Nỗi xót xa của bố

Chia sẻ

“Ngày con quyết định lấy chồng, bố cản nên bị con giận. Ngày con rời khỏi nhà chồng, bố bình tĩnh nắm tay con rời khỏi nơi không hề hạnh phúc, bố chịu xỉa xói của người đời. Sao lúc nào bố cũng chịu thiệt, chịu đớn đau vì con thế?”.

Linh là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em gái, cũng là đứa con “khó bảo” nhất của bố mẹ. Sau khi mẹ cô sinh em út vẫn là gái, bố Linh bắt đầu chấp nhận sẽ không tiếp tục ngóng con trai nữa. Trong ký ức của Linh, là những ngày bố tập thay đổi để yêu thương hơn 3 chị em cô. Từ một ông bố vụng về, lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ với vợ, nghiêm khắc với các con, Linh đã dần thấy bố nhẹ nhàng hơn, ít quát mắng “ba con vịt giời”, cười nhiều hơn, giòn hơn trong ngôi nhà… chỉ toàn con gái!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Linh bướng nhất trong ba chị em, vì không phải lúc nào cô cũng nghe theo lời bố mẹ bảo. Ngày nhỏ, Linh xa cách với bố. Mẹ thì hiền, cứ lầm lũi nuôi mấy chị em, nên chẳng thể lắng nghe mọi điều Linh muốn nói. Có lẽ, tính cách bướng bỉnh của Linh được hình thành khi bố vẫn còn ít nhiều tiếc nuối, khao khát đứa con trai mà buông nhẹ sự quan trọng, sự đáng yêu của 3 chị em Linh. Chị cả đã đủ lớn, đủ ngoan để chấp nhận, em út thì còn quá bé để hiểu tâm tư của người lớn. Chỉ có Linh, đứng giữa nhiều suy nghĩ, đã biết mơ hồ nhìn nhận sự việc. Vậy là, Linh lớn lên trong hoài nghi: Mình có thật sự quan trọng với bố mẹ không? Nếu không, thì chắc hẳn mình là đứa con gái vô dụng rồi! Nhưng các bạn gái lớp mình vẫn được bố mẹ yêu thương đấy thôi? Phải rồi, tất cả là tại bố, vì bố ghét con gái, bố chỉ thích con trai, nên bố không hề quan tâm đến mình…

Linh vẫn còn bé dại, những ngây ngô, lệch lạc ấy, Linh chẳng dám nói ra, chỉ cắn chặt trong lòng, dần trở thành một cái vỏ cứng khiến cô thu mình lại trong chính gia đình. Linh đặc biệt dè dặt với bố, ngại tiếp xúc, ít nói chuyện, hay cúi gằm mỗi khi bố hỏi han… Cứ thế, Linh lớn lên. Tuổi dậy thì ẩm ương và cái tính bướng bỉnh dần hình thành. Linh cứ “một mình một kiểu”, chẳng giống ai trong nhà, hay làm bố mẹ tức điên lên được! Đánh nhau ở trường, trốn học, nhuộm tóc, yêu đương... chưa hết lớp 12, Linh đã “nếm” đủ cả! Bố nói nhẹ nhàng không được, thì chuyển sang bạt tai, Linh vẫn… tỉnh bơ! Nhiều lần như vậy, ông đuối rồi, chỉ thở dài: “Đúng là cái đứa cá tính nửa mùa!”. Linh tưởng bố ghét mình, nhưng không, bố đang cố để yêu thương cả tính cách “xấu xí”, bạt mạng của Linh đấy!

Linh vào đại học, ở trọ xa nhà, mẹ lần nào gọi cũng thở dài xót xa, lo lắng. Còn bố thì ít gọi, nhưng luôn xuất hiện đúng vào lúc Linh cần có hơi ấm gia đình nhất. Linh ốm – bố bắt xe lên Hà Nội đầu tiên; Linh ngã xe – bố bỏ cả việc cơ quan dồn dập cuối năm để lên chăm con gái ở viện suốt mấy ngày. Linh tốt nghiệp đại học, mẹ ốm không đi được, cứ tưởng sẽ không có ai trong nhà chứng kiến giây phút mình nhận bằng, nào ngờ, bố đã đến, lọt vào tầm mắt Linh. Cô gái bé nhỏ vừa nhận bằng vừa rưng rưng nước mắt. Bố và Linh, cứ xích dần lại nhau như vậy, chầm chậm, nhưng chan chứa tình yêu thương mà vì mặc cảm, định kiến, trót giấu đi suốt một chặng đường dài!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi Linh có người yêu, chẳng đâu xa, là cậu thanh niên học cùng lớp thời trung học, ở cách nhà Linh vài khu phố. Bố có vẻ không ưng, vì biết quá khứ bất hảo của anh chàng này. “Dù bây giờ nó có vẻ ngoan, nhưng tôi vẫn thấy nó chưa đủ lớn để yêu và che chở con gái mình. Vẫn còn gì đó bồng bột, giống như nó giả vờ ngoan vậy!”, bố tâm sự nỗi lo của mình với mẹ.

