/10 vừa qua.

Bài và ảnh: QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.