Bỏ biên chế suốt đời có ảnh hưởng đến tâm huyết của người lao động?
Đó là nội dung câu hỏi mà nhiều lao động quan tâm tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Những điểm mới cần biết trong bộ Luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)" được báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất.
Dự buổi giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Ông Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Bà Bùi Thanh Giang - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Ông Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Bà Lê Thị Bích Ngọc – Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô; Ông Nguyễn Như Đạt – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Thạch Thất; Ông Nguyễn Minh Hồng - Trưởng ban Tổ chức huyện Huyện ủy Thạch Thất; Ông Đặng Minh Tân - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thạch Thất. Cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành Thành phố; Liên đoàn lao động các quận, huyện, ngành, các Ban của Liên đoàn lao động Thành phố.
Quang cảnh buổi giao lưu
Khai mạc buổi giao lưu, bà Lê Thị Bích Ngọc - Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)” có hiệu lực được 3 tháng nay có nhiều điểm mới rất đáng chú ý, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chúng ta. Hiểu luật cặn kẽ là mong muốn của tất cả người đi làm hưởng lương, người lao động, người sử dụng lao động, để giúp chúng ta thực hiện đúng luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chính chúng ta và góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Buổi giao lưu trực tuyến lần này được tổ chức xuất phát từ ý nghĩa đó.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: Việc hiểu đúng và thực hiện đúng những quy định trong Bộ luật lao động, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng còn có những hạn chế, bất cập. Để góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành chính sách pháp luật, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, Liên đoàn Lao động huyện đã kịp thời phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức hội nghị giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điểm mới cần biết trong Bộ Luật lao động, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi, bổ sung hôm nay.
Tại buổi giao lưu nhiều câu hỏi của người lao động đã được các chuyên gia giải đáp
Chuyên gia Vũ Minh Huyền trả lời: Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, hiện nay, với viên chức tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 sẽ thực hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Nguời lao động hỏi
Nếu các anh/chị đã tham gia kỳ tuyển dụng vào viên chức trước ngày 1/7/2020, thì toàn bộ các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc, chế độ chính sách vẫn như bình thường. Ở đây, chỉ điều chỉnh với trường hợp tuyển dụng sau ngày 1/7/2020.
Khi mà thực hiện Luật này, chúng ta sẽ tuyển dụng viên chức vẫn có hình thức thi tuyển, xét tuyển. Ngoài ra, trong phần xét tuyển thì hiện nay Luật cũng mở rộng đối với trường hợp xét tuyển đặc biệt. Tức là xét tuyển một số trường hợp quy định cụ thể vào viên chức mà không cần thông qua hình thức thi tuyển.
Chị Nguyễn Thị Bích- trường Trung học cơ sở Minh Hà hỏi: Tôi được biết, theo quy định mới của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức “sửa đổi, bổ sung) thì từ ngày 1/7/2020 sẽ bỏ biên chế suốt đời. Tôi xin hỏi việc bỏ biên chế suốt đời sẽ thay đổ bằng hình thức hợp đồng nào, và liệu việc bỏ biên chế suốt đời có ảnh hưởng đến tâm huyết của người lao động không?
Chuyên gia Vũ Minh Huyền: Thực ra khái niệm biên chế suốt đời theo tôi hiểu là được tuyển dụng, ký hợp đồng xác định thời hạn trước sau đó là hợp đồng không xác định suốt đời, khi các anh chị tuyển dụng vào không xác định thời hạn trước kia hay xác định thời hạn hiện, các anh chị không phải lo lắng nếu vẫn đảm bảo thời gian đứng lớp và thời gian giảng dạy. Sau khi kết thúc hợp đồng 6 tháng thì tiếp tục ký hợp đồng nếu đánh giá hoàn thành tốt hợp đồng trở lên, nếu không ký hợp đồng thì phải nêu lý do, một trong những lý do là không có nhu cầu, sát nhập, giải thể hoặc lý do không đảm bảo công việc, đánh giá cán bộ công chức, căn cứ trên vị trí việc làm.
Bà Phí Thị Tặng (Trường Mầm non 19/5) đặt câu hỏi: Tôi được biết theo Luật Viên chức sửa đổi thì những người tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 sẽ không còn chế độ biên chế suốt đời, người tuyển dụng được ký hợp đồng và hợp đồng có thời hạn tối đa 60 tháng. Xin hỏi chuyên gia, với những thay đổi đó của Luật thì công tác tuyển dụng sẽ diễn ra như thế nào và cơ quan nào có thẩm quyền tuyển dụng?
Bà Vũ Minh Huyền trả lời: Đối với viên chức vẫn tuyển bình thường, nếu trường thiếu sẽ đăng ký. Ủy ban nhân dân huyện sẽ thông báo tuyển dụng.
Chị Phí Thị Tú- Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hương Ngải hỏi: Trường tôi cũng như một số trường bạn có những trường hợp giáo viên bị bệnh hiểm nghèo. Tôi xin hỏi những bệnh hiểm nghèo nào sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thủ tục hưởng như thế nào?
PHẠM HẰNG