Bài cuối: Cần thiết xây dựng bộ chỉ số giám sát

Chia sẻ

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu, song tỷ lệ nữ tham gia các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế cả về số lượng và vị trí đảm nhận, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn nhân lực nữ. Để phát triển nguồn nhân lực nữ tham chính, cần rất nhiều giải pháp ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.

TS Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ chia sẻ với báo Phụ nữ Thủ đô một số ý kiến về định hướng thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động chính trị trong thời điểm hiện nay.

Tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ trẻ tiềm năng và có năng lực là rất quan trọng

Thưa tiến sỹ, bà đánh giá như thế nào thực trạng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đội ngũ lãnh đạo và công tác chính trị trong giai đoạn hiện nay?

Trong quá trình phát triển của đất nước và bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang từng bước nỗ lực thúc đẩy cam kết quốc tế thông qua việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung, về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng.
Theo Nghị quyết số 11/NQ-TW năm 2007 về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đưa ra chủ trương: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt từ 35-40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với các mục tiêu về bình đẳng giới”. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội hằng năm về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới trong Chính trị cho thấy, tỷ lệ nữ trong cấp ủy Đảng chưa đạt được 25% như đã nêu; tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp mới đạt được khoảng từ 26-27% (mục tiêu là 35-40%); 95% cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ thì mới chỉ có 47% cơ quan có nữ giữ vị trí lãnh đạo cao nhất; trên 25% UBND cấp tỉnh có Chủ tịch, Phó chủ tịch là nữ. Một số chỉ tiêu chưa có số liệu.

Nữ đại biểu quốc hội phát biểu ý kiến tại Nghị trường Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)Nữ đại biểu quốc hội phát biểu ý kiến tại Nghị trường Quốc hội (Ảnh: Quochoi.vn)

Trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 cũng đặt ra 7 mục tiêu và mục tiêu đầu tiên là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Trong đó chỉ tiêu 1 của mục tiêu này là: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2020 là trên 35%. Tuy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp cơ bản khóa sau tăng hơn khoá trước nhưng tỷ lệ tăng không có đột biến và vẫn còn thấp. Điều này cho thấy, chúng ta còn cần phải nỗ lực, phấn đấu trong thời gian dài nữa mới có thể đạt được chỉ tiêu mà Nghị quyết số 11/NQ-TW và Chiến lược quốc gia 2011-2020 đề ra.

Mặc dù tỷ lệ nữ tham gia hệ thống chính trị chưa đạt được các chỉ tiêu về số lượng, nhưng lại có thành tựu lớn về chất lượng trong nhiệm kỳ qua. Cụ thể, lần đầu tiên, Việt Nam có một nữ Chủ tịch Quốc hội. Kết quả bầu cử đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy của cả 4 cấp của nhiệm kỳ 2016-2020 đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Điều đó cho thấy, tiếng nói của phụ nữ trong hệ thống chính trị đã được nâng lên, đồng thời khẳng định chính sách của Việt Nam về bình đẳng giới từng bước có kết quả nhất định.

Theo Tiến sỹ, quan điểm về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hiện nay đã có những điểm mới và tiến bộ gì? Điều đó ảnh hưởng như thế nào đến việc cân đối giữa tỷ lệ nam - nữ tham gia lĩnh vực chính trị?

Đảng và Nhà nước ta cũng đã khẳng định vị trí và vai trò của lãnh đạo nữ trong hệ thống chính trị, đồng thời đánh giá cao và huy động tiềm năng của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước, sự phồn vinh của xã hội.

Công tác phụ nữ được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng. Nghị quyết 26/NQ/TW ngày 19/05/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ: Đến năm 2030 “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt trên 35%...”. Khẳng định phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp là điều mới, thể hiện Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến tỷ lệ nữ mà còn quan tâm đến việc nâng cao vai trò và vị trí lãnh đạo quan trọng của phụ nữ trong các cấp ủy Đảng. Điều này tác động tích cực tới các cơ quan trong hệ thống chính trị, đó là phải có chiến lược dài hạn trong công tác cán bộ nữ nói riêng và công tác cán bộ nói chung nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo quan trọng, chủ chốt.

