Một tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước

Chia sẻ

Tâm huyết, năng nổ và trách nhiệm, chị Nguyễn Thị Hường – Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã đoàn kết, thu hút tập hợp chị em hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội Phụ nữ phát động và đạt được nhiều kết quả.

Chị xứng đáng là một trong bẩy cá nhân, tập thể của Hội LHPN Hà Nội vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV tổ chức vào tháng 10/2020.

Trăn trở và hành động vì phụ nữ và trẻ em

Sinh năm 1975, năm 2010 được bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa, trở thành một trong những Chủ tịch Hội cấp xã trẻ nhất thời điểm đó khiến chị Nguyễn Thị Hường rất hạnh phúc, tự hào. Nhưng, sự tin yêu của các chị em hội viên phụ nữ cũng làm chị cảm thấy lo lắng và áp lực, nhiều đêm trăn trở, mất ngủ. Chị băn khoăn không biết phải bắt đầu từ đâu, triển khai các phong trào thi đua của Hội như thế nào… để có thể chuyển tải các nhiệm vụ, chương trình nhằm thu hút chị em, hội viên phụ nữ tham gia, xây dựng tổ chức Hội phát triển. Là cán bộ Hội trẻ nên mỗi dịp xuống chi, tổ tham dự các kỳ sinh hoạt chị Hường rất lo lắng khi chưa biết phải ứng xử như thế nào, phát biểu ra sao… cho phù hợp với đa dạng đối tượng hội viên phụ nữ trên địa bàn xã có nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau. Thế nhưng bằng sự năng nổ, nhiệt tình, cùng với tinh thần cầu thị, ham học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ cán bộ Hội đi trước, chị Hường đã nhanh chóng “biến” những lo lắng, băn khoăn thành hành động cụ thể. Chị đặc biệt quan tâm đến vấn đề đang đặt ra hiện nay đối với công tác hội là vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đồng thời hướng các hoạt động về cơ sở, quan tâm sâu sắc đến đối tượng hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Chị Hường ( thứ 2 từ trái sang)  cùng đoàn công tác tặng quà cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khănChị Hường ( thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác tặng quà cho gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Trong xã Cổ Loa có gần 4.000 hội viên phụ nữ, 17 chi hội, trong đó 15 chi hội nông nghiệp, 2 chi hội trường học, nên việc phổ biến và triển khai các chương trình hành động đến từng chị em vô cùng vất vả. “Cái khó” trong việc tập hợp thu hút chị em tham gia phong trào hoạt động Hội đã từng bước được chị dần tháo gỡ một cách thuyết phục, hiệu quả. Theo đó, với chị em phụ nữ là công nhân, kinh doanh buôn bán… chị hướng dẫn các chi hội tổ chức sinh hoạt vào ngày thứ Bẩy và Chủ nhật, chủ yếu vào buổi tối để cung cấp kỹ năng sống, trang bị kiến thức trong kinh doanh, khởi sự, khởi nghiệp thành công. Với phụ nữ cao tuổi, các bà, các chị em yêu thích văn nghệ chị thành lập các tổ văn nghệ, CLB văn nghệ - thể dục thể thao… Còn với các chị em phụ nữ làm nông nghiệp, chị họp bàn với Ban Chấp hành để phối hợp với các đơn vị tổ chức khai giảng các lớp học nghề ngắn hạn như: “Kỹ thuật trồng nấm rơm”, “Kỹ thuật trồng rau an toàn”, “Kỹ thuật trồng hoa” và may công nghiệp cho 210 chị em hội viên tham gia…

Năm 2019, là năm được Trung ương Hội chọn chủ đề “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, chị đã hưởng ứng bằng việc xây dựng kế hoạch tổ chức, phối hợp cùng Ban giám hiệu trường THCS Cổ Loa và CLB Võ thuật của Bình Định Gia Lam Hồng mời võ sư về dạy cho các em học sinh những kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị lạm dụng, bắt cóc… Nhận thấy hiệu quả thiết thực của cách làm này, chị đã đề xuất mô hình lên phòng giáo dục huyện, phối hợp với Hội LHPN huyện Đông Anh để triển khai tới tất cả các trường học trên toàn huyện. Chị còn thường xuyên cùng đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các trường học và truyền thông việc phải đảm bảo vệ sinh An toàn thực phẩm cũng như sữa học đường cho các em học sinh.

