Giận chồng

Chia sẻ

Chị giận chồng lắm. Cả tuần nay, chị gây “chiến tranh lạnh” với chồng. Tối đến, chị sang ngủ cùng con gái ở phòng bên. Dù vậy, anh đi đâu, làm gì, mấy giờ về, chị đều biết. Chỉ là chị không muốn nói chuyện vào lúc tâm trạng đang bất ổn như thế này.

1

Anh chị yêu nhau được hơn 3 năm mới kết hôn nên khá hiểu nhau. Trong cuộc sống, chị là người chỉn chu, lại khéo vun vén, biết hy sinh cho gia đình. Quần áo của anh ít khi có nếp nhăn bởi chị đã là ủi mỗi sáng. Có hôm, chị còn chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa cho anh. Tất nhiên, anh không bao giờ từ chối bởi cơm chị nấu không những ngon mà với anh, đó còn là công sức của chị.

Vợ chồng chị đặt ra nhiều nguyên tắc khi chung sống, trong đó có nguyên tắc là lúc giận dỗi không được quá một ngày, không ngủ riêng giường, không bao giờ được to tiếng với nhau trước mặt các con và nếu có lời qua tiếng lại thì cũng không được phép xúc phạm lẫn nhau. Chính vì vậy, hôn nhân của chị luôn được xem là hạnh phúc viên mãn. Người ngoài, ngay đến cả bố mẹ đẻ hai bên cũng ít khi thấy hai vợ chồng chị “cơm không lành, canh không ngọt”. Có được không khí yên ấm đó là bởi anh chị có thể nói chuyện, chia sẻ và bảo ban nhau hằng ngày. Bao giờ cũng vậy, trước khi đi ngủ, anh chị sẽ dành “thời gian vàng” khoảng 30 phút để tâm sự cùng nhau. Lúc này, những bức xúc hay không vừa lòng điều gì, anh chị đều nói ra và tất nhiên, người kia phải lắng nghe và cùng nhau giải quyết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cũng có những lần, anh đi uống rượu quá chén, hay tiếp khách đêm muộn mới về. Chị lúc ấy lại đợi cửa chờ chồng khi các con đã ngủ say. Bởi tính chị hay lo, hễ anh chưa về đến nhà là chị không thể ngủ yên được. Chị cứ đi ra đi vào, khi thì chuẩn bị sẵn cho chồng cốc sắn dây để giải rượu, lúc lại ngồi xem phim… đến lúc chồng về mới đi ngủ. Tất nhiên là những lần như vậy không nhiều bởi sau đó, chị sẽ nói ra cảm giác của mình để anh điều chỉnh lịch giao lưu và tiếp khách hợp lý.

Thấm thoắt cũng 10 năm trôi qua, kể từ khi anh trao cho chị chiếc nhẫn cưới đính đá vào tay như nhắn nhủ một vòng tròn yêu thương sẽ gắn kết trọn đời. Hai đứa con đủ nếp đủ tẻ lần lượt chào đời và lớn lên. Anh chị cũng đã cùng nhau vượt qua không ít bão tố, sóng gió, khi anh làm ăn thất bát phải bắt đầu lại bằng hai bàn tay trắng… vậy mà anh chị chưa một lần to tiếng nếu có giận dỗi cũng không lâu quá… một ngày. Giờ cuộc sống gia đình chị mới tạm ổn. Chị có công việc, có thu nhập ổn định, có căn nhà chung cư đang trả góp, các con học giỏi. Với chị, như vậy là đã đủ cho một người phụ nữ thích an phận. Quan trọng là vợ chồng chị hiểu nhau, nên dù có khó khăn gì cũng vượt qua được.

2

Anh dù bận vẫn luôn dành thời gian cho gia đình, vợ con. Anh làm gì cũng thông qua chị, kể cả những việc mà chị không biết đến hoặc không quan tâm nhiều. Anh luôn hỏi ý kiến vợ hoặc để vợ quyết định các việc trong nhà, từ nuôi dạy con, chọn trường cho con học đến việc sắm sửa các vật dụng trong nhà. Anh bảo, nhà là nơi để về nên tất cả các thành viên phải cảm thấy hài lòng với nhau thì căn nhà mới thực sự ấm cúng. Anh khiến chị tin tưởng hoàn toàn, nên dù anh có đi công tác xa hay nhiều hôm đi làm về muộn, chị cũng không nghĩ anh có trăng sao gì bên ngoài.

