Ế ẩm chỉ tiêu vào Sư phạm

Chia sẻ

Năm học mới đã bắt đầu nhưng tại nhiều trường đại học ngành Sư phạm vẫn đang “ngóng” thí sinh. Các trường đang đẩy mạnh chính sách kích cầu sinh viên sư phạm, nhằm nỗ lực tăng sức hút.

Với những chính sách thu hút mới, hy vọng trong tương lai ngành sư phạm sẽ không còn cảnh “ngóng” thí sinhVới những chính sách thu hút mới, hy vọng trong tương lai ngành sư phạm sẽ không còn cảnh “ngóng” thí sinh (Ảnh: TT)

Dư thừa chỉ tiêu các ngành sư phạm

Năm 2020, trường đại học Phú Yên tuyển các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học theo điểm thi tốt nghiệp THPT (điểm chuẩn bằng đúng điểm sàn của Bộ GD-ĐT). Tuy nhiên, kết thúc đợt 1, trường này chỉ tuyển được 91 thí sinh. Một số ngành có rất ít thí sinh trúng tuyển như Sư phạm Toán học (4 thí sinh), Sư phạm Tin học (1 thí sinh), Sư phạm Ngữ văn (3 thí sinh), Sư phạm Lịch sử (2 thí sinh), Sư phạm tiếng Anh (3 thí sinh). Tình thế trên đã buộc đại học này phải ra thông báo xét tuyển bổ sung với gần 100 chỉ tiêu cho khối ngành đào tạo giáo viên thuộc trình độ đại học và cao đẳng theo hai phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT. Trong đó, nhiều ngành tuyển khá nhiều chỉ tiêu như giáo dục Mầm non (48 chỉ tiêu); giáo dục Tiểu học (50 chỉ tiêu), sư phạm Toán (40 chỉ tiêu).

Tương tự, trường đại học Đồng Tháp cũng đang “dư thừa” tới… 180 chỉ tiêu của 12 ngành sư phạm bậc đại học và 1 ngành cao đẳng sư phạm. Trường đại học Đà Lạt thừa 80 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm như Toán học, Hoá học, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, để tránh tình trạng sinh viên sư phạm không tìm được việc làm, Nghị định 116 đã quy trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh hằng năm căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng. UBND tỉnh thực hiện công khai nhu cầu đào tạo giáo viên, kết quả giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở đào tạo giáo viên, kế hoạch tuyển dụng và bố trí vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục.

Với trường đại học Quảng Nam, mặc dù điểm chuẩn các ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn quy định của Bộ GD-ĐT, nhưng sau đợt tuyển sinh đầu tiên, ngành Sư phạm Toán mới chỉ có 8 thí sinh trúng tuyển, sư phạm Ngữ văn có 16 thí sinh. Một số ngành tuy có chỉ tiêu nhưng không có thí sinh trúng tuyển như Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học.

Tình trạng “thừa chỉ tiêu, thiếu người học” không chỉ xảy ra với đại học vùng mà với cả trường đào tạo sư phạm lớn hàng đầu cả nước. Vừa qua, trường đại học Sư phạm TP HCM cũng phải ra thông báo về việc đăng ký xét tuyển ĐH chính quy năm 2020 đợt 2 cho hai ngành là Sư phạm tiếng Nga và Sư phạm Lịch sử - Địa lý với hơn… 200 chỉ tiêu.

Để “vãn hồi” cho sự ế ẩm, nhiều năm qua, một số trường sư phạm đã buộc phải hạ hết cỡ tiêu chuẩn đầu vào. Điển hình như năm 2017, mặt bằng điểm thi THPT quốc gia tăng cao đã đẩy điểm chuẩn của nhiều ngành học cũng tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra với ngành sư phạm. Tại trường cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, nhiều ngành như Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh học, sư phạm Ngữ văn có điểm chuẩn đầu vào chỉ 9 điểm, cho tổ hợp 3 môn thi THPT quốc gia, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần 3 điểm môn thi là đã trúng tuyển. Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cũng có điểm trúng tuyển tổng điểm 3 môn ở mức 9,5 điểm. Một số trường khác có mức điểm chuẩn lạc quan hơn, nhưng cũng chỉ ở mức từ 10-15 điểm…

Lo ngại về chất lượng của đội ngũ giáo viên trong tương lai, năm 2018, Bộ GD-ĐT đã phải đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sư phạm. Đối với trình độ đại học, chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi, các ngành Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại Khá trở lên.

Tuy nhiên, nỗ lực “nâng chất” đầu vào cho ngành sư phạm mặc dù là cần thiết nhưng vẫn chưa thể giải quyết được bài toán khó của ngành sư phạm là thiếu người học.

Nỗ lực tăng sức hút cho ngành sư phạm

Trong bối cảnh ngành sư phạm mất sức hút, ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, quy định có hiệu lực vào ngày 15/11 tới. Theo đó, sinh viên sư phạm không chỉ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học mà còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt. Sinh viên sư phạm nhận kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước có trách nhiệm trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng. Nếu đảm bảo điều này thì sinh viên không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, Nghị định 116 được ban hành sẽ giúp học sinh, sinh viên yên tâm học tập tốt, đồng thời thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm, xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có trên 100 cơ sở tham gia đào tạo các ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, CĐ, giáo dục mầm non, với tổng chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao là gần 70.000, tăng hơn so với năm 2019 (46.000 chỉ tiêu). Chỉ tiêu này được đưa ra trước dự báo trong vài năm tới các địa phương trong cả nước sẽ thiếu hụt giáo viên ở một số môn học, cấp học, nhất là trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tính đến tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 45 nghìn giáo viên mầm non, hơn 18 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 11 nghìn giáo viên THCS và hơn 10 nghìn giáo viên THPT. Có thể thấy rằng, cơ hội việc làm ở ngành Sư phạm còn khá lớn.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, mặc dù về tầm vĩ mô, tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra, nhưng trên thực tế, tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, phải làm trái ngành nghề vẫn xảy ra. Vì thế, để "hút" được người giỏi vào ngành Sư phạm, ngoài các chính sách thu hút như miễn học phí, cấp sinh hoạt phí, quan trọng hơn là phải giải quyết được vấn đề lương, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.