Mới đây nhất Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực vào đầu năm 2021 đã tiếp cận theo cách giảm dần khoảng cách về độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng sẽ tạo điều kiện cho nữ giới được tham gia và cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Thiếu công cụ giám sát thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hiệu quả

Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để định hướng phát triển nguồn nhân lực nữ lãnh đạo và phụ nữ tham gia hệ thống chính trị, thưa bà?

Để đảm bảo thực hiện tốt chiến lược về tăng cường số lượng và chất lượng phụ nữ tham chính, tôi cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hiện nay chúng ta đang thiếu công cụ giám sát thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hiệu quả. Chúng ta thấy thế giới hàng năm vẫn đánh giá và xếp hạng được các quốc gia về khoảng cách giới trong bốn trục nội dung, trong đó có trục nội dung về khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị (Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới). Trong nước, Việt Nam có một số bộ chỉ số đánh giá như bộ chỉ số CPI và chỉ bộ chỉ số PAPI. Kết quả đánh và xếp hạng 63 tỉnh/thành đều được công bố công khai. Các tỉnh thành được xếp thứ hạng thấp có thể cân nhắc để đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện và nâng vị thế của mình.

Tiến sỹ TS Lương Thu HiềnTiến sỹ TS Lương Thu Hiền

Thế nhưng, trong lĩnh vực bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý thì hiện nay chúng ta chưa có một bộ chỉ số giám sát và đánh giá và xếp hạng được việc thực hiện luật và chính đối với các bộ, ngành và các tỉnh thành xem thực tế việc thực thi luật và chính sách được thực hiện đến đâu, như thế nào ở các ngành và địa phương. Mặc dù nước ta đã có bộ chỉ tiêu thống kê giới nhưng bộ chỉ tiêu thống kê giới không phải là chỉ số và chưa xếp hạng được các bộ/ngành và các tỉnh thành.

Tôi kiến nghị cần phải xây dựng và thực hiện bộ chỉ số giám sát và đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị để Đảng và Nhà nước biết được bộ/ngành và tỉnh/thành nào làm tốt sẽ được khen, đơn vị nào chưa đạt được chỉ tiêu hoặc chỉ tiêu thấp thì cần phải có trách nhiệm giải trình, đưa ra phương pháp cải thiện thực tế và nếu về lâu về dài không thực hiện được thì cần có phương pháp xử lý.

Thứ hai, để tăng cường tỷ lệ nữ vào các vị trí chủ chốt ở cấp trung ương và địa phương, việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo nữ tiềm năng trẻ và có năng lực là rất quan trọng. Tôi thấy nếu Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong tương lai gần cân nhắc xây dựng và triển khai một chương trình bồi dưỡng cán bộ nữ lãnh đạo tiềm năng kết hợp với một chương trình hướng dẫn cán bộ nữ có năng lực và trẻ dưới 40 tuổi thì việc này sẽ có đóng góp vào việc chuẩn bị nguồn cán bộ nữ trẻ từ sớm để đảm bảo họ có thể vươn xa và cao hơn trong tương lai.

Thứ ba, vai trò giới trong gia đình của phụ nữ và nam giới có khác nhau. Hiện nay, phụ nữ vẫn đang đảm nhiệm trách nhiệm lao động chăm sóc trẻ nhỏ, người cao tuổi, người ốm và làm việc nhà nhiều hơn nam giới. Số liệu thống kê trên thế giới và cả ở Việt Nam đã thể hiện rõ điều này. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ tiếp tục nâng cao trình độ giáo dục, có đủ thời gian tham gia và cống hiến vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc tham chính, tôi thấy việc Nhà nước cần cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ và chăm sóc người cao tuổi, người ốm với giá thành hợp lý. Đây sẽ là một chia sẻ có ý nghĩa đối với vai trò giới trong gia đình của phụ nữ, giúp họ có nhiều thời gian để phấn đấu trong vấn đề tham chính.

Xin cảm ơn Tiến sỹ!

HỒNG NHUNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.