Những vụ án đau lòng từ mâu thuẫn kinh tế trong gia đình

Chia sẻ

Không còn là những xung đột nhỏ có thể hóa giải được… nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, thậm chí người chết, kẻ tù tội chỉ vì không có tiếng nói chung trong quản lý kinh tế, tài chính trong gia đình.

Những thảm án đau lòng

Tại phiên tòa xét xử về tội giết người của TAND TP Hà Nội mới đây, những người dự tòa đều bất ngờ khi nghe bị cáo Vũ Văn Nghĩa, 60 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội nói, nguyên nhân sâu xa của hành vi giết vợ - bà N.T.T là do bị vợ quản chặt kinh tế.

Bị cáo Nghĩa với mái tóc bạc trắng, ngồi thẫn thờ ở phần ghế dành cho phạm nhân, khai, bản thân làm trong ngành quân đội, thường xuyên vắng nhà. Đến khi về hưu, vợ chồng bị cáo được ở gần nhau thì cũng là lúc cả hai xảy ra xung đột.

Theo bị cáo, mâu thuẫn bắt nguồn từ việc hai vợ chồng bán mảnh đất ở quê, toàn bộ số tiền bán đất đều do bà T giữ. Bị cáo không biết vợ đã chi tiêu vào việc gì, nhưng khi bị cáo hỏi đến thì vợ nói là đã tiêu hết. Đã thế, thời gian ấy, vợ lại lạnh nhạt, lãnh cảm với chồng. Trong lòng bị cáo nghĩ vợ ngoại tình, chi tiền cho người tình nên luôn thấy ấm ức, khó chịu. “Lương thưởng lúc đang công tác lẫn về hưu đều đưa cho bà ấy giữ, nhưng khi bị cáo cần dùng việc gì thì vợ lại không đưa” – ông Nghĩa khai tại tòa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mâu thuẫn đỉnh điểm, vợ chồng bị cáo ly thân nhưng vẫn sống chung nhà. Từ ngày đó, vợ bị cáo không đoái hoài gì đến việc nhà chồng, kể cả giỗ chạp, lễ Tết. Còn bà T bị ung thư phải cắt bỏ một bên vú, bị cáo cũng không hay biết.

Cuối tháng 1/2020, ông Nghĩa về quê ăn Tết, nghĩ đến những mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm với vợ nên nảy sinh ý định giết vợ để trả thù. Bị cáo đi xe máy từ quê lên Hà Nội, mở cửa vào nhà, gọi vợ nhưng không thấy trả lời. Bị cáo vào bếp, lấy chày gỗ đập nhiều nhát khiến vợ tử vong. Sau đó, bị cáo bỏ về quê trốn. Con gái bị cáo đến nhà mẹ thì phát hiện mẹ tử vong nên trình báo công an. Biết không thể thoát tội, bị cáo đã đến công an quận Long Biên tự thú… Tòa xem xét hành vi phạm tội của bị cáo cùng với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cuối cùng, tuyên bị cáo Nghĩa án Chung thân.

Cũng trong tháng 9, TAND TP Hà Nội cũng mở phiên xử và tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc Anh (SN 1964, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) tử hình về tội Giết người. Vụ án mạng đau lòng xuất phát từ những mâu thuẫn về kinh tế giữa hai vợ chồng ông Đỗ Ngọc Anh và bà Đặng Thị H không được giải quyết.

Đỗ Ngọc Anh và bà H kết hôn vào tháng 4/2018. Cả hai đã từng có một cuộc hôn nhân đổ vỡ, và họ cũng đã vững kinh tế. Vì vậy, trước khi kết hôn, cả hai thỏa thuận về tài chính giữa vợ/chồng để tránh xảy ra xung đột. Cụ thể: Cả hai thống nhất, Đỗ Ngọc Anh sẽ ủy quyền cho bà H chiếc ô tô hiệu Prado trị trá 1,5 tỷ đồng, đổi lại, bà H sẽ làm thủ tục ủy quyền, sang tên cho Đỗ Ngọc Anh thửa đất 60m2 của bà ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Để hợp thức hóa thỏa thuận, Đỗ Ngọc Anh và bà H ký tiếp văn bản thỏa thuận, nếu người nào phản bội sẽ phải bồi thường danh dự cho người kia bằng trị giá tài sản ủy quyền.
Cuộc sống vợ chồng yên ấm cho đến khi bà H nghi ngờ Đỗ Ngọc Anh ngoại tình nên tự ý bán xe và không ủy quyền đất cho chồng nữa. Mâu thuẫn về tiền bạc bắt đầu xảy ra. Đỗ Ngọc Anh bỏ về nhà riêng tại huyện Đông Anh, nhiều lần gọi điện, nhắn tin yêu cầu vợ phải hoàn tất thủ tục sang tên thửa đất cho mình hoặc trả tiền ô tô nhưng bà H không đồng ý.