Thế mà chỉ riêng việc sửa căn nhà bếp cho bố mẹ chồng ở quê, anh lại giấu chị. Càng nghĩ, chị càng không thể đưa ra lời giải thích nào chính đáng cho việc giấu giếm này của anh. Bởi suy cho cùng, trước giờ, việc cho biếu hai bên nội ngoại, vợ chồng chị cũng trao đổi và thống nhất với nhau. Đằng này, việc lớn như vậy mà anh lại giấu? Hay anh sợ chị gàn? Hay anh nghĩ việc này không liên quan đến vợ?

Chả là mấy lần bố chồng chị nói: Bố là con trưởng nên mọi giỗ chạp đều do bố gánh vác. Sau này bố mất sẽ đến lượt vợ chồng con. Thế nhưng mỗi khi về có giỗ, căn nhà bếp chật chội nên anh em họ hàng đến đông đủ thì lại không có chỗ ngồi thoải mái. Thế nên ông muốn sửa sang lại căn bếp cho rộng rãi hơn. Chị thấy điều đó cũng hợp lý. Nhưng năm nay, dịch covid-19 hoành hành khiến cho nhiều gia đình “điên đảo”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị bảo chồng bàn với bố là lùi lại lịch sửa nhà để cùng chống dịch và ổn định kinh tế. Chồng chị đồng ý rồi. Thế mà, ngay từ đầu năm, chồng chị đã đi xem ngày, đặt thợ, lên khuôn thiết kế, rồi bảo thợ đến làm. Chị không hay biết điều gì cho đến khi được một người hàng xóm ở quê kể lại. Nghe xong mà lòng chị buồn vô kể. Chị cảm giác như anh không tôn trọng những lời chị nói. Bình thường những việc như thế này, hai vợ chồng chị phải bàn bạc kỹ, đằng này, anh lại tự quyết định một mình. Chị biết, việc sửa nhà thì sớm muộn gì cũng làm, nhưng không cần thiết phải làm đúng vào mùa dịch. Kinh tế gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn. Công việc làm ăn của anh trở nên bất lợi, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được, tồn đọng nhiều trong kho, trong khi đó, nhân công và mặt bằng vẫn phải trả đều đặn hàng tháng. Công ty chị cũng cắt giảm lương khiến cuộc sống của vợ chồng chị thêm khó khăn.

Càng nghĩ, chị càng buồn, càng giận chồng. Hôm ấy, chị chỉ nói về cảm xúc của mình. Thế rồi, nước mắt chị tự nhiên rơi. Chị lẳng lặng bỏ sang ngủ phòng con gái. Suốt mấy ngày sau, chị cũng ngủ bên cạnh con gái. Nhưng suốt cả tuần chị không tài nào chợp mắt nổi.

Phải đến khi vợ chồng chị có một buổi nói chuyện riêng, chị mới nguôi giận. Anh bảo thời gian này anh cũng đang khó khăn, nhưng vì ý bố đã quyết nên anh không muốn bố phật lòng. Bố bảo, gần 10 năm trước, nhà hàng xóm có xin ông cho mượn tường gạch nhà mình để gác mái bếp. Thế nhưng năm ngoái, họ xây nhà cao lên, sửa lại bếp mà không trả lại phần tường gạch đã mượn như đã hứa. Vừa bức xúc hàng xóm, vừa nghĩ không muốn để các con tranh chấp sau này, nên khi bố còn khỏe, bố quyết định sửa bếp để có cớ đòi lại tường gạch cho vuông đất mà không ảnh hưởng tình làng nghĩa xóm.

Nghe chồng nói xong, chị mới nhẹ nhõm. “Dù sao thì anh cũng nên nói cho em biết trước” – chị nói. “Anh sợ em gàn, vì thực sự vợ chồng mình đợt này cũng đang khó khăn chung” – anh trả lời. Chị thở dài. Suốt mấy ngày giận chồng, chị cũng không thể ngủ ngon giấc được. Giờ nhà đã sửa rồi, chị có giận cũng chẳng giải quyết được gì, chi bằng nắm tay chồng mà vượt qua khó khăn mùa dịch.

Tối hôm ấy, chị mới ngủ được ngon giấc. Nhưng có lẽ, giận gì thì giận, cách ứng xử hợp lý nhất vẫn là đừng to tiếng với nhau. Cũng may, vợ chồng chị có nguyên tắc riêng khi vợ chồng giận dỗi, để gia đình luôn được êm ấm.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.