Ngoài ra, chị Hường còn tích cực vận động chị em hội viên tham gia ủng hộ phong trào “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm vì phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”, thu được hơn 300 triệu đồng, trao tặng 13 xe đạp, 276 sổ tiết kiệm, 74 suất học bổng và trên 500 suất quà cho phụ nữ và trẻ em nhân dịp lễ, Tết. Bản thân chị Hường cũng gương mẫu dành một khoản kinh phí riêng để tặng quà, mua quần áo cho các cháu trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Chị Hường ( thứ 2 từ phải sang)  cùng đoàn công tác trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19Chị Hường ( thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác trao quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

“Tự hào tôi là cán bộ Hội Phụ nữ”

“Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Loa thành lịch sử, nơi đã hai lần được chọn làm kinh đô đất Việt. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Đội, có lẽ chính từ đó mà máu “phong trào” đã có duyên để tôi vinh dự và tự hào là cán bộ Hội Phụ nữ như hôm nay”- chị Hường chia sẻ.

Trong thời gian qua, khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chị đã tìm cách triển khai sao cho vừa phù hợp lại hiệu quả tại địa phương. Để thực hiện tiêu chí “3 sạch”, bên cạnh tuyên truyền nhắc nhở chị em sạch nhà, sạch bếp, chị còn cụ thể hóa “3 sạch” bằng việc xây dựng kế hoạch về “Chi hội phụ nữ tích cực trồng và chăm sóc các đoạn đường nở hoa, thực hiện điểm sinh hoạt cộng đồng xanh – sạch - đẹp, thân thiện với môi trường”. Nhờ đó, phong trào “Tường có hoa, cổng nhà có hoa” được phát triển sôi động. Sau gần 1 năm phát động, đến nay mô hình đường hoa đã lan tỏa rộng khắp các thôn. Chị em chủ động bàn giao luân phiên mỗi tổ chăm sóc đường hoa một tuần. Đường làng ngõ xóm vì thế như được khoác áo thêm áo mới, ngập tràn sắc hoa, cây xanh… vô cùng rực rỡ như: thôn Lan Trì đã hình thành 150m đường hoa mười giờ, bóng nước, cây cảnh các loại; xóm Mít có 220m đường hoa dừa cạn, ngọc trai, bảy sắc cầu vồng…; xóm Gà thực hiện 200m đường hoa hồng, ngũ sắc… Đến nay toàn xã đã hình thành 11 đoạn đường nở hoa tại trục đường của các thôn và tuyến đường Cổ Loa. Nhiều người nói vui rằng làng quê mà không khác gì mấy khu “Resort 5 sao”.

Chị Nguyễn Thị Hường – Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ LoaChị Nguyễn Thị Hường – Chủ tịch Hội LHPN xã Cổ Loa

Còn để thực hiện tiêu chí “5 không”, nhất là tiêu chí “không đói nghèo”, chị Hường vận động chị em hội viên tham gia tích cực phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua nhiều hoạt động thiết thực: giới thiệu việc làm, hỗ trợ xây sửa nhà ở… Ngoài ra, bằng nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khai thác các nguồn vốn, thời gian qua với sự chỉ đạo sát sao của chị Hường, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tiến hành giải ngân hơn 15 tỷ đồng giúp đỡ 413 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; qua đó giúp 28 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững...

Công việc cứ quấn lấy người cán bộ Hội năng động, tận tụy, chị Hường bận bịu tối ngày nhưng hạnh phúc của chị chính là luôn được sự động viên, ủng hộ của người thân trong gia đình. “Tôi rất hạnh phúc khi có được một người chồng thấu hiểu, con cái yêu thương để tôi có thể cống hiến hết mình cho tổ chức Hội”- chị Hường tâm sự. Với những việc đã làm hết lòng vì phụ nữ và trẻ em, vì hoạt động Hội, hàng năm chị nhận được nhiều Bằng Khen, Giấy Khen của trung ương, thành phố, huyện và xã biểu dương khen thưởng. Đặc biệt năm 2019, chị được nhận Bằng khen danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Bà Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhận xét: “Chị Nguyễn Thị Hường là một trong bẩy cá nhân, tập thể của Hội LHPN Hà Nội vinh dự được tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV vào tháng 10/2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, hội nhập vì đất nước phồn vinh, vì gia đình hạnh phúc”. Với những việc làm thiết thực vì phụ nữ và trẻ em và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội, chị Hường xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu điển hình để chị em phụ nữ học tập và noi theo”.

Và câu chuyện của người cán bộ Hội “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” theo dấu chân tận tụy của chị Nguyễn Thị Hường với từng công việc, từng hội viên… cho đến tận bây giờ.

THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.