Hạnh phúc muộn màng

Chia sẻ

Một ngày đầu thu đổi gió, đang nắng bỗng trở lạnh khiến chị Lũy xây sẩm mặt mày- đó là chứng bệnh của người đã chớm tuổi ngũ tuần. Nhưng, điều khiến cả thân thể chị quay đơ như ngồi trên xích đu lại là chuyện khác: Ông Kế, chủ nhà, nơi chị làm osin mấy năm nay bỗng ngỏ lời muốn… cưới chị làm vợ hai.

Ấy vậy mà, nửa tháng nay sau ngày cưới, chị Lũy vẫn cứ dúm dó mỗi tối khi ở cạnh chồng và thầm ước ao mọi việc trở về như trước. Còn ông Kế, vẫn hết sức nhẹ nhàng và luôn vỗ về, động viên vợ.

Chị Lũy đã gần ngũ tuần và hai thập kỉ trôi qua sống trong cô đơn. Danh sách những công việc chị đã làm để nuôi bé Mẫn khôn lớn, tốt nghiệp đại học có lẽ cả cuốn sổ dày ghi không hết. Chị đã quen với cảnh bần hàn đơn độc. Được đánh giá là người ưa nhìn, tính tình lại dễ chịu, nhẫn nại, biết lo toan, thu vén và chăm chút cho mọi người xung quanh, nhưng, thay vì tìm một chỗ dựa, chị lại chọn việc chăm chỉ lam làm đủ thứ việc để nuôi con.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chị Lũy được người bà con xa giới thiệu lên làm osin cho nhà ông Kế cũng được 4 năm rồi. Bà Kế mất sớm, nghe đâu đã hơn 10 năm, ông Kế bận rộn công tác, cũng có cặp kè đôi ba người nhưng khi về hưu thì không còn mối nào mặn mà. Hai năm nay ông có nhì nhằng với cô bồ từ thời còn ở cơ quan cũ. Cô bồ này hay ghen tuông và luôn lôi cô osin, là chị Lũy, ra để diếc móc người tình. Chẳng hiểu cơn cớ thế nào, ông Kế dứt điểm với cô bồ, cứ buồn bực loanh quanh ở nhà rồi ra nước ngoài thăm vợ chồng cô con lớn, giao toàn bộ tài sản ở nhà cho chị Lũy trông nom. Khi ông về nước thì bỗng tỏ ra quan tâm tới chị Lũy khác hẳn. Đầu thu năm nay, ông chính thức ngỏ lời xin cưới chị Lũy.

Ông Kế có ba người con đều đã lập gia đình, có nhà riêng. Các con ông đều hiểu hoàn cảnh và tính cách của bố mình, quen cả với chuyện ông đem người này, người kia về giới thiệu hay khi đi café, đi ăn lại có thêm “bông hoa” biết cười biết nói bên cạnh. Còn với cô osin của ông Kế, ban đầu, các con ông ai cũng e dè và có ý đề phòng. Nhưng, lâu dần, thấy cô osin chỉ biết chăm chú việc nhà, ăn nói giữ kẽ, đi đứng, nói cười chừng mực và luôn có ý đề phòng ông chủ, thì thái độ của họ cứ dần thay đổi một cách rất tự nhiên. Họ còn phải cảm ơn cô osin vì mọi việc trong nhà từ những thứ bé nhỏ như lọ tăm, cái thìa, cái đũa cho tới những việc lớn như làm cỗ, làm giỗ, ngày Tết, mùng một hôm rằm hay ti tỉ việc lặt vặt đều được cô quán xuyến chu tất, đâu vào đó. Các con ông yêu quý, tin cậy cô osin lúc nào không hay. Thậm chí, các con, các cháu ông Kế còn bỗng thích về nhà chơi với bố, với ông hơn. Cuối tuần, họ còn chọn ngôi nhà của ông làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn.

Hạnh phúc muộn màng - ảnh 2

Nhà ông Kế rộng thênh thang, có rất nhiều phòng trống và đẹp nhưng cô osin chỉ nhất định ở căn phòng dành cho người giúp việc tận tầng một, quặt nẻo sau chiếc sân nhỏ cuối nhà. Nơi cô osin ở, được chăm chút sạch sẽ, có những bồn hoa thơm, những dây phơi các loại khăn lau trong nhà được căng một cách gọn ghẽ, đẹp mắt. Đây cũng là nơi thi thoảng cái Mẫn, con gái của cô Lũy, ghé tới thăm mẹ và ở lại sau khi được ông Kế và cả gia đình đồng tình, nhất trí.