Cho rằng vợ không rành mạch chuyện tài sản đã thỏa thuận trước đó và có ý định lừa đảo nên Đỗ Ngọc Anh cay cú, tìm cách trả thù. Rạng sáng 31/1/2019, bị can đột nhập vào nhà vợ ở Chương Mỹ để sát hại. Nhằm che giấu tội ác, bị cáo đã phân xác vợ làm nhiều mảnh nhỏ rồi bỏ xuống sông Đuống phi tang, đồng thời xóa các vết tích phạm tội…

Vợ chồng nên công khai, minh bạch tài chính với nhau

Tiền bạc là một vấn đề tế nhị trong cuộc sống hôn nhân. Quản lý tiền bạc ra sao và như thế nào cho hợp lý cũng là một vấn đề hóc búa với nhiều gia đình. Thực tế, không ít cặp vợ chồng trẻ chọn cách “tiền ai người nấy giữ” để không khí trong nhà luôn được thoải mái, không ai có cảm giác đang bị đối phương kiểm soát về kinh tế. Nhưng cũng có nhiều gia đình thống nhất tài sản chung về một mối và một người nắm giữ để quản lý trong chi tiêu, đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, khi “nửa kia” không được tạo điều kiện trong việc chi tiêu cá nhân cũng như có ý kiến về các vấn đề đầu tư kinh doanh trong gia đình, mâu thuẫn sẽ xảy ra. Nhiều gia đình rơi vào căng thẳng, ly hôn, thậm chí bi kịch xảy ra vì không hóa giải được xung đột về tài chính.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thực tế, việc chồng hay vợ quản tiền của người còn lại không hẳn là chuyện tốt nếu sự “quản” đó quá chặt chẽ, khiến người kia cảm thấy bức bối vì bị phụ thuộc. Theo TS Tâm lý học Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm, người vợ hay chồng có mức thu nhập cao đều muốn giành quyền quyết định trong gia đình. Nhưng khi đã là vợ chồng thì nên giữ sự bình đẳng, không nên phụ thuộc vào việc ai làm ra tiền nhiều hay ít. Trong gia đình, ai quản lý tài chính phải có sự thống nhất của hai vợ chồng. Nếu ai có khả năng quản lý tài chính tốt và làm cho nó phát triển lớn mạnh, bền vững hơn thì nên giao cho người đó và có sự kiểm soát chung để tránh nghi ngờ, mất tin tưởng lẫn nhau. Người giữ tài chính cần có sự phân bổ chi tiêu phù hợp trong gia đình. “Vợ chồng nên đi học kỹ năng quản lý tài chính để chi tiêu và quản lí khoa học. Tài chính không chỉ là chi tiêu trong gia đình mà phải làm nó phát triển” – TS tâm lý Mã Ngọc Thể cho biết.

Mặc dù tài chính trong gia đình cần “quy về một mối”, nhưng cả chồng và vợ đều có quyền sử dụng một ít tiền tùy theo ý muốn. Tiền bạc cần công khai, bởi sự giấu giếm tiền bạc ắt hẳn tạo nên sự ngăn cách vợ chồng. Do đó, vợ chồng không nên có khoản tiền bí mật riêng tư. “Mỗi người chỉ nên trích riêng mình một ít tiền để tiêu vặt. Có như vậy, cả hai mới không cảm thấy áp lực hay bị kiểm soát về kinh tế” – TS tâm lý nói.

Khi người vợ/chồng phong tỏa, cấm vận, kiểm soát chặt chẽ tài chính, buộc vợ/chồng đóng góp tài chính vượt quá khả năng, đập phá tài sản của mình hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của vợ/chồng hoặc tài sản chung của gia đình nhằm gây áp lực tâm lý với thành viên còn lại trong gia đình… mỗi khi hai người mâu thuẫn, gây nên tình trạng phải phụ thuộc tài chính, thì đây được coi là hành vi bạo lực kinh tế, bị pháp luật nghiêm cấm, được quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2010. Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi này sẽ bị xử lý hành chính từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, đồng thời mức xử lý hành chính này là một trong những căn cứ để xử lý hình sự đối với người cố tình phạm tội, gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.