Nhưng Linh đòi cưới, sau hơn 1 năm yêu nhau. Thời gian đó, bố có để ý, nhưng vẫn thấy cậu thanh niên này chưa làm mình yên tâm giao con gái được. Bố định tìm cơ hội nói cho Linh hiểu, nhưng cô cứ viện cớ tránh đi. Bố nhờ mẹ khuyên, thì Linh ậm ừ rồi tìm cách lảng sang chuyện khác. Lúc bố quyết định sẽ phải nói chuyện với Linh cho tường tận ngọn ngành, phân tích cho cô hiểu thì Linh bỗng cáu lên: “Sao bố luôn coi thường con vậy? Bố nhìn xem, anh ấy đã hoàn toàn thay đổi thành một người đàn ông tốt, rất ga lăng và cực kỳ trưởng thành. Bạn bè còn ghen tỵ với con vì anh ấy rất lãng mạn và biết con thích gì, cần gì. Tại sao bố lại cấm con gái mình lấy một người như thế? Con ghét bố!”. Linh bỏ chạy lên phòng, không biết rằng ở phía sau, bố mình như chết lặng.

Sau cùng, không cản được con gái, bố mẹ đành đồng ý cho Linh lấy chồng. Họ giấu đi âu lo, vui vẻ tổ chức cho con gái một đám cưới thật to, thật ấm cúng, để Linh không thấy mình bị thua thiệt, thấy mình là một cô dâu thật hạnh phúc. Trước lúc trao Linh cho chú rể, bố ôm Linh thật chặt. Linh ngượng ngùng vòng tay ôm bố. Cả hai đều đang cố kìm nước mắt. Linh nhận ra, bố yêu thương mình rất nhiều…

Linh đi làm dâu gần nhà, nhưng chẳng khác gì lấy chồng xa. Vì chồng Linh công tác xa nhà đến hàng trăm cây số, dăm ba tháng đến nửa năm mới về phép một lần. Linh ở với bố mẹ chồng, em chồng. Những lúc được về nhà với bố mẹ cũng chỉ ngắn ngủi và được an ủi phần nào. Cô bé Linh ương ngạnh, bướng bỉnh ngày nào giờ trở thành nàng dâu nhu mì, ngày ngày đi làm, rồi về cơm nước, dọn dẹp, phục vụ gia đình chồng. Những đêm mất ngủ vì nhớ chồng lại làm cô trào lên nỗi tủi thân: Ước gì mình đang được ở nhà mình, dù có bị bố mẹ mắng, nhưng là nhà của mình, vẫn thật là thoải mái…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Linh mang bầu, rồi vượt cạn đều không có chồng ở bên. Bố mẹ chồng cũng hời hợt, bởi tình cảm với con dâu vẫn chưa đủ gắn kết. Cô em chồng thì lười nhác, lại xấu tính, hay kể lể, mách lẻo với anh trai, hùa với mẹ để lên mặt với chị dâu. Chỉ có bố mẹ và các chị em của Linh là thay phiên trông nom khi cô mới sinh. Chính những ngày này, chứng kiến đứa con gái “càng ăn, càng chăm, càng gầy rộc đi”, không còn nét dễ thương như ngày nào, bố Linh mới để ý, con gái mình đã bị đối xử thế nào ở nhà chồng. Họ không hề yêu thương Linh, chỉ xem cô như một người ngoài, sẵn sàng sai bảo. Còn chồng Linh, lâu lâu về nhà được dăm bữa, lại nghe mẹ hơn vợ, thành ra xem Linh như người có tội. Linh cứ run rẩy chịu chết mòn tuổi xuân trong cái nhà ấy…

Bố xót xa lắm. Đứa con gái mình vất vả nuôi lớn, chăm bẵm, nâng niu, giờ bị người khác xem như người ăn kẻ ở. Nhưng bố biết làm gì đây, nếu can thiệp, nhỡ đâu họ còn cư xử tàn nhẫn hơn với con gái mình thì sao? Bố không dám nói cho mẹ biết, chỉ dặn mẹ cố gắng hỏi han Linh thật nhiều, tẩm bổ thêm cho Linh, “chứ không thì nó sắp biến thành bộ xương biết đi rồi đấy…”.