So với những cô bồ nhí với dáng vẻ thời trang, đúng điệu: “mắt chớp chớp, ướt át đưa tình, nũng nịu ý tứ làm điệu” hay lúc nào cũng giả vờ ngây thơ cụ: “Thế á, thế ạ!” của ông Kế thì cô Lũy chân chất, đơn giản và cho người khác cảm giác yên tâm. Nhìn kỹ, các con ông Kế lại khen cô Lũy vẫn rất nét, lại nhẹ nhàng, thư thái, giống bà chủ hơn là bà giúp việc. Vậy nên, khi ông Kế họp các con vào một bữa tối ở ngoài để hỏi ý kiến thì cả dâu và rể của ông cũng như vợ chồng con gái lớn của ông ở nước ngoài đều ủng hộ nhiệt tình. Họ còn sợ cô osin biết chuyện lăng nhăng của bố họ trước đây mà từ chối thì thật “không thể đỡ được”.
Đúng dịp Mẫn có người yêu và bắt đầu đi làm thêm với một công việc do ông Kế giới thiệu, nên đôi trẻ “bên đằng ngoại” cũng ra sức vun vào.

Vậy là cặp “bạn già” nên duyên chồng vợ. Ngôn tình tuổi ngũ tuần được viết những trang đầu tiên cho cô dâu osin và chú rể là ông chủ. Những tưởng chuyện vui không có chút lấn cấn nào thì đôi vợ chồng già phải êm đềm chăn gối. Ai ngờ, “cô dâu” quá tuổi của ông Kế không thể vượt qua được những tự ti về bản thân. Chị sợ hãi khi chồng đụng tới và nhất quyết không mặc những bộ đồ ngủ mỏng manh, ren ren, lùa lụa mà ông Kế sắm cho. Điều kỳ quặc là trước đây, nhìn ông chủ đưa cô gái này cô gái kia về nhà, chị Lũy không cảm thấy khó chịu, chỉ nhẹ nhàng làm tròn trách nhiệm của mình. Còn bây giờ, nhớ lại những lần va chạm ấy chị lại ấm ức trong lòng. Chị có cảm giác ông Kế đang bắt chị phải giống như mấy ả đó.

Hạnh phúc muộn màng - ảnh 3

Ông Kế là người lão luyện tình trường, hiểu tâm lý phụ nữ, nên nhìn thái độ của vợ ông hiểu tường tận. Ông nhẹ nhàng bảo vợ: “Mình là một phụ nữ đẹp cả vẻ ngoài và tâm hồn, nhân cách. Không nói mình cũng hiểu đời sống của tôi. Nếu nói tôi là thằng đàn ông lang chạ cũng không ngoa. Thời còn bà nhà tôi, tức là chị cả của mình đấy, bà ấy phải chịu đủ mọi ấm ức chứ không nhẫn nhịn, hiền hòa như mình đâu. Vậy mà gặp mình tôi lại chịu bó tôi lại, chịu làm đám cưới ở cái tuổi ông tuổi cụ này. Mình đừng buồn nghĩ linh tinh nữa, mình xứng đáng được nhận mọi sự quan tâm khi hết lòng vun vén cho gia đình tôi. Mẹ các con tôi ở suối vàng được mình chăm chút hương nhang, lau dọn phòng thờ cũng phải mỉm cười. Chúng mình liệu có ở với nhau được 10 năm, 15 năm nữa hay không? Đấy là trời thương mà cho cả tôi và mình còn khỏe chân mạnh tay. Nói lỡ miệng tôi ốm đau, sinh bệnh thì khổ tôi, khổ mình, nên mình hãy biết thương bản thân, quý trọng những giây phút tôi với mình còn chăm chút được cho nhau”.

Lần đầu tiên chị Lũy rơi nước mắt vì một người đàn ông, sau hơn 20 năm khô kiệt bởi sự phản bội của bố cái Mẫn. Ông Kế vặn cái đèn ngủ nhạt màu rồi lấy chăn mỏng đắp lên cho vợ, ông khôn khéo nằm sau ôm vợ qua lớp chăn vì sợ tung chăn chui vào sẽ bị vợ đuổi ra như mọi khi. Chị Lũy lặng lẽ quan sát hành động và thái độ của chồng rồi đang giàn dụa nước mắt, bỗng phì cười. Đôi vai chị rung nhẹ vì bật cười nhưng ông Kế tưởng vợ xúc động khóc nhiều hơn nên cứ vỗ vỗ vào vai như dỗ em bé. Cả hai cùng giấu nhẹm nụ cười của mình và mỗi người nghĩ theo một hướng khác nhau. Nhưng đêm đó là đêm đầu tiên chị Lũy cảm nhận được tình thương yêu thực sự của một gia đình, của người phụ nữ được yêu thương và trân trọng. Chị thầm cảm ơn chồng đã cho chị sự tự tin. Ngày mai, chị sẽ có kế hoạch mới cho hai vợ chồng!

ĐÔNG ÂM

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.