Bố cứ thầm mong cuộc sống hôn nhân của Linh sẽ có chuyển biến tích cực. Nhưng ngay cả khi Linh đã sinh cho nhà chồng một đứa cháu trai kháu khỉnh, cô lại càng ngày càng thiếu sức sống, gầy khẳng khiu. Bạn bè nhìn vào còn thấy xót, huống chi là bố mẹ. Cho đến một ngày, trong bữa tiệc sinh nhật 1 tuổi của cháu ngoại, bố mẹ bảo vợ chồng Linh bế con về ăn tối. Trước bữa cơm, hai vợ chồng cãi nhau trong phòng riêng vì Linh nhờ chồng chăm con để cô phụ mẹ bữa tối, mà không được. Trận chiến đỉnh điểm, chồng tát Linh. Anh ta còn đay nghiến, bắt cô phải ngoan ngoãn không được kể chuyện ở nhà chồng với bố mẹ, nếu không sẽ phơi bày tất cả sự xấu xa của Linh từ trước đến nay lên mạng xã hội…

Bố gõ cửa, rồi xông vào: “Làm thằng đàn ông mà không biết vợ khổ ở đâu, vợ đau thế nào, chỉ chăm chăm nghe từ một phía, thì không xứng làm chồng con gái tôi. Nếu anh không làm cho nó trở lại được như trước đây, không cho nó cuộc sống hạnh phúc, thì chính tôi sẽ là người đến đón nó về!” – bố chỉ thẳng vào mặt chồng Linh, tuyên bố thẳng thừng.

Bữa cơm đầy năm cháu ngoại chẳng kịp dùng. Nhưng Linh thấy mình có bố ở bên, chở che, thấy hôm nay như là ngày nắng đầu tiên sau triền miên giông bão.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

Mẹ hãy sống cuộc đời của mẹ

(PNTĐ) - “Bây giờ, nếu muốn về quê thăm mẹ, thì 3 chị em gái trong nhà chị Cẩm Tú (31 tuổi, kinh doanh nhà hàng) đều phải hỏi mẹ trước tận mấy ngày. Vì nếu về mà không báo trước thì rất có khả năng mẹ lại đi vắng. Khi là những buổi từ thiện, khi là đến chùa nọ, chùa kia… Mẹ đi suốt, nhưng mấy chị em luôn vui, và động viên mẹ đi, “vì mẹ đã khổ cả đời cho mấy chị em chúng mình rồi’, chị Tú nói”.
Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

Hai đứa trẻ đi trên chiếc xe đạp

(PNTĐ) - Hôm đó, trên đường đi công tác xuống một huyện xa, xe ô tô của chúng tôi đi ngang qua hai đứa trẻ, một đứa chắc tầm 6 tuổi, một đứa chỉ 4 tuổi đang đèo nhau trên chiếc xe đạp người lớn. Con đường thì dài hun hút, tối om, hai bên là đồng ruộng và những tiếng ếch nhái ộp oạp đủ “dọa ma” nhiều người....
Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

Giấy ủy quyền có thay được di chúc?

(PNTĐ) - Bà nội tôi có 4 người con. Ông nội tôi mất sớm từ lúc bà nội vẫn còn trẻ. Bố tôi là con trai út. Khi bà tôi còn khỏe, bà đã ủy quyền cho bố tôi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên bà để bà làm di chúc cho bố tôi căn nhà đang ở. Sau khi làm giấy ủy quyền cho bố tôi, thủ tục để làm Giấy CNQSDĐ chưa hoàn tất thì bà tôi mất. Xin hỏi, bố tôi có được thừa hưởng căn nhà theo di nguyện của bà không? ( Phạm Đông-Cầu Giấy)
Trạm cà phê và sách

Trạm cà phê và sách

(PNTĐ) - Hưng treo chiếc áo khoác vào mắc áo, buông người nằm sõng soài ra giường. Anh cảm thấy chán nản khi mọi việc trong ngày đều lặp đi lặp lại theo một lịch trình được rập khuôn y đúc từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác. Riết Hưng thấy mình chẳng khác gì cỗ máy, khô khan, nhàm chán.